Xung quanh phiên xét xử vụ án Dương Chí Dũng và đồng bọn:

Sao tòa sợ báo chí đến thế...?

15:57 | 12/12/2013

5,512 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mặc dù phóng viên các cơ quan báo chí đã liên hệ đăng ký tác nghiệp phiên xét xử vụ án Dương Chí Dũng cùng đồng bọn phạm tội “Tham ô tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và đã được cấp thẻ làm việc. Thế nhưng khi đến tác nghiệp, các phóng viên mới "tá hỏa" về quy định của tòa rằng: “Chỉ được mang giấy trắng và bút vào và ngồi theo dõi qua tivi”.

Sáng ngày 12/12, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án “Tham ô tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam. Đúng 8h15, phiên xét xử chính thức bắt đầu. Thế nhưng, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã có những động thái khiến các phóng viên của các cơ quan báo chí Hà Nội và Trung ương “té ngửa”. Và cũng lâu lắm rồi Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mới có những biện pháp thắt chặt an ninh phiên tòa đến như vậy.

Khi các phóng viên mang thẻ tác nghiệp phiên xét xử để vào dự tòa thì nhân viên tòa án thông báo: “Toàn bộ phóng viên báo chí đến đưa tin phiên tòa phải xuất trình Thẻ Nhà báo và Thẻ tác nghiệp phiên xét xử do Tòa cấp để lực lương  an ninh đối chiếu danh sách với tên đã đăng ký từ trước”.

Các phóng viên tác nghiệp tại phiên xét xử phải trình thẻ do Tòa án nhân dân Hà Nội cấp và Thẻ Nhà báo để đối chiếu.

Mặc dù, các phóng viên đã xuất trình thẻ dự phiên xét xử do Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội cấp nhưng để được vào tòa, phóng viên vẫn phải trình Thẻ Nhà báo để lực lượng an ninh kiểm tra. Tất cả các phóng viên đều phải đi qua một chiếc cửa an ninh để soi chiếu và sau đó là qua một khâu dò tìm kim loại, vũ khí... Không dừng lại ở đó, trước khi vào Tòa, các phóng viên phải để toàn bộ phương tiện tác nghiệp như: máy ảnh, máy tính, máy ghi âm, điện thoại và các vật dụng bên ngoài. Phóng viên chỉ được mang theo giấy trắng, bút để ghi chép.

Khi vào, các phóng viên phải đi qua cửa soi chiếu và dụng cụ tìm kiếm kim loại, vũ khí.

Khi các phóng viên vào tác nghiệp, lực lượng an ninh lại “dồn” tất cả vào một phòng riêng biệt và theo dõi qua màn hình tivi. Trong thời gian ngồi theo dõi phiên xét xử, có hàng chục người tự xưng là cán bộ của Tòa đi kiểm tra thẻ của từng người một và đối chiếu với danh sách đã đăng ký từ trước đó. Các phóng viên phải ngồi xen kẽ với cán bộ tòa án. Mọi động thái của phóng viên đều bị kiểm soát chặt chẽ.

Động thái của Tòa án nhân dân Hà Nội khiến các phóng viên bức xúc.

Ngay như các cơ quan báo hình, như: Truyền hình Việt Nam, Kênh phát thanh có hình Đài tiếng nói Việt Nam cũng bị ngăn cấm mang máy quay và các công cụ tác nghiệp. Trước hành động này, một đồng chí phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam đã gọi điện cho đồng chí Nguyễn Thế Kỷ - Phó Ban Tuyên giáo Trung ương để cầu cứu nhưng cũng vô ích. 

Thiết nghĩ, là một phiên tòa xét xử công khai sao tòa án lại có những động thái “chặn đường làm việc” của báo chí đến như vậy. Chiếc máy tính là công cụ tác nghiệp cơ bản nhất cũng bị cấm không cho mang vào. Máy ghi âm để ghi lại những tình tiết quan trọng mà các bị cáo khai nhận, lời lẽ bảo vệ thân chủ của luật sư cũng bị để bên ngoài. Nếu như đã cấm mang các công cụ tác nghiệp của báo chí, sao Tòa Hà Nội phải bắt các phóng viên phải đăng ký để cấp thẻ trước hàng tuần và sao không thông báo ngay từ đầu, để khi đến tác nghiệp đỡ "tá hỏa" với những quy định “quái gở” này.

Mọi dụng cụ tác nghiệp đều phải gửi bên ngoài và chỉ được mang giấy trắng cùng bút vào.

Phải chăng, một phiên tòa xét xử công khai mà ngăn cản bảo chí một cách thái quá đến như vậy thì từ giờ trở đi Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội nên ra một cái quy định mới là “Tất cả các phiên xét xử đều xử bí mật”. Hay, Hội đồng xét xử có gì uẩn khúc, nên sợ các bị cáo khai những tình tiết quá quan trọng, liên quan đến lãnh đạo cấp cao hơn. Và việc ngăn cản này là một động thái chuẩn bị trước để báo chí không có bằng chứng sau những lời khai của các bị cáo?!

T.Minh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc