"Ám ảnh" giang hồ trong làng báo

07:00 | 12/06/2015

48,322 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Gọi là nỗi “ám ảnh”, hay gọi là “nỗi nhục” cũng không ngoa. Chưa bao giờ mà làng báo lại “run rẩy” vì giang hồ như thế. Đơn giản là đã có kẻ giang hồ chui được vào làng báo và có cả những cơ quan báo chí sử dụng chúng làm phóng viên. Cứ có chuyện xảy ra là những người làm báo chân chính lại yếu thế, “xẹp lép như con tép”. Một thực trạng buồn không ai muốn nói ra khi ngày 21-6 đang tới gần.

Trước đây, dân giang hồ Sài Gòn vẫn đồn câu chuyện Năm Cam mỗi buổi sáng vẫn xách giày ra công viên chạy bộ, chỉ đơn giản là để lân la, làm quen được với mấy nhà báo cũng hay tập thể dục ở đây. Rồi buổi ăn nhậu nào mà Năm Cam mời được 1, 2 anh nhà báo ra uống vài chén rượu thì ông trùm lấy làm hãnh diện và lên mặt với đàn em lắm…

Còn bây giờ thì chỉ vài tay dân chơi “oi khói” ở Hà Nội cũng đã có thể “vặt lông” hẳn một ông nhà báo không thương tiếc. Nguy hiểm hơn, trong hàng ngũ làm báo lại có những người có máu anh chị và có quan hệ mật thiết với dân giang hồ. Những người này đã vô tình “hạ giá” tư cách của những người cầm bút.

“Doanh nghiệp đó là của tao, mày tránh ra cho xa”.

Đang hăm hở điều tra về sai phạm của một doanh nghiệp, phóng viên của một tờ báo như chưng hửng khi đồng nghiệp gọi điện đến can thiệp. Lời qua tiếng lại, ngay chiều hôm đó, tay đồng nghiệp anh chị này dẫn hẳn một toán đầu gấu xăm trổ đầy mình đến tòa soạn để xử lý anh phóng viên kia.

Tổng biên tập tờ báo này cũng hèn, không có động thái bảo vệ “lính” của mình, cũng không gọi công an xử lý. Thế là anh phóng viên kia được một trận no đòn.

Chưa hết, sau đó, phóng viên này còn bị tay đồng nghiệp anh chị kia gọi đầu gấu tẩn thêm cho một trận thừa sống thiếu chết nữa.

Vụ việc hiện đã được trình báo lên cơ quan công an và cảnh sát hình sự đang được giao trực tiếp thụ lý vụ việc.

 

Chưa bao giờ làng báo lại "run rẩy" trước giang hồ như thời điểm này, (Ảnh minh họa).

 

Trao đổi với Báo Năng lượng Mới - PetroTimes, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - Giám đốc Công an Hà Nội cho biết sẽ chỉ đạo xử lý nghiêm vụ việc vì đây không phải là lần đầu tiên tay phóng viên anh chị này gọi côn đồ “xử” đồng nghiệp.

Thượng tá Võ Hồng Phương - Trưởng Công an quận Đống Đa cũng cho biết đã triệu tập tay phóng viên côn đồ này và đây không phải lần đầu tiên cơ quan công an làm việc với gã.

Điều đáng thất vọng là phóng viên bị đánh cũng đã không dũng cảm, không chịu nổi áp lực, đã rút đơn tố cáo và tự “đầu hàng” trong việc bảo vệ chính mình. Tuy nhiên, cơ quan công an cũng có thể căn cứ vào hành vi và mức độ vụ việc để chủ động xử lý.

Buồn hơn là ông “sếp” của tay phóng viên có lối hành xử giang hồ kia, biết nhân viên của mình côn đồ, làm bậy nhưng cũng không xử lý gì, tệ hơn còn đứng ra dàn xếp, xin xỏ các báo không đăng bài. Rồi còn ngỏ ý để 2 bên dàn hòa mà không đưa vụ việc ra pháp luật.

Như vậy là lòi ra: Không chỉ có chuyện côn đồ đội lốt phóng viên mà còn có cả chuyện tổng biên tập để cho kẻ có máu giang hồ hoạt động trong cơ quan báo chí. Rồi lại có cả ông tổng biên tập cũng “gan thỏ đế”, nhắm mắt không dám bảo vệ quyền lợi của anh em làm báo chân chính.

Kể như vậy để biết: Nói giang hồ ám ảnh làng báo cũng không ngoa.

Nhà báo, vốn được kỳ vọng là đại diện cho cái tốt, cái đúng, đại điện cho sự thật và đứng về những người yếu thế cần bảo vệ. Nhưng trong làng báo hiện nay, đến cái thân mình, nhà báo còn không tự bảo vệ được thì còn nói gì đến chuyện bảo vệ ai?

Nguyên nhân của việc này là do làng báo tự làm yếu mình bằng việc dung nạp những người mà nghề ngỗng đâu chưa thấy, nhưng đã sớm có lối hành xử kiểu chợ búa, côn đồ.

Thế mới có chuyện nhà báo bảo kê doanh nghiệp sai phạm, bảo kê công trình xây dựng sai phép, bảo kê buôn lậu…

Thực trạng phóng viên dọa dẫm, “bóp nặn” doanh nghiệp đã được nói đến rất nhiều. Trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thẳng tay xử lý rất kiên quyết đối với những tờ báo, phóng viên có việc làm sai, có trường hợp phải chuyển sang cơ quan pháp luật xử lý. Tuy nhiên, thực trạng này xem ra vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Và hệ lụy là nó lan sang cả cách hành xử của những người làm báo với nhau.

Trên hết trong vấn đề này, trách nhiệm thuộc về các ông Tổng biên tập. Người đứng đầu cơ quan báo chí đã dễ dãi trong khâu tuyển dụng, lơ là trong quản lý phóng viên để các đối tượng có lối hành xử côn đồ có đất sống.

Điều này dẫn đến việc làng báo tự làm yếu, tự vấy bẩn nghề nghiệp vốn cao quý của mình.

Như Thổ

Năng lượng Mới số 430