Loay hoay chọn ngành mũi nhọn!

14:00 | 17/05/2013

2,154 lượt xem
|
Khái niệm ngành công nghiệp mũi nhọn đã được đưa ra từ rất lâu, nhưng theo các chuyên gia đến nay nước ta vẫn đang lúng túng trong việc chọn ngành mũi nhọn và thực tế chưa có ngành nào được chọn lựa rõ ràng.

Một câu hỏi đặt ra là chúng ta đang tập trung vào phát triển ngành nghề nào, lĩnh vực nào, cái mà ta thường gọi là “mũi nhọn”? Chắc chắn sẽ có rất nhiều câu trả lời cho câu hỏi này nhưng không thống nhất với nhau bởi trong nhiều năm qua hàng loạt các ngành nghề “đã từng” được nhắc đến là ngành mũi nhọn như: cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin, hóa dược, chế biến nông sản thực phẩm, may mặc, giày da, năng lượng…

Thực tế, nhiều ngành chúng ta cho là “mũi nhọn” vẫn loay hoay tìm hướng đi như: Công nghiệp cơ khí còn kém phát triển. Ngành công nghiệp ô tô èo uột, cho đến nay vẫn phải dựa dẫm quá nhiều vào chính sách thuế của Nhà nước, sự bảo hộ để phát triển. Sau nhiều năm, tỷ lệ nội địa hóa của ngành ô tô vẫn quá thấp, những chỉ tiêu về sản xuất động cơ các loại, hộp số… là những tiêu chí quan trọng của ngành công nghiệp ô tô đều là con số không.

Ngành công nghiệp ô tô nước ta sau nhiều năm vẫn phát triển èo uột

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Gia Hảo cho rằng: Phải chăng, chúng ta đang tham lam quá sức trong việc chọn ra ngành mũi nhọn vì ngành nào cũng cho rằng ngành mình là quan trọng, cần ưu tiên phát triển. Tuy nhiên, đã bàn về công nghiệp mũi nhọn thì nên tránh tình trạng nể nang sợ “bên trọng, bên khinh”, sợ ngành mình, địa phương mình bị “rẻ rúng”, rồi từ đó sinh ra cơ chế ban phát, xin cho và đơn giản nhất là “mưa khắp lượt”...  cuối cùng dẫn đến tình trạng không có ngành nghề nào được sự ưu tiên phát triển đúng mức.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan khi nói về việc có quá nhiều ngành mũi nhọn trong nền kinh tế nước ta đã từng ví như “các gai trên quả mít”. Phải chăng, khi có quá nhiều mũi nhọn, nhiều vec-tơ, lại không hoàn toàn “cùng phương” và “cùng chiều” thì hóa thành “góc tù”! Quá nhiều ngựa cùng cột vào một cỗ xe, chạy theo nhiều hướng khác nhau, cỗ xe đó khó mà di chuyển được!

Các chuyên gia cho rằng, ngành mũi nhọn có thể lâu dài, có thể trung và ngắn hạn, có thể trong phạm vi của cả nền kinh tế, cả nước và có thể chỉ trong phạm vi ngành trong từng thời kỳ, có thể chỉ để tập trung giải quyết những yếu kém hiện nay hay để phát huy những mặt mạnh hiện có. Căn cứ vào đó mà thấy cần phải hướng khoa học đi sâu nghiên cứu đề tài nào cho phù hợp; các doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp Nhà nước chủ đạo, cần phát triển những công nghệ nào cho phù hợp để phát triển các ngành nghề ưu tiên.

Ông Lê Mạnh Hà – Phó Chủ tịch UBND TP HCM nhận định rằng, mặc dù công nghiệp của chúng ta rất lớn nhưng dường như chúng ta chưa có sản phẩm cuối cùng. Có lẽ, đến nay không chỉ riêng TP HCM mà cả nước cũng chưa sẵn sàng lắm trong việc xác định đầu tư cái gì, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nào? Ví dụ: chúng ta nói rằng tập trung vào lĩnh vực cơ khí, nhưng trong lĩnh vực này chúng ta nên tập trung vào ngành gì bởi cơ khí là lĩnh vực cực kỳ rộng với nhiều ngành nghề. Do đó, trong định hướng phát triển cũng như thu hút đầu tư, chúng ta nên định hướng rõ hơn các trọng điểm để tập trung phát triển.

Muốn phát triển mạnh công nghiệp, theo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới và chúng ta cũng đang áp dụng là chọn ra và ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp quan trọng, có tác dụng thúc đẩy, kéo các ngành khác phát triển theo. Nhưng đến nay, sau hàng chục năm chúng ta vẫn “tranh cãi” về việc chọn ngành nào là công nghiệp mũi nhọn dẫn đến việc chậm trễ, dàn trải các chính sách ưu tiên phát triển và dẫn đến thực tế là chưa có ngành nghề nào phát triển vượt trội, xứng đáng là ngành công nghiệp mũi nhọn.

Mai Phương