Con người chứ không chỉ con số!

07:00 | 25/07/2013

945 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhiều năm làm du lịch quốc tế, ông Trần Minh Phương, Giám đốc Đại lý lữ hành du lịch tại Liên bang Nga nhận định: “Chúng ta dường như chỉ chú tâm vào các con số, ví như: lượt khách quốc tế tới Việt Nam, hay chỉ chú tâm vào mảng khách sạn, tour và dịch vụ mà chưa có sự quan tâm cần thiết tới yếu tố con người”.

Minh Long (NLM số 241)

Du lịch được mệnh danh là “ngành công nghiệp không khói” phát triển mạnh, mang về một nguồn thu lớn. Nhiều dịch vụ “ăn theo” du lịch ra đời, trong đó phải kể đến đội ngũ hướng dẫn viên (HDV). Có ba loại HDV: chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp và không chuyên.

Hướng dẫn viên du lịch (mặc áo dài) đang giới thiệu nhà tù Côn Đảo cho khách tham quan

HDV chuyên nghiệp của các công ty du lịch được đào tạo cơ bản, có trình độ chuyên môn, kiến thức, đáp ứng được yêu cầu của du khách. HDV không chuyên thường là người bản địa, có hiểu biết đôi chút về lịch sử, truyền thống của danh lam thắng cảnh trên quê hương mình, cộng với khả năng giao tiếp và vốn ngoại ngữ “bồi”, đã nhanh nhạy tham gia vào việc đưa đón và hướng dẫn khách. Còn những HDV bán chuyên nghiệp là cán bộ, nhân viên của một số cơ quan có quan hệ chặt chẽ với những công ty du lịch, có vốn ngoại ngữ và văn hóa khá, ký kết hợp đồng thường xuyên với những “tour” du lịch ổn định, đi làm kinh tế cho cơ quan. Họ đưa đón khách vào những ngày cuối tuần. Số tiền thu được, họ phải nộp một phần cho cơ quan theo tỷ lệ thỏa thuận. Trước nhu cầu ngày càng cao của hoạt động du lịch, cả ba loại hình hướng dẫn viên trên đây đều song song tồn tại và cạnh tranh.

Hoạt động hướng dẫn du lịch là một hoạt động phức tạp, bao gồm các mặt như cung cấp các thông tin cho quảng cáo, tiếp thị du lịch, đón tiếp khách và phục vụ khách; giới thiệu các đối tượng tham quan du lịch trong chuyến du lịch (cả trên lộ trình và ở điểm du lịch); phục vụ khách về các dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận chuyển, mua sắm, giải trí, y tế... Những vấn đề phát sinh trước, trong và sau chuyến du lịch của khách cũng có sự tham gia của hoạt động này. Luật Du lịch quy định: “Hướng dẫn du lịch là hoạt động hướng dẫn cho khách du lịch theo chương trình du lịch”. Thế nhưng, kiến thức nghiệp vụ sơ sài, trình độ ngoại ngữ kém, phong cách phục vụ thiếu chuyên nghiệp là ba trong số những yếu kém nổi bật của HDV du lịch Việt Nam được du khách quốc tế và nội địa đánh giá từ lâu.

Trong một lần làm việc với ngành du lịch, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan tỏ ra băn khoăn về chất lượng phục vụ của đội ngũ hướng dẫn viên. Ông kể lại chuyến đưa một đoàn khách nước ngoài đi tham quan ở Vịnh Hạ Long. Khi các quan khách đang ngồi trên du thuyền chiêm ngưỡng vẻ đẹp của kỳ quan thế giới thì cô HDV cho đoàn cứ vô tư xõa tóc ra hong gió ngay trước mặt mọi người, khiến cho một số vị trong đoàn cảm thấy khó chịu. Cô hong tóc bởi sắp đến giờ xuất phát cô mới gội đầu nên tóc còn đang ướt. Rồi đến khi lên các đảo, du khách muốn tìm hiểu sâu hơn một chút về những di tích, lịch sử thì cô này tỏ ra lúng túng, không trả lời hết những điều mà du khách quan tâm.

Trong chuyến đưa sinh viên của Khoa Du lịch, ĐH Quốc gia Hà Nội đi thực tập, ThS Trịnh Lê Anh gặp một HDV xinh đẹp, nói tiếng Anh lưu loát, duyên dáng “khẳng định” chắc nịch: Con nghê chính là con… trâu. “Nghe xong, tôi cảm thấy hoang mang vô cùng. Điều tôi lo lắng nhất là câu chuyện ấy nếu được mang về các nước bạn và được kể lại, thì một linh vật như con nghê bỗng trở thành thường vật, người bạn của nhà nông”.

Hơn 15 năm làm HDV du lịch, anh Nguyễn Viết Linh, Hãng du lịch Asian tour, người được đào tạo bài bản về ngoại ngữ và kiến thức văn hóa, lịch sử, địa lý thổ lộ: “HDV không phải là siêu nhân nên việc biết hay không về điều này, điều kia là chuyện không có gì đáng xấu hổ. Tuy nhiên, tâm lý không muốn khách chê cười hay phật ý nên HDV thường hay lấp liếm, nói cho qua, thậm chí chỉ “xui” khách đi chụp ảnh, mua quà lưu niệm để khỏi phải hướng dẫn”.

Chị Nguyễn Quỳnh Anh, HDV du lịch tự do nói rất thành thật: “Em đi lao động bên Hàn Quốc về nên biết sử dụng tiếng Hàn. Khi thấy một công ty du lịch tuyển HDV biết tiếng Hàn thì em nộp hồ sơ vào làm. Vì không có thẻ HDV nên em làm việc kiểu thời vụ. Có khách thì hướng dẫn, nhận thù lao xong thì đường ai nấy đi”.

Nhiều năm làm du lịch quốc tế, ông Trần Minh Phương, Giám đốc Đại lý lữ hành du lịch tại Liên bang Nga nhận định: “Chúng ta dường như chỉ chú tâm vào các con số, ví như: lượt khách quốc tế tới Việt Nam, hay chỉ chú tâm vào mảng khách sạn, tour và dịch vụ mà chưa có sự quan tâm cần thiết tới yếu tố con người”.

Từ thực tế ấy, vấn đề đặt ra là ngành du lịch phải quan tâm đào tạo đội ngũ HDV chuyên nghiệp có năng lực nghiệp vụ, có kiến thức về văn hóa, xã hội, lịch sử, địa lý và phong cách ứng xử lịch sự, văn minh. Bởi số HDV như vậy của ngành du lịch nước ta hiện nay còn quá ít. Chương trình, kế hoạch, nội dung đào tạo HDV du lịch đang cấp thiết đặt ra, phải rất bài bản, trở thành một nhiệm vụ mang tầm chiến lược. Không thể kéo dài tình trạng “trăm hoa đua nở”- quá nhiều HDV mà chất lượng không cao, khiến du khách ra về không hẹn ngày trở lại.

M.L

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc