Điều gì làm nên thành công của điện ảnh Iran?

08:51 | 04/03/2012

1,489 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chiến thắng vang dội của Iran lần đầu tiên tại lễ trao giải Oscar vừa qua đã một lần nữa khẳng định sức sống mãnh liệt của nền điện ảnh Iran. Vậy lý do gì cho một quốc gia với điều kiện khó khăn về kinh tế, chính trị, kiểm duyệt… lại có thể sản xuất những bộ phim mà khiến cả thế giới phải khâm phục.

Nền điện ảnh thành công nhất khu vực

Bộ phim A Separation (Một vụ ly thân) của điện ảnh Iran đã giành giải Phim tiếng nước ngoài xuất sắc nhất tại lễ trao giải Oscar 2012. Đây là lần đầu tiên điện ảnh Iran được vinh danh tại lễ trao giải Oscar vượt qua cả những nền điện ảnh lớn như Canada hay Bỉ. Thậm chí cả Trung Quốc, một quốc gia luôn tự hào là cường quốc điện ảnh với những bộ phim bạc tỉ, nhưng chưa lần nào chạm ngõ giải thưởng điện ảnh danh giá nhất thế giới này.

Bộ phim A Separation giành giải Phim tiếng nước ngoài xuất sắc nhất tại Oscar 2012

Từ khi ra mắt vào năm 2011, bộ phim Nader and Simin: A Separation (tạm dịch: Nader và Simin – Sự chia cách) của đạo diễn Asghar Farhadi đã liên tục càn quét các giải thưởng điện ảnh uy tín nhất thế giới. Tại Quả cầu vàng lần thứ 69, bộ phim đã giành chiến thắng ở hạng mục phim tiếng nước ngoài xuất sắc nhất vượt qua cả đối thủ Trung Quốc – Kim Lăng thập tam thoa của đạo diễn nổi tiếng Trương Nghệ Mưu. Trước đó, tại LHP Berlin lần thứ 61 (tháng 2 năm 2011), bộ phim A Separation cũng đã đoạt giải Gấu Vàng ở những hạng mục quan trọng nhất: phim xuất sắc, Nam/Nữ diễn viên xuất sắc. Đạo diễn Farhadi của phim cũng từng đoạt giải Gấu Bạc cho Đạo diễn xuất sắc vào năm 2009 với bộ phim About Elly.

Còn rất nhiều những bộ phim khác của điện ảnh Iran đã từng đoạt những giải thưởng uy tín nhất ở các liên hoan phim lớn nhất như Berlin, Cannes, Oscar,… Nhiều đạo diễn Iran được điện ảnh thế giới tôn vinh như những bậc thầy.

Đạo diễn Abbas Kiarostami, tác giả bộ phim Hương vị anh đào (Taste of Cherry) được thế giới điện ảnh quốc tế xem như bậc thầy. Những phim của ông đều chiếm giải cao trong các liên hoan phim quốc tế. Bộ phim Hương vị anh đào đã đoạt giải Cành cọ vàng tại Liên hoan điện ảnh quốc tế Cannes năm 1997. Tạp chí Time của Mỹ cũng bình chọn phim này như là tác phẩm điện ảnh tiếng nước ngoài xuất sắc nhất trong năm.

Hương vị anh đào giành giải Cành cọ vàng tại Cannes năm 1997

Jafar Panahi – một đạo diễn nổi tiếng của Iran cũng tạo được bước đột phá ngoạn mục với bộ phim Le Cercle, giải Sư tử vàng năm 2000 tại liên hoan phim Venise. Hai năm sau đó ông đoạt giải thưởng của ban giám khảo Cannes, trong chương trình Một nhãn quan độc đáo (Un certain regard) nhờ bộ phim Máu và vàng (Sang et l’or). Đến năm 2006, ông đoạt giải Gấu bạc nhờ tài đạo diễn trong bộ phim Offside (Việt vị).

Nữ đạo diễn hiếm hoi của Iran -Saira Makhmalbaf mà tên cô đã in đậm trong từ điển điện ảnh thế giới. Với bộ phim đầu tiên Quả táo làm năm 18 tuổi, cô đã đoạt ngay giải Camera Vàng ở Cannes năm 1998. Sau đó, ở Cannes 2003, cô gái 23 tuổi một lần nữa lại bước lên thảm đỏ nhận giải ba nhờ phim Lúc năm giờ chiều.

Thiếu kinh phí, kiểm duyệt ngặt nghèo

Điều mà người ta nhắc đến đầu tiên khi nói về điện ảnh Iran đó là: phương diện tài chính không dồi đào và chế độ kiểm duyệt ngặt nghèo dưới luật lệ hà khắc của Hồi giáo.

Iran còn là một nước nghèo, có khoảng hơn 9 triệu người dân nước này hoàn toàn sống dưới ngưỡng nghèo đói, thu nhập của người dân chỉ dưới 70 USD một tháng. Ngoài ra, còn có khoảng 3 triệu người Iran thất nghiệp. Do đó, nền điện ảnh của quốc gia này luôn gặp phải những rắc rối khó khăn trong việc kiếm nguồn kinh phí tài trợ, chi phí sản xuất phim.

Bên cạnh đó, điện ảnh Iran còn vướng phải lưỡi kéo kiểm duyệt khắt khe của các ủy ban tôn giáo. Luật kiểm duyệt phim ở Iran cực kì ngặt nghèo: không được phép có sex, bạo lực, ma túy, cảnh lạm dụng trẻ em, phụ nữ… Ở đây các nhà làm phim có thể bị cấm làm phim trong một thời gian dài, bị giam giữ thậm chí bị trục xuất khỏi đất nước… tuỳ thuộc vào mức độ vi phạm của bộ phim về những điều mà tôn giáo cấm kỵ.

Các chính quyền bảo thủ vẫn luôn không nhượng bộ cho những tác phẩm điện ảnh với nội dung phong phú. Các nhà làm phim Iran dấn thân lại càng khổ sở hơn khi tác phẩm của họ luôn bị chụp mũ và bị gán cho cái danh hiệu chống chính quyền.

Đạo diễn Jafar Panahi đã bị chính quyền Teheran kết án 6 năm tù giam cộng thêm 20 năm không được quyền quay phim hay sáng tác. Trong thập kỷ qua điều đáng tiếc nhất là sự từ bỏ quốc tịch Iran của nhà làm phim Mohsen Makhmalbaf, đạo diễn bộ phim Kandahar. Ông là một trong những nhà làm phim xuất sắc nhất Iran, đã chuyển tới Paris sau khi Ahmadinejad nắm quyền trở thành Tổng thống thứ 6 của Iran. Tiếp đó là Bahman Ghobadi, một nhân vật đi đầu trong làn sóng mới của Iran đã buộc phải sống lưu vong trong năm vừa qua sau khi bộ phim thứ 5 của ông là Nobody Knows About Persian Cats ra mắt tại Cannes.

Nhà làm phim tài liệu Iran- Maziar Bahari cho biết: “Những người làm phim tài liệu là mối liên hệ trực tiếp với xã hội và cho biết điều gì đang diễn ra, có lúc tích cực, có lúc tiêu cực. Nhưng tại Iran, nơi mà chế độ cầm quyền cho rằng nó có quyền xâm phạm tới mọi lĩnh vực trong đời sống công dân thì mọi thứ đều bị “chính trị hóa”. Và công việc của những nhà làm phim có thể bị diễn giải như một mối đe dọa tới cái gọi là an ninh quốc gia”.

Nhà làm phim tài liệu kiêm nhà hoạt động vì quyền phụ nữ nổi bật của Iran Mahnaz Mohammadi đã từng bị bắt giam vào năm 200, 2009 và 2011.

Giá trị chân thực làm nên thành công

Vậy tại sao điện ảnh Iran, mặc dù bị kiểm duyệt ngặt nghèo bởi chính quyền Hồi giáo, dù phương tiện tài chính không dồi dào, vẫn sản xuất nhiều bộ phim làm thế giới khâm phục? Câu trả lời chính là nhờ những nhà đạo diễn tài ba với óc sáng tạo tuyệt vời và trên hết đó đều là những bộ phim mang tính nhân văn sâu sắc.

Sự thiếu thốn tiền bạc, sự kiểm duyệt khắt khe của chính quyền Hồi giáo vẫn không làm nao núng các nhà làm phim tại đất nước này, họ không chấp nhận im lặng và cam chịu mà càng cố gắng phát huy hết mọi nội lực để tạo ra những tác phẩm điện ảnh chất lượng. Và thực tế, những bộ phim của họ đã thành công và được cả thế giới công nhận.

Những người trí thức ở Iran gọi nhà tù là trường học. Bởi vì hầu hết những trí thức lớn tại Iran đã từng đi tù. Tại đây, Bộ Văn hóa đôi khi vẫn cho phép chiếu những bộ phim mà tác giả bộ phim đó đang ngồi tù. Những bộ phim bị cấm chiếu trong nước vẫn được tham dự các liên hoan phim quốc tế. Và thực tế là những phim này đã đạt được rất nhiều giải thưởng… Dù cho người nghệ sĩ phải đi tù nhưng tác phẩm của họ vẫn được công chúng đón nhận và đánh giá cao. Tài năng của họ vẫn được trân trọng, văn hóa vẫn được công nhận, đó chính là lý do những nhà làm phim Iran có động lực lớn lao để tiếp tục sáng tạo.

Chấp nhận thực tế làm phim với kinh phí eo hẹp, họ đã tạo ra những tác phẩm điện ảnh với ý tưởng dựng phim và cách kể chuyện mới lạ. Những tác phẩm điện ảnh này khác hẳn điện ảnh Âu Mỹ - không đồ sộ, hoành tráng, nhưng giàu tính nghệ thuật. Với một cốt truyện đơn giản, vài nhân vật tiêu biểu, cảnh dàn dựng không tốn kém nhiều, kỹ thuật quay phim mới lạ, phong cảnh rất đẹp, diễn xuất tinh tế, đối thoại sâu sắc đã đủ làm nên một bộ phim Iran. Một bầy quạ bay, một hòn đá lăn xuống dốc, một tiếng chó sủa,… từng chi tiết nhỏ trong phim đều làm tăng giá trị nghệ thuật của một cuốn phim dùng nghệ thuật để kể chuyện triết lý.

Bộ phim Offside của đạo diễn Jafar Panahi có cốt chuyện đơn giản với ba phần tư bộ phim được quay bằng camera cầm tay nhưng là một tác phẩm thành công về đấu tranh cho nữ quyền.

Những bộ phim của Iran đều mang một câu chuyện đơn giản, nhưng ẩn chứa trong đó nhiều giá trị sâu sắc, vạch trần được thực tế xã hội Hồi giáo, bất công với người phụ nữ thông qua các chi tiết nhỏ nhặt nhất. Từng bộ phim là những câu chuyện triết lý mà khán giả cần chăm chú theo dõi, không để mất một chi tiết nào mới thấm cái hay của phim.

Đây không phải là phim hấp dẫn theo thị hiếu thông thường, không có tài tử đẹp, ca nhạc rộn ràng, tình cảm tươi mát. Ngược lại, động tác trong phim chậm, chủ ý dành cho suy tư về những vấn đề liên quan đến sống, chết, niềm lạc quan, hạnh phúc, ý nghĩa cuộc đời. Rõ ràng điện ảnh Iran không lấy số lượng làm thước đo cho sự thành công, mặc dù chỉ sản xuất rất ít phim trong một năm nhưng các bộ phim đó đều được thế giới ghi nhận và đánh giá cao.

Kết luận

Điện ảnh Iran đã đạt được rất nhiều thành công, họ chấp nhận sống chung với thực tế là họ thiếu thốn nhiều về kinh phí và công nghệ, luật kiểm duyệt hà khắc nhưng họ tận dụng hết nội lực hiện có của mình và đã làm nên thành công kỳ diệu bởi những bộ phim kinh phí thấp, giản dị nhưng chứa đầy tính nhân văn sâu sắc. Sau chiến thắng vang dội tại Oscar, chắc chắn các nhà làm phim Iran sẽ còn thành công hơn nữa, đem đến cho điện ảnh thế giới những tác phẩm nghệ thuật thực sự.

Thanh Loan

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.