Vì sao xác nạn nhân vụ Cát Tường xuất hiện sau 9 tháng?

19:00 | 06/08/2014

45,882 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc tìm được xác nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền qua giám định ADN có ý nghĩa quan trọng liên quan đến đánh giá tính chất sự việc và xác định tội danh của đối tượng Nguyễn Mạnh Tường trong thời gian tới.

>> Xác nạn nhân vụ Cát Tường có bị đổ bê tông?

>> Hung thủ vụ Cát Tường đã lừa dối cơ quan điều tra?

 

Nguyễn Mạnh Tường.

 

Trong cuộc họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức và chiều 5/8, Thượng tá Võ Hồng Phương, Phó trưởng phòng PC45 CATP Hà Nội cho biết: Thông qua giám định ADN, Cơ quan điều tra đã xác định tử thi phát hiện tại bến đò Văn Đức, Gia Lâm, Hà Nội ngày 18/7 vừa qua là của chị Lê Thị Thanh Huyền, nạn nhân vụ án phi tang xác xảy ra tại Thẩm mỹ viện Cát Tường gây chấn động dư luận thời gian vừa qua.

Vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận bởi nhiều lý do. Thứ nhất, vụ án liên quan đến vấn đề y đức, lần đầu tiên trong "lịch sử" ngành y tế Việt Nam xảy ra việc bác sĩ mang xác bệnh nhân tử vong sau phẫu thuật đi phi tang bằng cách ném xác nạn nhân xuống sông Hồng. Hành vi phi nhân tính này của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường đã khiến dư luận hết sức bàng hoàng, phẫn nộ.

Thứ hai, vụ việc ném nạn nhân sau khi đã tử vong xuống sông và không tìm được xác như vụ án "Cát Tường" có lẽ là một vụ hy hữu  nhất từ trước đến nay bởi trong các vụ án giết người bằng thủ đoạn ném xác xuống sông đã xảy ra thì đều tìm thấy xác nạn nhân một thời gian ngắn sau đó. Thứ ba, việc chưa tìm được xác nạn nhân đã gây ra nhiều tranh cãi trong quá trình xét xử và quy kết tội danh đối với bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường.

Với những lý do trên, thông tin tìm được thi thể nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền thông qua công tác giám định ADN được xác nhận vào ngày 4/8 một lần nữa khiến dư luận xôn xao.

Thi thể chị Huyền được tìm thấy như thế nào?

Tại hiện trường người dân mô tả việc vớt thi thể nạn nhân.
 
Anh Nguyễn Văn Hùng (ngoài cùng, bên phải) thuật lại việc vớt thi thể nạn nhân.

 

Khoảng 9 giờ sáng ngày 18/7/2014, anh Nguyễn Văn Hùng trong lúc đang mò bắt tôm dọc sông Hồng tại khu vực bến đò Văn Đức, Gia Lâm (Hà Nội) phát hiện có vật lạ nổi lập lờ ven bờ. Khi lại gần, anh Hùng kinh hoàng nhận ra bên trong là một xác chết đang trong quá trình phân hủy, không có đầu. Bỏ dở việc mò tôm, anh Hùng chạy về khu vạn đò, kể lại cho mọi người nghe. Sự việc đã được trình báo Cơ quan Công an.

Do một số người dân vạn chài ở khu vực này đã nhiều lần tham gia tìm vớt xác nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền nên thông tin nghi vấn đây là xác chị Huyền được lan truyền. Người nhà chị Huyền nhận tin báo đã có mặt để cùng cơ quan chức năng nhận diện nạn nhân.

Theo mô tả của anh Nguyễn Văn Hùng thì thi thể không đầu phát hiện là của nữ giới vì dựa vào trang phục trên người cho thấy nạn nhân mặc áo trắng ngả màu có hoa, quần màu đen. Địa điểm này nằm cách cầu Thanh Trì, nơi Nguyễn Mạnh Tường khai nhận đã ném xác nạn nhân khoảng 4km, cách bến đò Văn Đức khoảng 1km.

Theo kinh nghiệm của những người làm nghề vớt xác trên sông thì bến đò Văn Đức là địa điểm mà các xác chết trôi trên sông hay dạt vào. Ông Nguyễn Văn Hồ, một người đã tham gia vớt hàng trăm xác chết tại khu vực này cho biết, sông Hồng đoạn từ cầu Thanh Trì đến bến đò Văn Đức (Gia Lâm) dài 5 km chứng kiến nhiều cái chết đau thương về sông nước. Khu vực bến đò Văn Đức nước khá tĩnh, không có vụng quẩn nên xác những người nhảy cầu Chương Dương, cầu Thanh Trì thường trôi về đây.

 

Anh Nguyễn Văn Hùng chỉ nơi phát hiện thi thể nạn nhân.

Ngày phát hiện xác nạn nhân nữ không đầu, kém 1 ngày là tròn 9 tháng kể từ ngày chị Lê Thị Thanh Huyền mất tích (ngày 19/10/2013) và theo lời khai của Nguyễn Mạnh Tường sau này, chiều tối hôm đó anh ta đã cùng bảo vệ Đào Quang Khánh đem xác nạn nhân được bọc trong túi nilon ném từ cầu Thanh Trì xuống sông Hồng.

Trở lại với phần tử thi được phát hiện ngày 18/7 tại khu vực bến đò Văn Đức. Ngay khi nhận được tin báo, Cơ quan điều tra Công an Hà Nội đã khẩn trương phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân TP và các cơ quan chức năng tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi. Người nhà nạn nhân gồm mẹ đẻ, chồng và em trai chị Huyền được phép có mặt tại hiện trường để phối hợp nhận dạng.

Tử thi được phát hiện đang trong tình trạng thối rữa, đã bị mất phần đầu, cổ, các phần tạng đã bị thối rữa và phân hủy hết, tứ chi đã rụng chỉ còn trơ xương. Kiểm tra các khớp không có vết chặt, cắt. Trên xương không có thương tích. Dựa vào những đặc điểm xương cho thấy nạn nhân là nữ giới, chiều cao từ 1m55 đến 1m60, thời gian chết khoảng 8-10 tháng. Điểm bất thường ở tử thi ở chỗ trên quần của nạn nhân có nhiều vữa bám rất dày và chặt.

Người nhà chị Lê Thị Thanh Huyền qua nhận diện đều không khẳng định được đó là chị Huyền. Riêng bà Nguyễn Thị Hiền, mẹ đẻ nạn nhân cho biết, linh tính mách bảo bà rằng đây là thi thể chị Huyền. Tuy nhiên bà không dám khẳng định chính xác vì khi mất tích, chị Huyền có mặc áo chấm bi. Trong khi chiếc áo này đã bị loang màu giống như áo hoa.

Xuất hiện tình tiết lạ

Mặc dù người nhà nạn nhân không nhận diện được song từ dấu hiệu bất thường ở vết vữa bám trên quần, cơ quan điều tra nhận định thi thể được phát hiện có liên quan đến vụ án. Cộng với thời gian tử vong của nạn nhân trùng khớp với khoảng thời gian chị Huyền mất tích và độ tuổi của xương cũng khớp với độ tuổi nạn nhân, không loại trừ thi thể này là nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền.

Với nhận định này, việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi được tiến hành tỉ mỉ trong suốt buổi chiều ngày 18/7 và kết thúc vào tối muộn. Những người không liên quan không được phép đến gần khu vực khám nghiệm.

Với quan điểm thận trọng, cho dù đây có phải là nạn nhân Huyền hay không thì cũng cần làm rõ tung tích nạn nhân nên Cơ quan điều tra đã tiến hành lấy mẫu xương để gửi tới Viện Khoa học hình sự Bộ Công an trưng cầu giám định ADN. Phần xương giám định tốt nhất, có giá trị nhất trong công tác giám định ADN là phần xương đùi.

Về phía người nhà chị Huyền, việc lấy mẫu ADN được tiến hành đối với mẹ đẻ, bố đẻ chị Huyền và con ruột chị Huyền. Thông thường, việc giám định ADN  chỉ cần lấy mẫu của mẹ đẻ nhưng trong vụ việc này, cơ quan giám định đã lấy thêm mẫu của bố đẻ và con ruột, để kết quả giám định có độ chuẩn xác cao nhất.

Việc tìm được xác nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền qua giám định ADN có ý nghĩa quan trọng liên quan đến  đánh giá tính chất sự việc và xác định tội danh của đối tượng Nguyễn Mạnh Tường trong thời gian tới.

Tuy nhiên, có 2 vấn đề mà Cơ quan điều tra phải tiếp tục làm rõ:

- Vì sao trên quần của nạn nhân có nhiều mảng vữa bám như vậy?

- Vì sao thi thể chị Huyền lại xuất hiện sau 9 tháng trôi sông và chưa bị tan vào nước?

 

 

Theo An ninh thế giới

(Tiêu đề do PetroTimes đặt lại)

>> Xác nạn nhân vụ Cát Tường có bị đổ bê tông?

>> Hung thủ vụ Cát Tường đã lừa dối cơ quan điều tra?

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc