Chuyện ghi ở Hoàng Sa

11:01 | 21/06/2014

1,093 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những ngày theo tàu Kiểm ngư ra tác nghiệp tại vùng biển Hoàng Sa, chúng tôi đã chứng kiến những hành động quả cảm của những thuyền viên nơi đầu sóng, ngọn gió để bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Tuy thời gian “3 cùng” với những người giữ biển chưa nhiều, song chúng tôi đã kịp ghi lại những câu chuyện bình dị, lạc quan, yêu đời của những người giữ biển. Nhân ngày 21-6, trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc…

Đệm, ga, gối chống… vòi rồng

Sáng 12/5, tàu HP-926 cùng các tàu Kiểm ngư trong tốp được lệnh tiếp cận dàn khoan. Khi tàu của ta cách dàn khoan chừng 3,8 hải lý thì các tàu Dịch vụ, tàu Hải cảnh, tàu Hải giám Trung Quốc phun nước làm hỏng hệ thống thông tin liên lạc; phá hủy một phao bè cứu sinh tự thổi, hệ thống ăng-ten Vinasat bị gãy đổ. Nguy hiểm hơn, tàu Trung Quốc tập trung dùng súng bắn nước bắn mạnh vào những tấm kính trên ca bin tàu ta. Sau mỗi đợt như vậy, những tấm kính cường lực rung bần bật..Trước tình hình như vậy, các thuyền viên nhanh chóng huy động toàn bộ đệm, ga, gối tại các phòng ngủ lên áp sát và buộc chặt vào các tấm kính. Phát minh độc đáo này ngay lập tức phát huy hiệu quả. Vòi rồng, súng bắn nước của tàu Trung Quốc bắn vào chẳng ảnh hưởng gì.

Không riêng gì tàu HP-926, tất cả các tàu Kiểm ngư, tàu Cảnh sát biển tham gia đấu tranh trên vùng biển Hoàng Sa khi bị vòi rồng, súng phun nước của tàu Trung Quốc tấn công đều dùng nệm, ga, gối chống lại. Cách làm như vậy không những hạn chế được sự cố vỡ kính, mà còn hạn chế đáng kể những mảnh vỡ có thể gây thương vong trong trường hợp kính tàu bị vỡ…

Tàu CSB-4032 kiên cường bám biển đấu tranh

Ghi lại “phát minh” độc đáo của cán bộ, thuyền viên trên vùng biển Hoàng Sa giới thiệu cùng bạn đọc để có thể vận dụng. Mong rằng, cũng từ “phát minh” này, ngành đóng tàu của ta cần có phương án khả thi chống chọi hiệu quả vòi rồng của tàu Trung Quốc…

Máy ảnh, máy tính “no”… nước biển

Trong những ngày theo tàu ra “tác nghiệp” tại Hoàng Sa, sau mỗi đợt đấu tranh trên biển, không riêng gì các tàu của Cảnh sát biển, Kiểm ngư bị thiệt hại nặng nề do sự đâm va, vây ép của tàu Trung Quốc, mà anh em  phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí tác nghiệp trên tàu cũng bị thiệt hại khá lớn.

Vì muốn có được những tấm hình, thước phim “độc” và ấn tượng, tôi cùng Đắc Mạnh (PV báo Đà Nẵng) và Nguyên Khôi (PV báo SGGP) đánh liều ra hẳn bên ngoài ca bin tàu HP-926 để “tác nghiệp”. Chính vì sự chủ quan của chúng tôi nên đã bị vòi rồng và súng phun nước của hai tàu Hải cảnh 2401 và 32101 phun thẳng vào người gây hỏng hóc máy ảnh, máy quay phim.

Cũng vì sơ suất quên đóng cửa táp lô khoang tàu nên máy tính của tôi và Đình Thiệu (VOV), Vũ Lê (VTV6) cùng nhiều phóng viên khác bị “no” nước biển… Hôm đó, vòi rồng tàu Trung Quốc cứ nhằm vào ô cửa táp lô mà phun nước. Hậu quả, toàn bộ phòng anh em phóng viên cất dấu phương tiện nước biển ngập lênh láng. Sự cố ấy là bài học nhớ đời cho chúng tôi..

Xuồng chở phóng viên lên tàu Cảnh sát biển tác nghiệp tại Hoàng Sa

Bánh gạo - món khoái khẩu

Do mùa này trên vùng biển Hoàng Sa thường xuyên có sóng gió cấp 5, cấp 6. Mặt khác, tàu Cảnh sát biển và Kiểm ngư hoạt động liên tục, dài ngày trên biển. Đã thế lại thường xuyên cơ động luồn lách, vòng tránh những cú đâm va của tàu Trung Quốc, nên phần lớn thủy thủ cũng như anh phóng viên mệt nhoài.

Nhiều đồng chí say sóng, người lúc nào cũng trong trạng thái lâng lâng, chẳng dám xuống câu lạc bộ ăn cơm. Đến bữa cứ lôi bánh gạo ra nhâm nhi vài cái cho đỡ đói. Ban đầu chỉ những người say sóng ăn bánh gạo. Ai ngờ những thuyền viên, phóng viên khỏe như vâm cũng ăn. Thế rồi, bánh gạo trở thành món khoái khẩu của các thành viên trên tàu lúc nào không hay.

Công bằng mà nói thì bánh gạo không những thuộc loại “ngon, bổ, rẻ”, mà còn dễ bảo quản, tiện sử dụng. Tiếng lành đồn xa, từ những chuyến “vượt biển” đầu tiên, đến nay tất cả những phóng viên và thủy thủ trước khi lên tàu ra Hoàng Sa đều chất đầy ba lô, túi xách những gói bánh bạo…

Tiếng hát át... tiếng sóng

Ở Hoàng Sa không chỉ lúc nào cũng căng thẳng, mà cũng có những phút giây yên bình. Ban đêm, sau khi các tàu của ta phân công kíp trực chu đáo, canh gác cẩn trọng, mọi người lại tập trung xuống phòng câu lạc bộ hát karaoke, hoặc kéo nhau lên mặt boong quây quần bên cây đàn ghi ta. Ban ngày vất vả, căng thẳng là thế, song những lúc như thế này thật vui vẻ, thoải mái. Không phân biệt thuyền viên, phóng viên, ai cũng chọn cho mình một vài “bài tủ” để thể hiện chất giọng, khả năng ca hát.

Nhiều “ca sĩ bất đắc dĩ” thể hiện bài hát “ruột” của mình mà phách nhịp rơi rụng lung tung… Vậy mà tất cả đều vỗ tay tán thưởng. Bộ phận trên boong tàu cũng chẳng hề thua kém, anh em cùng đồng thanh hát những ca khúc về biển, về quê hương. Cứ sôi động như thế, tiếng hát át… tiếng sóng.

Tiếng hát cất lên từ vùng biển xa xua tan những căng thẳng, mệt mỏi trong ngày. Tiếng hát như  sợi dây vô hình thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó giữa các lực lượng trên biển hãy vững tin, kiên cường đấu tranh để Trung Quốc sớm chấm dứt việc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của ta…

Vĩnh Lộc