Tại sao Anh điều tra công khai cái chết của cựu điệp viên Nga Alexander Litvinenko?

07:00 | 28/07/2014

2,532 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dư luận Nga và Anh đang xôn xao sau khi London tuyên bố sẽ mở một cuộc điều tra công khai về cái chết của cựu điệp viên Alexander Litvinenko (22-7).

Năng lượng Mới số 342

Tuyên bố tại Quốc hội Anh hôm 22-7 của Bộ trưởng Nội vụ Theresa May đã được giới truyền thông đề cập khi nhắc tới vấn đề này: “Tôi rất hy vọng cuộc điều tra sẽ mạng lại chút an ủi cho vợ góa của ông Alexander Litvinenko. Cuộc điều tra công khai đồng nghĩa với việc các nhà điều tra Anh có thể xem xét tới khả năng liệu Moskva có đứng sau vụ sát hại ông Alexander Litvinenko hay không”.

Ðược biết, cảnh sát Anh đã yêu cầu bắt giữ công dân Nga Andrei Lugovoi (cựu điệp viên KGB dưới thời Liên Xô và hiện là nghị sĩ Duma quốc gia Nga) và Dmitri Kovtun với cáo buộc liên quan đến cái chết của ông Alexander Litvinenko, nhưng Moskva đã từ chối giao người. Còn 2 người kể trên đều phủ nhận khả năng dính líu tới cái chết của cựu điệp viên Nga.

Tại sao Anh điều tra công khai cái chết của cựu điệp viên Nga Alexander Litvinenko?

Cựu điệp viên Nga Alexander Litvinenko được cho là bị đầu độc bằng phóng xạ

Một trong những nguyên nhân khiến ông Andrei Lugovoi nằm trong diện nghi vấn của cảnh sát Anh bởi người này từng là đồng nghiệp của ông Alexander Litvinenko, là người chỉ trích gay gắt nhất khi cựu điệp viên này chạy sang Anh tị nạn năm 2000 và từng tới xứ sở sương mù (1-11-2006) gặp nạn nhân tại khách sạn Thiên Niên Kỷ ở quận Mayfair, London. Các nhà điều tra Anh cho rằng, ông Andrei Lugovoi đã lén bỏ chất phóng xạ polonium-210 vào đồ uống của ông Alexander Litvinenko tại cuộc gặp kể trên. Do đó, Anh đề nghị Nga dẫn độ ông Andrei Lugovoi tới London để điều tra, nhưng đã bị Moskva từ chối.

Cách đây gần 2 năm (21-9-2012), tờ Russia Today từng đưa tin, Anh tuyên bố sẽ mở lại vụ điều tra về cái chết bí ẩn của cựu điệp viên Nga Alexander Litvinenko và việc này sẽ được khởi động vào đầu năm 2013. Khi đó, giới truyền thông cho rằng, cuộc điều tra sẽ được mở theo hướng giải mã các bí ẩn về công việc thật sự của ông Alexander Litvinenko trước khi chết, cùng sự liên quan của Moskva trong vụ án này. Theo giới truyền thông Anh, ông Alexander Litvinenko từng là nhân viên của Cơ quan Tình báo FSB (Nga), nhưng sau đó lại chỉ trích Ðiện Kremlin nên đã bị đầu độc bằng chất phóng xạ polonium-210 sau khi uống trà tại một khách sạn ở London. Cuốn “Blowing up Russia: Terror from within” của ông Alexander Litvinenko (xuất bản năm 2001 tại Anh) từng gây tiếng vang lớn trong dư luận bởi trong đó tiết lộ khá nhiều thâm cung bí sử.

Hơn 1 năm trước (17-3-2013), tờ Sunday Times tiết lộ, Cơ quan Mật vụ Anh (MI-6) từng đã trả ít nhất 90.000 bảng Anh (136.000USD) cho cựu điệp viên Nga Alexander Litvinenko. Thông tin kể trên do bà Marina Litvinenko, vợ của cựu điệp viên Alexander Litvinenko tiết lộ, theo đó các khoản chi trả của tình báo Anh (18.000 bảng Anh) bắt đầu gửi từ cuối năm 2003 và đầu năm 2004 vào tài khoản ngân hàng của vợ chồng họ. Và từ năm 2004 đến tháng 3-2007 (4 tháng sau khi cựu điệp viên Nga qua đời), ông Alexander Livinenko nhận khoảng 2.000 bảng Anh/tháng từ MI-6. Ngoài tiền, MI-6 còn cấp cho ông Alexander Litvinenko một hộ chiếu giả. Ông Alexander Litvinenko chết tại Bệnh viện Ðại học Y khoa London hôm 23-11-2006 với nguyên nhân được cho là bị đầu độc bằng chất độc phóng xạ. Sau đó các bác sĩ Anh xác định, ông Alexander Litvinenko đã bị đầu độc trước khi chết khoảng 3 tuần. Theo bác sĩ điều trị Henry cho biết, bệnh tình của ông Alexander Litvinenko rất xấu bởi nạn nhân bị trúng độc nghiêm trọng.

Ngoài giới truyền thông, WikiLeaks cũng cung cấp một số thông tin giúp làm sáng tỏ thủ phạm đã sát hại ông Alexander Litvinenko khi công bố những nội dung trao đổi bí mật của giới chức ngoại giao và an ninh Mỹ cùng một số nước liên quan tới cựu điệp viên này. Trong những bức điện ngoại giao mật được Ðại sứ Mỹ tại các nước Anh, Pháp, Ðức và Tây Ban Nha gửi về Washington, trong đó đáng chú ý nhất là bức điện đề ngày 7-12-2006. Bởi trong đó, Ðại sứ quán Mỹ ở Pháp đã thuật lại vắn tắt cuộc gặp giữa Ðại sứ lưu động Henry Crumpton của Mỹ (từng lãnh đạo CIA trong các hoạt động tại Afghanistan) với ông Anatoly Safonov (từng là Phó giám đốc FSB), đặc phái viên của Tổng thống Nga Putin tại một địa điểm bí mật ở thủ đô Paris. Theo đó, cơ quan chức năng Nga ở London đã biết trước về vụ đầu độc và đã theo dõi các cá nhân vận chuyển chất phóng xạ vào London trước khi vụ đầu độc xảy ra, nhưng các điệp viên Nga đã bị tình báo an ninh nội địa Anh ngăn lại… Việc này diễn ra sau khi ông Alexander Litvinenko được Chính phủ Anh quyết định cấp giấy chứng nhận trở thành công dân Anh từ 1-10-2006.

Giới truyền thông Anh từng đưa tin, ông Alexander Litvinenko đã bị ốm rất nặng ngay sau khi dùng bữa với ông Mario Skaramella, phóng viên người Italia, một người quen cũ tại nhà hàng Sushi hôm 1-11-2006. Ông Alexander Litvinenko tới gặp ông Mario Skaramella sau khi nhận được tin nhắn: sẽ thông báo một số thông tin quan trọng liên quan tới cái chết của nữ phóng viên nổi tiếng người Nga Anna Politkovskaya (bị sát hại chiều 7-10-2006 khi vừa từ siêu thị trở về nhà ở thủ đô Moskva, Nga). Cựu điệp viên này quan tâm tới Anna Politkovskaya bởi họ khá thân, hơn nữa ông Alexander Litvinenko cũng từng có ý định điều tra độc lập về nguyên nhân dẫn tới cái chết của nữ phóng viên. Ðiều đáng nói là Mario Skaramella không hề ăn bất cứ thứ gì, luôn tỏ ra hồi hộp, lo lắng khi ông đưa cho Alexander Litvinenko một tập tài liệu với 4 trang giấy yêu cầu phải đọc ngay. Nội dung trong đó không có gì mới và sau cuộc gặp hôm 1-11-2006, ông Alexander Litvinenko không thể liên lạc với Mario Skaramella.

Moskva đã có phản ứng ngay sau khi báo chí Anh đăng tải thông tin, theo đó Cơ quan Tình báo Nga đứng sau vụ đầu độc ông Alexander Litvinenko, cựu Trung tá, chuyên gia chống tội phạm có tổ chức ở Cơ quan An ninh Nga. Người phát ngôn Ðiện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, họ không bình luận về những gì đã xảy ra đối với ông Alexander Litvinenko và cũng không thể bình luận về những tuyên bố cáo buộc Ðiện Kremlin bởi chúng hoàn toàn nhảm nhí. Cơ quan Tình báo Nga cũng đưa ra lời tuyên bố tương tự.

Quốc Tuấn - Khắc Dũng