Sắp có một Ukraina thứ hai tại châu Âu?

17:26 | 17/11/2014

9,498 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tình hình chính trị tại Gruzia cũng đang hỗn loạn do liên quan tới chuyện chính quyền nước này chia rẽ vì thân phương Tây hay chơi với Nga. Liệu Gruzia có thể trở thành một Ukraina thứ hai?

Sắp có một Ukraina thứ hai tại châu Âu?

Những người biểu tình đòi hỏi chính phủ Gruzia có những bước mạnh mẽ để phản đối biện pháp có thể thành lập lực lượng quân sự hỗn hợp Nga - Abkhazia.

Ngày 15/11, hàng chục nghìn người Gruzia đã biểu tình phản đối Nga, cáo buộc Moskva tìm cách thôn tính các khu vực ly khai của nước này, đồng thời lên án chính quyền Tbilisi không nỗ lực hơn để bảo vệ các lợi ích quốc gia.

Người biểu tình chỉ trích chính quyền Tbilisi đã phản ứng thụ động với một kế hoạch liên minh quân sự giữa Nga và nước cộng hòa ly khai Abkhazia. Họ nói thỏa thuận chưa được ký kết là một bước tiến tới việc Nga sát nhập Abkhazia.

Lãnh đạo đối lập đồng thời là cựu Tổng thống Gruzia Mikhail Saakashvili nói chuyện với đám đông người biểu tình qua một màn hình lớn. Ông cáo buộc Chính phủ Gruzia cúi đầu trước “con gấu”- ám chỉ nước Nga.

Thủ tướng Gruzia Irakil Garibashvili đã nói ông nhận thức được mối đe dọa gây nên bởi thỏa thuận chưa được ký kết. Tuy nhiên ông cũng hy vọng có thể hàn gắn quan hệ với Nga, đồng thời muốn liên kết Gruzia chặt chẽ hơn với các nền dân chủ phương Tây.

Tỉnh miền tây bắc Gruzia tuyên bố độc lập đối với Gruzia vào đầu những năm 1990. Nga công nhận nước Abkhazia độc lập vào năm 2008 sau một cuộc chiến tranh ngắn với Gruzia về Nam Ossetia, một vùng ly khai thân Nga khác.

Gruzia cảnh báo Nga chớ có thêm những bước đi nhằm sáp nhập khu vực ly khai Abkhazia, cho rằng hành động đó sẽ tạo thêm các vấn đề an ninh mới tại châu Âu.

Sắp có một Ukraina thứ hai tại châu Âu?

Bộ trưởng Ngoại giao Gruzia Maya Panjikidze phát biểu trong một cuộc họp báo ở Tbilisi ngày 5/11/2014

Cuộc biểu tình trên là diễn biến mới nhất trong chuỗi những bất ổn chính trị gần đây tại Gruzia. Ngày 5/11, Bộ trưởng Ngoại giao Gruzia đã từ chức để phản đối việc Bộ trưởng Quốc phòng thân phương Tây của nước này bị sa thải một ngày trước đó, trong khi bất đồng rõ ràng về đường hướng chính trị của đất nước đe dọa trở thành một cuộc khủng hoảng chính trị toàn diện.

Bộ trưởng Ngoại giao Maya Panjikidze và ba người cấp phó của bà từ chức sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Irakli Alasania bị sa thải. Bà Panjikidze nói rằng việc Thủ tướng Irakli Garibashvili bãi chức ông Alasania là có động cơ chính trị và khiến cơ hội gia nhập NATO và Liên minh châu Âu của Gruzia gặp nguy. Bộ trưởng Hội nhập châu Âu Aleksi Petriashvili cũng từ chức ngày 3/11.

Tất cả các bộ trưởng từ chức đều là thành viên của đảng Gruzia của Chúng Ta – Người Dân chủ Tự do, và ông Alasania là lãnh đạo đảng. Đảng này hôm 4/11 đã rút khỏi liên minh cầm quyền. Ông Alasania đã chỉ trích Thủ tướng Garibashvili vì những vụ bắt giữ một số quan chức Bộ Quốc phòng, những vụ việc mà ông nói có mục đính làm suy giảm những người ủng hộ quan hệ tốt với phương Tây.

Thủ tướng Garibashvili bác bỏ những cáo buộc này là "những võ đoán vô trách nhiệm" và cho biết định hướng thân phương Tây của Gruzia là "không thể đảo ngược". Gruzia đã ký Hiệp định liên kết với Liên minh châu Âu vào tháng 6/2014.

Những thành viên khác của chính phủ đã đe dọa sẽ từ chức và một số nhà lập pháp cho hay họ có thể chuyển sang phe đối lập, và việc này có thể sẽ khiến liên minh cầm quyền của ông Garibashvili mất thế đa số ở quốc hội.

Trong một tuyên bố, Thủ tướng Garibashvili nói ông bãi chức ông Alasania để tránh việc chính trị hóa lực lượng vũ trang và Bộ Quốc phòng của Gruzia và mở đường cho một cuộc điều tra độc lập về những cáo buộc tham nhũng nhắm vào các quan chức Bộ Quốc phòng.

Ông Alasania gọi những cáo buộc tham nhũng có động cơ chính trị và là do đảng của ông có quan hệ chặt chẽ với phương Tây.

Liên minh châu Âu và Mỹ bày tỏ lo ngại về những diễn biến chính trị tại Gruzia. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho hay Washington rất lo lắng trước tình trạng cách chức và từ chức hàng loạt trong nội bộ giới lãnh đạo Gruzia nhưng hy vọng nước này vẫn duy trì tiến trình tiến tới tương lai hội nhập Châu Âu-Đại Tây Dương. Ngày 7/11, người phát ngôn bộ phận phụ trách ngoại giao của EU ủng hộ sự phản đối của các vị Bộ trưởng vừa rời bỏ vị trí của mình trong chính phủ Gruzia, đồng thời cảnh báo rằng một cuộc khủng hoảng ở Gruzia có thể phá vỡ tiến trình tiến tới phương Tây của nước này và đẩy Gruzia trở lại vòng ảnh hưởng của nước láng giềng Nga.

Nh.Thạch

tổng hợp

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc