Tiến sĩ khảo cổ Nhật Bản với "bảo tàng cấp xã" đầu tiên ở Việt Nam

16:13 | 12/06/2013

1,717 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hơn 20 năm, TS Nishimura Masanari liên tục có mặt, đóng góp nhiều công sức và thành tựu trong các dự án nghiên cứu khảo cổ học, sử học, bảo tồn văn hóa. TS Nishimura Masanari cũng là người sáng lập “Quỹ Bảo vệ Di sản văn hóa dưới lòng đất Đông Nam Á” và là người đóng góp không nhỏ để xây dựng một “bảo tàng cấp xã” đầu tiên ở Việt Nam. TS Nishimura Masanari mất vì tai nạn giao thông nhưng những đóng góp và tình cảm của ông dành cho mảnh đất và con người Việt Nam đã trở thành một biểu tượng đẹp trong quan hệ giữa 2 nền văn hóa Việt Nam - Nhật Bản.

>> Vĩnh biệt nhà khảo cổ Nhật – người bạn của Việt Nam

Người bạn của ngành khảo cổ học

TS Masanari sinh năm 1965, tại thành phố Shimonoseki, Nhật Bản. Ông có tên tiếng Việt là Lý Văn Sỹ và nói tiếng Việt rất tốt. Ông bắt đầu đến Việt Nam từ những năm 1990, trong chương trình hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam để khai quật một số mộ cổ ở Nghĩa Đàn, Nghệ An.

TS Nishimura Masanari, người có đóng góp lớn và tham gia nhiều dự án với ngành khảo cổ Việt Nam.

 

Tháng 11/1998, khi cùng làm việc với các đồng nghiệp khảo cổ học Việt Nam trên vùng đất Luy Lâu xưa (thuộc địa bàn tỉnh Bắc Ninh ngày nay), Nishi đã phát hiện được một mảnh khuôn đúc trống đồng có niên đại khoảng thế kỷ I - III sau Công nguyên. Cho đến nay, đây là mảnh khuôn đúc trống đồng duy nhất đã phát hiện ở Việt Nam và là một tư liệu quan trọng cho việc nghiên cứu trống đồng.

PGS. TS Tống Trung Tín - Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam - đánh giá: "Phát hiện này của TS Nishimura Masanari có giá trị rất lớn với ngành khảo cổ học. Trống đồng Đông Sơn ở Việt Nam là một biểu tượng của thời kỳ dựng nước, biểu tượng cho tinh thần, văn hóa dân tộc của Việt Nam.

Trước đây đã có lúc, có người cho rằng trống đồng ở Việt Nam có thể từ nơi khác truyền bá xuống vì chưa tìm thấy công cụ sản xuất ra trống đồng, tức là tìm thấy khuôn đúc, hay lò đúc... Mảnh khuôn  TS Nishimura phát hiện được có giá trị rất lớn để khẳng định rằng trống đồng của người Việt xưa đã được sản xuất tại chỗ”.

Không những vậy, ông cùng đồng nghiệp Việt Nam đã phát hiện các khuôn đúc mũi tên tại Luy Lâu. Điều này, chứng tỏ mũi tên có niên đại thời kỳ An Dương Vương được sản xuất tại chỗ.

Bên cạnh đó, ông còn có nhiều đóng góp trong các dự án nghiên cứu ở Cổ Loa, Huế, Thành nhà Hồ... nhiều di chỉ, địa điểm khảo cổ học, sử học khác.

Không chỉ trực tiếp đóng góp công sức trong những đợt đi điền dã khảo cổ, ông còn giúp nhiều nhà khảo cổ học Việt Nam trẻ tuổi tìm kiếm học bổng và cơ hội học tập từ các quỹ văn hóa, các trường đại học Nhật Bản.

Người góp công lớn với "bảo tàng cấp xã" đầu tiên Việt Nam

Nhà trưng bày gốm sứ và lịch sử xã Kim Lan được thành lập (3/2012) theo sáng kiến của Nhóm nghiên cứu lịch sử Kim Lan và Quỹ Bảo vệ Di sản văn hoá dưới lòng đất Đông Nam Á và trở thành “bảo tàng cấp xã” đầu tiên ở Việt Nam trưng bày những hiện vật khảo cổ học.

Một góc trưng bày của nhà bảo tàng

Kim Lan là xã ngoại thành Hà Nội nằm ven sông Hồng, ở phía nam xã Bát Tràng, giáp với công trình thủy nông Bắc Hưng Hải. Những hiện vật từ lòng đất sau ba lần khai quật do Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tiến hành tại di chỉ bãi Hàm Rồng ở đây từ những năm 2001 – 2003 đã nói lên rằng ở Kim Lan có dấu tích cư trú từ rất sớm.

Ông Nguyễn Đức Trí, Phó chủ tịch UBND xã Kim Lan cho biết: Nhà trưng bày gốm sứ và lịch sử xã Kim Lan là “bảo tàng” trưng bày những hiện vật khảo cổ học đầu tiên ở Việt Nam do cấp xã lập nên. Với sự giúp đỡ về chuyên môn của nhiều cơ quan nghiên cứu, đặc biệt TS Khảo cổ học Nishimura Masanari và những người bạn Nhật Bản như ông Hattori Norio, ông Nakayama Nariaki...; sự đóng góp hảo tâm từ nhiều tổ chức, cá nhân và sự đồng thuận của chính quyền và nhân dân.

Nghề gốm phát triển ở đây từ thời Lý – Trần (thế kỷ XI – XIV) với nhiều sản phẩm đặc trưng và đặc sắc về hoa văn, họa tiết, về men, về tạo hình... Đến thế kỷ XVI – XVII, còn có dấu tích của lò nấu kim loại, nhiều xỉ đồng, tiền đồng.

Lúc còn sống, tiến sĩ khảo cổ học Nishimura Masanari cho biết: Đây là điểm nhấn mới và quan trọng trong chuỗi những hoạt động của dự án “Khảo cổ học cộng đồng tại Việt Nam” mà ông đã kiên trì tiến hành nhiều năm nay.

Dự án “Khảo cổ học cộng đồng tại Việt Nam” hướng tới nhiều mục tiêu: Nâng cao nhận thức và ý thức bảo vệ những di sản khảo cổ học cho cộng đồng. Tạo cơ hội để học sinh phổ thông tiếp xúc và học tập những kiến thức lịch sử văn hóa, văn minh từ khảo cổ học; đào tạo, nâng cao kỹ năng cho những nhà khảo cổ học trẻ. Tạo cơ hội để cộng đồng cùng tham gia với các nhà khoa học trong việc khai quật và bảo tồn các di chỉ khảo cổ học…

Nhiều hiện vật được trưng bày do nhân dân trong xã hiến tặng từ bộ sưu tập của mình, phần nhiều nhặt nhạnh được sau mỗi lần sông làm lở đất. Những di tích, hiện vật là khối tài sản văn hóa phong phú, quý báu sẽ được lưu giữ và triển lãm trong nhà trưng bày để đông đảo nhân dân biết tới.

"Chính quyền xã cũng rất tự hào về Nhà trưng bày độc đáo của Kim Lan và khẳng định nó sẽ góp phần không nhỏ để giáo dục và nhân lên niềm tự hào về truyền thống quê hương cho con cháu”, ông Trí chia sẻ.

Ngày 09/6, TS khảo cổ học Nishimura Masanari đã qua đời vì tai nạn giao thông ở Hà Nội. Đó là một tổn thất lớn đối với giới khảo cổ học, nghiên cứu bảo tồn lịch sử văn hóa Việt Nam nói chung cũng như người dân Kim Lan nói riêng.

Dưới đây là một số hình ảnh từ Bảo tàng Kim Lan (Gia Lâm - Hà Nội) - nơi mà TS Nishimura Masanari đã dành tâm huyết:

Những chiếc Bao nung  có niên đại từ thế kỷ XI – XII

Nắp có hoa hình cánh sen, men trắng; Ấm có hoa văn hình cánh sen; Tượng quan âm, đất nung; Mô hình tháp…có niên đại từ thế kỷ XI – XII.

Bộ đồ gốm: Hũ sành, Vại sành, Bình vôi được sưu tầm và trưng bày tại bảo tàng.

Lọ hoa lam, Ấm hoa lam, Bát hoa lam những đồ gốm tìm thấy có niên đại từ thế kỷ XV.

Bát hoa lam, hộp mực, tượng con ngựa… những hiện vật được khai quật có niên đại từ thế kỷ XX.

Nhân dân Kim Lan hàng ngày vẫn xem các hiện vật tại nhà trưng bày.

 

Nguyễn Hoan