Phải tôn trọng cư dân địa phương khi bảo tồn di tích!

07:00 | 29/12/2013

1,529 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bảo tồn di tích phải tôn trọng ý kiến cũng như đảm bảo sinh kế cho cư dân địa phương là cách mà nhiều Thành phố trên thế giới có di tích cổ đã làm thành công. Tuy nhiên, tại Việt Nam việc bảo tồn và phát triển còn khá lúng túng nên mới có chuyện người dân đòi trả lại di tích, hay phá bỏ di tích để xây mới nhà cửa…

Trên thế giới có những thành phố bảo tồn nguyên trạng nhưng vẫn giữ vững sinh kế cho cư dân địa phương như đế đô cũ Tây An (Trường An - Trung Quốc) có lịch sử mấy ngàn năm, TP Kyoto (Nhật) trước khi dời đô về Tokyo, TP Sankt - Peterburg (sau này gọi là Leningrad – Liên bang Nga), TP Montréal (Canada)...

Khu phố cổ Vieux-Montréal (TP Montréal - Canada) trở thành con gà đẻ trứng vàng

Theo kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái kinh nghiệm của các thành phố có di sản trên thế giới là họ không tham vọng đô thị hóa toàn vùng. Lõi TP Kyoto cổ kính (Nhật Bản) là thành phố di sản vẫn giữ, có cho xây dựng và cải tạo thì phải đúng quy trình, kiến trúc cổ không được phá vỡ cảnh quan công trình kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên. Có thể nói TP Kyoto đẹp là nhờ cảnh quan thiên nhiên vẫn còn giữ nét cổ. Còn những thành phố xung quanh Kyoto được hiện đại hóa.

Ngay như TP S. Peterburg đang hiện đại hóa nhưng họ vẫn giữ khu trung tâm như Cung điện mùa đông, Cung điện mùa hè, bảo tàng và các di sản khác, giờ những di sản này hằng năm thu hút khách du lịch rất lớn và đây là nguồn thu lớn cho cư dân thành phố khi làm dịch vụ, du lịch.

Còn TP Montréal (Canada) trong những năm 60 của thế kỷ XX chính quyền thành phố định phá khu phố cổ và xây dựng hiện đại nhưng bị người dân phê phán và Hội đồng Thành phố ra quyết định tiếp thu góp ý của dân, đồng thời mở cuộc thi thiết kế kiến trúc. Cuối cùng TP Montréal vẫn giữ lại khu phố cổ Vieux-Montréal khoảng 1km2 nhưng giờ nó là con gà đẻ trứng vàng. Những giá trị kiến trúc văn hóa của thế kỷ XVI còn giữ nguyên nên hằng năm thu hút rất đông du khách trên toàn thế giới.

Ở nước ta, một lần nữa, câu chuyện về bảo tồn làng cổ lại được các nhà khoa học, nhà quản lý đưa ra bàn thảo trong hội thảo khoa học: “Bảo tồn và phát huy giá trị làng cổ tại Hà Nội” do Viện Bảo tồn di tích, Bộ VH-TT-DL tổ chức ngày 27/12 tại Hà Nội vừa qua với nhiều ý tưởng và giải pháp được đưa ra.

Chùa Mía tại thôn Đông Sàng xã Đường Lâm (Hà Nội)

Theo ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội thì hiện Hà Nội có khoảng 60 làng cổ như Đông Ngạc (Từ Liêm), Bát Tràng (Gia Lâm)… Nhiều ngôi làng có sự đan xen phong cách truyền thống với phong cách Pháp như làng Cựu (Phú Xuyên), Cự Đà (Thanh Oai)… nhưng chỉ có làng cổ Đường lâm được công nhận là di tích cấp quốc gia. Tuy nhiên, Hà Nội không chỉ có Đường Lâm mà nhiều làng cổ ở ven thủ đô như làng Mơ, làng Đông Ngạc cũng đang chịu ảnh hưởng từ quá trình đô thị hóa dẫn đến sự thay đổi về cảnh quan, văn hóa trong làng xã cũng như cuộc sống của người dân.

Và ông Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích cũng tỏ ra vô cùng tiếc nuối trước không gian của các làng cổ ngày càng mai một và đang đối diện với nguy cơ bị biến mất như làng Cự Đà bởi rất nhiều kiến trúc cổ, làng cổ đã bị phá và xây mới. Tuy nhiên, không thể trách người dân đã phá nhà cũ, xây nhà mới, làm mất không gian làng cổ khi không gian sống của họ không được đảm bảo tốt.

Còn PGS-TS Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia thì nhấn mạnh, việc bảo tồn di sản phải gắn liền với việc xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho cộng đồng cư dân địa phương. Vì vậy, phải đặt con người và nhu cầu của họ ở làng đó vào trung tâm của việc bảo tồn. Trong khi từ trước đến nay, chúng ta vẫn chủ yếu quan tâm đến việc kéo dài tuổi thọ, giữ nguyên gốc mà ít quan tâm đến cuộc sống của cư dân địa phương xung quanh di tích. Trong khi, việc bảo tồn là phải hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phải góp phần đem lại lợi ích cho cộng đồng.

Do đó hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng nên coi các dự án trùng tu di tích là một dự án kinh tế - văn hóa – xã hội chứ không đơn thuần là câu chuyện của các nhà làm văn hóa và nhà làm quản lí.

Chỉ khi nào chúng ta thực hiện trùng tu cộng với quy hoạch, bảo tồn và quản lí có hiệu quả các khu di tích, để người dân địa phương được thụ hưởng lợi ích sinh kế từ di tích thì khi đó chắc chắn cộng đồng sẽ nói không với việc trả lại di tích, cũng như phá bỏ di tích để xây mới. Và cư dân địa phương sẽ là nhân tố quan trọng nhất trong việc bảo vệ di tích. Đây vẫn là câu hỏi khó dành cho các nhà làm chính sách và quản lí di tích ở Việt Nam hiện nay!?

Nguyệt Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.