Đằng sau thỏa thuận dầu khí “khủng” giữa Nga và Trung Quốc

06:44 | 27/06/2013

1,111 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Nga - nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới sẽ cung cấp 365 triệu tấn dầu mỏ cho Trung Quốc - nước tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới trong thời hạn 25 năm theo một thỏa thuận trị giá tới 270 tỉ USD. Thông tin này lập tức đã gây nên một “cơn sốt” trong giới bình luận quốc tế tuần qua. Không ít nhà quan sát dự báo bức tranh năng lượng thế giới có thể sẽ thay đổi từ thỏa thuận “khủng” này với sự hình thành một liên minh mới trên bàn cờ năng lượng toàn cầu và sự củng cố quyền lực của một “đế chế” dầu khí mới - Rosneft.

Thỏa thuận “khủng” nói trên được ký kết ngày 21/6 giữa Tập đoàn Dầu mỏ Quốc gia Rosneft (Nga) và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC), dưới sự chứng kiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Phó thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ nhân chuyến thăm Moskva tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới St.Petersburg của ông này. Tuy nhiên, đây là kết quả một quá trình đàm phán lâu dài.

Bản hiệp định bắt đầu được thương lượng từ chuyến thăm Moskva đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và một bản hiệp định sơ bộ đã được ký kết vào tháng 3 năm nay. Theo thỏa thuận, việc giao hàng có thể sẽ được bắt đầu ngay trong năm nay. Dầu mỏ sẽ được chuyển giao cho Trung Quốc thông qua hệ thống đường ống có sẵn, chạy từ Siberia - Thái Bình Dương (ESPO), được thiết kế để bơm dầu trực tiếp đến khu Mohe, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc.

Tổng thống Nga Putin bắt tay Phó thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ

Với thỏa thuận này, quyền lực của Rosneft - “đế chế” dầu khí mới của thế giới,  thủ lĩnh trong số các công ty đại chúng về lượng khai thác dầu mỏ, với khoảng hơn 4,5 triệu thùng dầu/ngày, “trên cơ” cả PetroChina (Trung Quốc), ExxonMobil (Mỹ) và ngang hàng với sản lượng khai thác dầu thô của Iran sau phi vụ thâu tóm liên doanh dầu khí Anh - Nga TNK-BP càng được củng cố thêm, khi “vừa có dầu, vừa có tiền”. Bên cạnh đó, nguồn tài chính “rủng rỉnh” từ thỏa thuận trên cũng có thể sẽ cho phép Chính phủ Nga trì hoãn kế hoạch tư nhân hóa 19% cổ phần của Rosneft, tạo ra mối quan hệ tài chính chặt chẽ hơn với Trung Quốc, giúp Nga vượt suy thoái kinh tế hiện nay.

Trong những năm gần đây, Nga đã từng bước mở nguồn dầu xuất sang Trung Quốc. Thỏa thuận Rosneft là thỏa thuận mới nhất trong một loạt các giao dịch tài chính giữa các công ty năng lượng của Moskva và Bắc Kinh. Ngay từ năm 2005, Rosneft đã phải vay 6 tỉ USD từ các ngân hàng nhà nước Trung Quốc như một khoản tiền trả trước cho xuất khẩu dầu. Rosneft đã sử dụng khoản tiền này để thâu tóm một đơn vị sản xuất lớn nhất của Công ty dầu Yukos. Năm 2009, các ngân hàng Trung Quốc cũng cho Rosneft vay 25 tỉ USD để hoàn thành đường ống dẫn dầu ESPO. Theo các điều khoản của thỏa thuận, các ngân hàng này sẽ được hoàn trả 2,5 tỉ thùng dầu trong 20 năm từ năm 2010 đến năm 2030.

Nga hiện đang cung cấp cho Bắc Kinh 15 triệu tấn dầu/năm (300.000 thùng/ngày) qua hệ thống đường ống này. Theo dữ liệu mà Reuters thu được từ lịch trình vận chuyển, từ 3 tháng trước, Moskva đã dự định tăng lượng dầu xuất khẩu sang Trung Quốc lên khoảng 13% trong khoảng từ tháng 7 đến tháng 9. Bên cạnh đó, Rosneft cũng đã đồng ý tăng gấp 3 lần lượng dầu mỏ cung cấp cho Trung Quốc hồi tháng 3. Dù không rõ là việc giao hàng sẽ bắt đầu ở thời điểm nào nhưng “đại gia” dầu mỏ nước Nga có kế hoạch tăng lượng dầu cung cấp cho Trung Quốc trong năm nay lên thêm 800.000 tấn nữa. Giới thương nhân dự đoán, lượng dầu thô xuất sang Trung Quốc của Nga sẽ tăng lên 17 triệu tấn vào năm 2014 và đến năm 2015, con số này có thể lên tới khoảng 20 triệu tấn - ngang bằng với lượng dầu thô của Nga xuất sang Đức - khách hàng cá nhân lớn nhất của Nga cho đến nay.

Rõ ràng, thỏa thuận với Trung Quốc là một dấu hiệu cho thấy sự chuyển hướng nhỏ trong xuất khẩu dầu của Nga từ Tây Âu sang châu Á, thể hiện sự tăng tốc thực hiện chính sách Hướng Đông của Moskva. Điều này cũng được Tổng thống Putin khẳng định sau lễ ký. Ông chủ Điện Kremlin ca ngợi thỏa thuận đã mở ra một kỷ nguyên mới về hợp tác năng lượng giữa hai nước, đồng thời tuyên bố Nga coi trọng và ưu tiên phát triển mối quan hệ hợp tác với nước láng giềng Trung Quốc trong bối cảnh mối quan hệ giữa Nga và phương Tây còn nhiều vấn đề khó giải quyết. Nga cũng muốn đa dạng các khách hàng năng lượng ngoài khu vực châu Âu, đồng thời nhận thức rõ tiềm năng khổng lồ của thị trường Trung Quốc.

Không chỉ dầu mỏ, chưa bao giờ Nga lại nóng lòng muốn tấn công vào thị trường khí đốt Trung Quốc với những giao dịch “khủng” tương tự thỏa thuận của Rosneft như bây giờ. “Một trong những chướng ngại cản trở tiến trình đi đến ký kết thỏa thuận khí đốt giữa Nga và Trung Quốc đã được loại bỏ. Việc cung cấp khí đốt của Nga sang Trung Quốc sẽ được thực hiện mà không cần tham chiếu đến mức giá của Trung tâm Kinh doanh khí đốt tự nhiên Henry Hub ở Mỹ”, người đứng đầu tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom Alexey Miller hồ hởi tuyên bố sau buổi làm việc với Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc Tưởng Khiết Mẫn hôm 20/6. Việc ký hợp đồng khí đốt giữa hai bên lâu nay bị cản trở bởi vấn đề giá xăng. Trong quá trình đàm phán, Trung Quốc luôn nhấn mạnh rằng giá khí đốt của Nga không được vượt quá chi phí than đá được sử dụng để sản xuất điện. Tuy nhiên, rõ ràng khí đốt theo các đường ống dẫn từ Nga sang Trung Quốc không thể rẻ hơn so với than khai thác tại các mỏ của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, sau “cuộc cách mạng khí đá phiến sét” tại Mỹ, cuộc đàm phán Nga - Trung Quốc có thêm trở ngại mới. Khí đá phiến sét đã làm giảm giá khí đốt tự nhiên, được xác lập ở Trung tâm Kinh doanh khí đốt tự nhiên ở bang Louisiana, tại nhà máy có tên gọi là Henry Hub. Tại đây có điểm giao nhau của 13 đường ống dẫn khí. Chỉ số giá Henry Hub được dùng để so sánh giá cả trên sàn New York Mercantile Exchange. Trung Quốc khăng khăng đòi dùng mức giá này. Trong khi đó, ở châu Âu, phần lớn các nguồn cung cấp khí đốt, kể cả theo đường Gazprom, mức giá được thực hiện theo hợp đồng dài hạn gắn với giá dầu. Có vẻ như là các nhà đàm phán của Nga đã thuyết phục được đối tác Trung Quốc là trong thực tế giá khí đốt được hình thành trên lục địa châu Mỹ không thể là tiêu chuẩn tham khảo cho việc xuất khẩu khí đốt của Nga sang Trung Quốc. Nếu mọi việc tiến triển tốt thì đến trước cuối năm, Moskva và Bắc Kinh có thể lại công bố một “siêu hợp đồng” khí đốt cho thế giới ngỡ ngàng.

Tất nhiên, không chỉ Nga mà Trung Quốc cũng được hưởng lợi. Không chỉ được đảm bảo về nguồn cung dầu khí ổn định, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, giải tỏa phần nào cơn khát năng lượng, Bắc Kinh cũng khó tìm ai ngoài Nga, cung cấp cho Trung Quốc nhiên liệu giá cả phải chăng và rẻ hơn, theo nhà phân tích của Trường Kinh tế cao cấp Leonid Polyakov. “Thiên đường khí đốt” giá rẻ cho Trung Quốc không còn nữa. Gần đây, cơ quan giá quốc tế Argus Media, nơi tập trung tất cả báo giá của thế giới cho biết, Turkmenistan sẽ tăng giá khí đốt bán cho Trung Quốc. Bây giờ, Trung Quốc đang phải trả giá tương tự như khách hàng châu Âu của Gazprom. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đã phải tăng mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng. Giá khí đốt ít nhất là không thấp hơn và thường cao hơn so với giá mà khách hàng châu Âu mua khí đốt của Gazprom. Việc đòi hỏi mua khí đốt rẻ hơn của Trung Quốc đã kết thúc, vì bây giờ không ai bán khí đốt giá rẻ cho họ nữa.

Linh Linh
(theo Moscow Times, Reuters, Ruvr)