Chuyện người Việt Nam chế tạo xe bọc thép cho Campuchia

07:00 | 24/02/2015

14,970 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ người chủ xưởng chế tạo nông cụ cho người dân, ông Trần Quốc Hải (sinh năm 1960, ngụ ấp 2, xã Suối Dây, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) đã được Quốc vương Norodom Sohamoni của Campuchia phong tặng Huân chương Đại tướng quân vì đã có thành tích sửa chữa, nâng cấp, cải tiến và chế tạo xe bọc thép.

Năng lượng Mới số Xuân 2015

Từ quan để làm dân

Năm 1990, ông Trần Quốc Hải là quyền Trưởng phòng Thể dục Thể thao huyện Bến Cầu (tỉnh Tây Ninh). Bản tính luôn muốn tìm tòi, nghiên cứu chế tạo các loại máy móc phục vụ cho người dân, ông Hải nhận định nghề quản lý về ngành thể dục thể thao không phù hợp nên xin nghỉ. Ông thanh thản “từ quan” để đưa vợ con về xã Suối Dây thực hiện ước mơ cháy bỏng. Một xưởng sản xuất nông cụ, cơ khí được ra đời. Những ngày đầu, công việc khá vất vả với nhiều thử thách. Ông Hải không nản chí và chùn bước. 

Ông Trần Quốc Hải

Tài năng của ông được Lữ đoàn 70 của Campuchia ghi nhận. Đại tướng Maosophon - Tư lệnh trưởng đánh giá cao biệt tài chế tạo quy trình trồng mì tăng năng suất cao của ông Hải. Lữ đoàn đã mua nhiều máy trồng mì về để cải thiện đời sống trong quân đội Campuchia. Ông được Lữ đoàn 70 mời sang để hướng dẫn sử dụng máy cho người dân. Quá trình ở trong Lữ đoàn, ông Hải ngạc nhiên khi thấy lính quân đội hì hục đẩy ra và đẩy vào những chiếc xe bọc thép. Thấy lạ, ông hỏi chuyện một vị trong Lữ đoàn 70 thì mới biết những chiếc bọc thép trên không còn sử dụng được. Phía Campuchia nói có nhờ Nga, Ukraine nghiên cứu cải tạo lại nhưng đều nhận được sự từ chối.

Ông Hải thấy xe bọc thép hỏng nằm trong khả năng có thể sửa chữa được. Cấu tạo hệ thống máy của xe bọc thép ở xứ lạnh không phù hợp với thời tiết tại Campuchia. Được sự chấp thuận của chỉ huy Lữ đoàn 70, ông Hải bắt tay vào sửa chữa liền 2 chiếc nhưng vẫn thấy không có hiệu quả và đề nghị thay bằng động cơ diezel để hiện đại hơn, tiết kiệm nhiên liệu, tin cậy hơn. Lời đề nghị của ông Hải được các tướng lĩnh Lữ đoàn thông qua và 11 chiếc lần lượt được sửa chữa. Từ những “đống sắt” không thể di chuyển bằng động cơ, ông Hải đã làm các xe bọc thép chạy ngon lành. Sau khi sửa được 11 chiếc, ông lấy được niềm tin của quân đội Campuchia. Từ khả năng ngoài mong đợi của ông chủ xưởng cơ khí, quân đội Campuchia tiếp tục ngỏ lời nhờ ông Hải nghiên cứu, chế tạo xe bọc thép phù hợp với địa hình hoạt động tại Đông Dương. Ông Hải “đánh liều” nhận lời.

Hội đồng Khoa học Quân đội Campuchia được thành lập và nghiên cứu một loại xe bọc thép mà theo Bộ Quốc phòng nước này nhận định có khả năng để tác chiến phù hợp với địa hình Đông Dương. Khi nhận nhiệm vụ, tôi cảm thấy vinh dự rất cao và nhiệm vụ rất nặng”. Xe bọc thép do Campuchia chế tạo phải đạt 3 yêu cầu đề ra: “Kiểu dáng riêng biệt của Campuchia và không giống bất kỳ một loại xe bọc thép nào trên thế giới; Phù hợp với chiến trường Đông Dương và phải mang dáng dấp hiện đại”.

Sau 1 tháng, chiếc xe bọc thép đầu tiên được ra lò mang đặc thù và dáng dấp riêng của Campuchia. Chiếc xe hoàn thành đúng vào dịp duyệt binh kỷ niệm 25 năm Ngày thành lập Lữ đoàn 70. Cũng xin nói thêm, Lữ đoàn 70 của Campuchia có nhiệm vụ chống đảo chính và chống biểu tình xảy ra trong lãnh thổ.

Kỳ tích ở xứ người

Từ những đóng góp cho ngành khoa học cơ khí của Campuchia trong việc cơ giới hóa cây mì, sửa chữa xe bọc thép và sáng chế xe bọc thép của ông Hải đã được Quốc vương Sihamoni ghi nhận. Bản thân ông Hải được công nhận là Nhà khoa học Quốc phòng của Campuchia và người con trai Trần Quốc Thanh là kỹ sư. Trong ngày kỷ niệm 25 năm Ngày thành lập Lữ đoàn Campuchia, đích thân Thủ tướng Hunsen đã trao tặng Huân chương Đại tướng quân cho hai cha con ông Trần Quốc Hải.

Trước 3 ngày khi Thủ tướng Hunsen đến dự lễ, súng của Lữ đoàn 70 được gỡ kim hỏa và hơn 300 lính vệ binh được đưa đến theo Thủ tướng để bảo vệ an ninh. Những khách mời được sắp đặt vị trí ngồi theo tên và các nhân viên đều phải ở trong phòng, không được phép ra bên ngoài. Ông Hải được vinh danh đi trên thảm đỏ của Campuchia. Trong 3 ngày đó, vệ binh của Thủ tướng bảo vệ an ninh nghiêm ngặt. Tin tưởng vào khả năng thành công của ông Hải, Lữ đoàn 70 đã tiếp tục mở rộng quy mô xưởng để mua máy móc và sản xuất thêm 100 chiếc nhằm thay thế cho những xe của Liên Xô cũ.

Xe bọc thép BB60 do Liên Xô chế tạo nổi tiếng trên thế giới nhưng ở chiến trường Đông Dương lại không phù hợp. Ông Hải đã chỉ ra 2 “yếu điểm” để cải tiến và tăng khả năng tác chiến trên địa hình của đất nước này. Thứ nhất, xe bọc thép BB60 chế tạo là xe kín, tức xe thủ và người lái ngồi trong xe khi di chuyển trên đường, xạ thủ cũng như người lái, bộ binh theo xe ngồi bên trong để di chuyển. Nếu trường hợp xe bọc thép bị cán mìn thì người lái, bộ bình thùng thiết thường tử vong do bị văng lên nóc thùng xe. Ngoài ra, súng tầm tác xạ 150m nên khi đánh bị du kích và đào hầm, xe chạy đến ở tầm 120m thì tầm hỏa lực trở nên vô tác dụng. Xe BB60 còn một nhược điểm là không có hỏa lực bên hông nên gây thiệt hại rất nặng mỗi khi bị “đột kích”. Ông Hải nói: “Có một thực tế, ở Việt Nam không sử dụng xe này trong chiến đấu”.

Xe bọc thép đầu tiên của người Việt Nam chế tạo cho quân đội Campuchia

Xe bọc thép được Campuchia nghiên cứu phải đáp ứng điều kiện “tác chiến trên mọi địa hình”. Nếu ở chiến trường có địa hình xấu, nhiều cây cối mọc xen kẽ, xe bọc thép chỉ được phép chạy vòng xoay gọn khoảng 6,5m. Đối với xe bọc thép BB60 của Liên Xô, vòng xoay tối thiểu có vòng xoay lên đến 9m. “Vòng xoay càng nhỏ, hiệu quả về vấn đề di chuyển trong địa hình xấu, tức trong rừng càng khả quan”, ông Hải nói quả quyết. Tất cả những yêu cầu trên đều do Hội đồng tướng lĩnh Campuchia đề ra và ông Hải xác định được những điều kiện trên có thể đáp ứng được nên bắt tay vào thực hiện.

Tư duy của kỹ sư cơ khí

Ông Hải chưa bao giờ thỏa mãn trước những gì đạt được và hằng đêm vẫn thường xuyên nghiên cứu những gì bản thân ông đang hướng đến trong công việc. Ông thường xuyên nghiên cứu các máy móc nông nghiệp và các thành tựu công nghệ trên thế giới. Ông chỉ mong muốn tăng năng suất để giải phóng sức lao động và làm ra nhiều lương thực cho con người. Ông thấy xót xa khi những người dân xung quanh phải bỏ sức lao động ra rất nhiều để nuôi trồng lương thực, thực phẩm. Từ ý nghĩ đó, ông Hải hướng đến những công cụ làm ra sản phẩm nông nghiệp phục vụ cuộc sống con người. Ông ấp ủ và nghĩ đến những loại máy nông cụ lớn sẽ dùng cho cánh đồng rộng. Những loại máy nhỏ, ông nghiên cứu để dùng trong hộ gia đình và thay thế sức kéo của súc vật.

Ông Hải nhớ lại, thời kỳ Việt Nam mới mở cửa hội nhập, những công trình khoa học trong nước mang tính trí tuệ chưa cao. Ông đã nghĩ đến những máy bay nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ông nghiên cứu từ năm 1996 và đến năm 2003 mới bắt đầu thực hiện ý tưởng chế tạo máy bay. Khi vừa bắt tay vào để thực hiện, chính quyền địa phương khi đó đã nhanh chóng “dập tắt” ước mơ mang tính đột phá ở trong nước.

Các sở, ban, ngành của tỉnh Tây Ninh đã ban hành văn bản viện dẫn nhiều lý do để không cho phép ông chế tạo máy bay. Không từ bỏ ước mơ, ông Hải âm thầm chế tạo và sản phẩm của ông được mang đi trưng bày ở một số nước: Mỹ, Đức, Nhật, Hàn Quốc, Australia và Singapore. Hai chiếc máy bay do ông Hải chế tạo được Mỹ và Hàn Quốc đã mua lại với giá ưu đãi. Ông đang thiết kế để tiếp tục chế tạo máy bay với tiêu chí làm phương tiện vận chuyển thay thế ôtô và có tính năng rớt không chết. “Tôi muốn thành quả thực hiện được sẽ ở lại Việt Nam, mang danh Việt Nam nhưng có lẽ sẽ không bao giờ trở thành hiện thực”, ông Hải nói với chất giọng chậm rãi.

Hay tin người chủ xưởng cơ khí đang thực hiện ý tưởng trên, Australia và Campuchia đã có lời đề nghị và hứa sẽ hỗ trợ tối đa để ông Hải phát huy chế tạo trực thăng trên đất nước họ. Ông Hải khẳng định: “Campuchia luôn sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để tôi thực hiện niềm đam mê này và tôi sẽ xem xét đề nghị này trong thời gian gần đây nhất”. Ông Hải tâm sự, thật lòng chỉ muốn tất cả những sáng chế của ông phục vụ cho đất nước. Ở Việt Nam chưa có luật để cho nhiều cho nhiều nhà nghiên cứu sáng chế được thử nghiệm các sản phẩm do bản thân họ chế tạo. Ông đúc kết vấn đề: “Thường trí thức dỏm thể hiện một sự uyên bác thì được trang bị bề ngoài phương tiện của người không có bằng cấp phát minh và chế tạo”.

Bản thân ông đã thành công tất cả các quy trình chế tạo máy nông nghiệp như: Máy trồng mì, làm cỏ, bón phân, tưới nước, thu hoạch… Tất cả các quy trình này để được sử dụng máy móc trong sản xuất. Ông Hải mang quy trình của mình thử nghiệm thành công trên một cánh đồng 64ha chuyên trồng mì và cho ra sản lượng 80 tấn/ha. Ông gắn bó với cây mì bởi đây là cây lương thực, mỗi năm đem về cho Việt Nam hàng tỉ USD và dùng để xóa đói giảm nghèo hiệu quả cho nông dân. Ông Hải nhận định bằng sự hiểu biết của bản thân: “Việt Nam là cường quốc về cây khoai mì nhưng sản xuất thủ công. Cây mì cho năng suất cao, dễ trồng và không loại cây lương thực nào có thể cho ra năng xuất 1ha trên 150 tấn. Trung bình ở Việt Nam thường đạt 40 tấn/ha và nếu cơ giới hóa có thể đạt được 80 tấn/ha.

“Nông dân sáng tạo trên mọi lĩnh vực không cần nhà nước phải cung cấp chi phí để hỗ trợ mà chỉ cần “ban phát” cho một cơ chế thông thoáng. Muốn phát triển thì đừng nên đi ngược đường”, ông Trần Quốc Hải tự dặn lòng.  

Hưng Long

 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps