Kỷ niệm 40 năm Chủ tịch Fidel Castro thăm Quảng Trị:

Ký ức về Fidel Castro

19:39 | 17/09/2013

1,964 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Rất nhiều nhân chứng lịch sử của ngày ấy được may mắn diện kiến Chủ tịch Fidel Castro huyền thoại, vẫn nhớ như in hình ảnh Fidel vóc dáng to lớn, đầu đội mũ lưỡi trai, chân đi giày cao cổ, khoác trên mình bộ quân phục màu xanh trông rất oai phong, lẫm liệt nhưng lại gần gũi đến bất ngờ, khiến ai cũng nể phục.

Nghi binh để bảo vệ Chủ tịch

Ngày 12/9/1973, Chủ tịch Fidel Castro đến Việt Nam. Các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp cùng hàng vạn nhân dân Hà Nội đã sang sân bay Gia Lâm đón đoàn. Với tình cảm anh em thân thiết như trong gia đình, các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng đã ngồi chung một chiếc xe mui trần chạy từ sân bay về đến nhà khách Chính phủ trên phố Ngô Quyền. Đó là hình ảnh xúc động hiếm có trong nghi thức ngoại giao.

Khi Cục Cảnh vệ (Bộ Công an) trình kế hoạch, Bộ trưởng Bộ Công an lúc đó là đồng chí Trần Quốc Hoàn đã chỉ đạo: “Cần phải đặc biệt chú ý biện pháp khoa học kỹ thuật, dò chất nổ trên tuyến đường đi và những địa điểm Chủ tịch dừng chân, vì mới ký kết Hiệp định Paris, bom đạn của địch còn nhiều”.

Chủ tịch Fidel gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chuyến thăm Việt Nam lần thứ ba (2/2003)

Theo dự kiến, Chủ tịch Fidel Castro sẽ đi thăm Hải Phòng và Quảng Trị. Nhưng vì một lý do đặc biệt, đêm 16/9, Chủ tịch Fidel nhận được tin Tổng thống Allende của Chile, người bạn chiến đấu của ông ở châu Mỹ Latinh vừa bị bọn phản động giết hại, Chủ tịch phải rút ngắn thời gian chuyến thăm.

Để bảo vệ tuyệt đối bí mật và an toàn cho chuyến đi vào Quảng Trị, một mặt công an vẫn bố trí đón Chủ tịch ở Hải Phòng như kế hoạch; mặt khác, trên các phương tiện thông tin, ta vẫn đưa tin cuộc hội đàm giữa hai đoàn lãnh đạo cấp cao Việt Nam - Cuba diễn ra ở Hà Nội vào ngày 15/9/1973. Nhưng cùng thời điểm đó, một lực lượng của Trung đoàn 600 (Đoàn Tân Trào) đã vào Quảng Trị trước để làm nhiệm vụ bảo vệ địa điểm. Chính biện pháp nghi binh đó đã bịt mắt được tình báo nước ngoài về các hoạt động của Chủ tịch Fidel Castro ở Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Quang Chiêm - Phó cục trưởng Cục Cảnh vệ được giao nhiệm vụ bảo vệ tiếp cận Chủ tịch Fidel Castro.

Trung tá Đội trưởng Cảnh vệ Juan Picor nell Nez nói với các đồng nghiệp Việt Nam: “Rất cảm ơn các bạn. Các bạn giỏi và rất anh hùng”. Còn về công tác bảo vệ Chủ tịch Fidel, Trung tá Juan Picor nell Nez nói: “An ninh của các bạn triển khai rất tốt nên cặp chống đạn của chúng tôi mang theo là thừa”.

Chuyến bay vào tuyến lửa

Trong ngôi nhà nhỏ nằm trong Khu tập thể Hàng không trên đường Thụy Khuê - Hà Nội, Đại tá Hồ Văn A rất tự hào mỗi lần kể về những chuyến bay phục vụ các nguyên thủ quốc gia. Quê ở huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, ông là bộ đội tập kết ra Bắc và là nhân viên thông tin của Trung đoàn Không quân 919.

Chủ tịch Fidel Castro có mong muốn được vào tuyến lửa. Ông quả quyết với Đại sứ Cuba tại Việt Nam R.V.Vivo: “Trong mọi trường hợp, nếu khó khăn chúng ta vẫn phải đi, dù phải đi bộ…”. Đáp lại nguyện vọng của bạn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng yêu cầu Trung đoàn 919 thực hiện chuyến bay đưa đoàn vào tuyến lửa, với yêu cầu tuyệt đối bí mật, đảm bảo an toàn.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười và Chủ tịch Fidel (Hà Nội, 2003)

Đại tá Hồ Văn A khi đó là nhân viên thông tin trên không kể: Tháng 9 năm 1973, chúng tôi nhận được lệnh đưa chiếc máy bay AN24 mang số hiệu VN-1094 về nước. Tuy Hiệp định Paris đã được ký kết nhưng đa phần máy bay vận tải của chúng ta vẫn ở nơi sơ tán tại Tường Vân (Trung Quốc). Sau khi Đại đội thợ máy kiểm tra toàn bộ một cách kỹ lưỡng, bộ phận xăng dầu làm công tác hóa nghiệm nhiên liệu, chúng tôi tiến hành bay thử, rồi máy bay được kẹp chì, bàn giao cho bảo vệ, nhưng tất cả vẫn không được biết mình sẽ thực hiện chuyến bay đi đâu, phục vụ ai…

Tổ bay bao gồm Nguyễn Văn Oanh - Cơ trưởng, Đoàn Minh Hội - dẫn đường, Nguyễn Văn Hợi - cơ giới trên không và Hồ Văn A - thông tin, Phan Hồng Tâm lái phụ và hai tiếp viên là đồng chí Đạt và đồng chí Hà. Nhận nhiệm vụ từ Trung đoàn trưởng Nguyễn Phúc Trạch, anh em chúng tôi hào hứng hẳn lên, không ngờ mình lại được thực hiện chuyến bay phục vụ Fidel. Sự phấn chấn nhanh chóng qua đi, trước mắt chúng tôi là nhiệm vụ vô cùng nặng nề, bởi đất nước vừa mới yên khói lửa, kẻ thù luôn tìm cách phá hoại và hơn nữa với Fidel, một nhân vật đã hàng trăm lần bị kẻ địch âm mưu sát hại mà không thành thì nhiệm vụ bảo vệ ông càng phải đảm bảo ở mức cao nhất. Bên cạnh đó, máy bay phải hạ cánh xuống Đồng Hới, một sân bay dã chiến, gần như không có thiết bị dẫn đường nào, tất cả chỉ bằng mắt thường và kinh nghiệm. Tuy vậy, với giọng nói rắn rỏi, Cơ trưởng Nguyễn Oanh thay mặt toàn bộ tổ lái hứa quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, thực hiện chuyến bay tuyệt đối an toàn. Ngay sau đó, tất cả chúng tôi họp lại bàn phương án thực thi nhiệm vụ và được chỉ huy trung đoàn chấp thuận. Thời gian gấp, lại có tin một cơn bão sắp đổ bộ vào miền Trung nên anh em chúng tôi không có điều kiện để bay thử vào Đồng Hới như đã dự định.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và Chủ tịch Fidel (Hà Nội, 2003)

Sáng 15/9/1973, chúng tôi lái chiếc AN24 mang số hiệu VN-1094 đưa đoàn vào tuyến lửa. 9 giờ 40 phút, máy bay cất cánh. Theo đúng lịch trình, 11 giờ kém 15 phút chúng tôi có mặt tại Đồng Hới. Rất may, thời tiết hôm ấy thật đẹp, điều kiện khí tượng lý tưởng để chúng tôi thực hiện cú đáp nhẹ nhàng xuống sân bay dã chiến với đường băng ngắn và hẹp. Một sân bay mà ngài Đại sứ Cuba nói vui: “Không có tháp điều khiển mà chỉ có những đống gạch vụn”. Máy bay dừng hẳn, ôtô đón đoàn đi vào Quảng Trị, tổ lái được cán bộ tháp tùng chuyển lời cảm ơn đã đưa đoàn bạn vào tới nơi an toàn. Sau khi kiểm tra, niêm phong, ngụy trang máy bay, chúng tôi được đưa về nhà khách giao tế của tỉnh Quảng Bình. Ngày ấy, Đồng Hới không còn một ngôi nhà nào nguyên vẹn, ngoài khu giao tế mà chúng tôi được ở. Đã vào mùa thu, nhưng thời tiết nơi đây vẫn nóng kinh khủng, mà nước lại rất hiếm. Tuy vậy, anh em chúng tôi rất vui vì đã thực hiện chuyến bay an toàn. Tổ lái được thông báo sẽ ở lại chờ đoàn thực hiện xong chuyến thăm và hội đàm với Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam rồi sẽ bay ra.

Hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm, chúng tôi lại nhận được một bất ngờ khác: Đích thân Đại tướng Võ Nguyễn Giáp đã ra tận cầu thang máy bay đón đoàn và chúc mừng tổ lái hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đại tướng dẫn Fidel lần lượt bắt tay từng thành viên tổ bay, cảm ơn anh em đã vượt qua mọi khó khăn để thực hiện chuyến bay an toàn. Fidel chúc chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ, giành nhiều thắng lợi, chúc đất nước Việt Nam sớm được thống nhất.

Người phụ nữ mang ơn Fidel

Công tác bảo vệ các nguyên thủ trên thế giới sang thăm Việt Nam được Cục Cảnh vệ (Bộ Công an) chuẩn bị rất công phu, tỉ mỉ. Tuy nhiên, nhiều khi vẫn có những tình huống bất ngờ.

Người phụ nữ bị thương trong khi sửa đường cho Chủ tịch Fidel đi chính là chị Nguyễn Thị Hương, người quê ở xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị). Chuyện xưa vẫn còn trong ký ức của chị Hương: Được tin Chủ tịch Fidel sang thăm Việt Nam và đến tuyến lửa Quảng Trị, Đoàn Thanh niên xã Vĩnh Thành được giao nhiệm vụ san lấp hố bom, thông xe trên Quốc lộ 1A đoạn qua xã này. Đường qua Quảng Trị thời điểm ấy vẫn còn nhiều bom đạn chưa nổ nằm lẩn khuất trong lòng đất. Cô gái Nguyễn Thị Hương lúc đó mới 17 tuổi đã không ngại nguy hiểm, xung phong đi san lấp hố bom.

Chị Hương kể: Hôm ấy là ngày 16/9/1973, sau hơn nửa ngày miệt mài với công việc, đến khoảng 14 giờ, khi mọi người vừa cố san lấp cho xong hố bom cuối cùng thì cũng là lúc nhận được thông báo đoàn sắp đi qua. Trong lúc đào đất lấp hố bom, tổ công tác của chị Hương đã đụng phải một quả bom bi khiến nó phát nổ. Chị Hương cùng mấy người khác trong tổ ngã gục, bất tỉnh nhân sự.

Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh và Chủ tịch Fidel (Hà Nội, 2003)

Khi tỉnh lại, chị nghe mọi người kể, bom phát nổ vài phút thì cũng là lúc chiếc ôtô chở hai nhà lãnh tụ chạy đến. Gặp tình cảnh như vậy, Chủ tịch Fidel đã cho dừng xe, lệnh cho Đại sứ quán Cuba tại Việt Nam lấy xe chở chị Hương và những người bị thương đi cấp cứu.

“Sau khi được cứu chữa, các y, bác sĩ Bệnh viện Vĩnh Linh cho biết, chị bị đứt mấy đoạn ruột, chỉ cần chậm trễ là không thể cứu nổi do mất máu quá nhiều. Vì tính mạng của chị nên mặc dầu rất vội, một chiếc xe ôtô trong đoàn vẫn quay lại Đồng Hới lấy 10 đơn vị máu vào để cứu sống chị”.

Ngay sau đó, vì quá cảm động nên Fidel đã gọi điện về nước và yêu cầu sớm xúc tiến việc xây dựng một bệnh viện ngay tại khu vực này. Chỉ một thời gian ngắn, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba đã ra đời ngay tại Đồng Hới, Quảng Bình.

Không được gặp Chủ tịch Fidel Castro nhưng qua những gì mọi người kể lại, chị Hương luôn biết ơn người đã cứu mạng, khai sinh ra mình lần thứ hai trong cuộc đời này. Một ngày mùa đông giá lạnh cuối năm 1973, khi chị đang ở nhà thì bất ngờ  thấy lãnh đạo Bệnh viện A, đại diện chính quyền huyện Vĩnh Linh và xã Vĩnh Thành đến thăm. Điều chị không thể ngờ là ngoài thăm hỏi, động viên, họ còn mang đến cho chị một món quà vô cùng ý nghĩa: Chủ tịch Fidel Castro sau khi trở về nước đã gửi quà tặng sang để khích lệ tinh thần chiến đấu của chị Hương. Chị nhớ lại: “Khi tận mắt chứng kiến món quà, tôi mới thấy điều hạnh phúc ấy là có thật”.

Món quà được gửi từ nửa vòng trái đất ấy là thuốc đắt tiền, dùng để chữa bệnh và một tấm danh thiếp của Chủ tịch. Không cảm động và hạnh phúc sao được bởi ở thời điểm bấy giờ, giữa bộn bề công việc của đất nước, với vai trò là người đứng đầu quốc gia nhưng Chủ tịch Fidel Castro vẫn nhớ đến chị, quả thực là một nghĩa cử đáng khâm phục. Cử chỉ này lại một lần nữa khẳng định câu nói của ông: “Vì Việt Nam, nhân dân Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”. Vì tình đồng bào đồng chí nên số thuốc đó chị đã sử dụng một phần, còn lại gửi tặng Bệnh viện A để cứu chữa cho những người khác.

Hình ảnh của vị anh hùng Cuba

Sau chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, nhà cửa ở thị xã Đồng Hới, Quảng Bình đổ nát thành đống gạch vụn. Khu giao tế của tỉnh mới xây ở xã Đức Ninh, cách thị xã chừng 2 cây số. Ông Nguyễn Thanh Đàm lúc bấy giờ là Chủ nhiệm Khu giao tế. Tối 16/9/1973, Chủ tịch Fidel cùng đoàn tùy tùng nghỉ lại nhà giao tế. Ông là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên vào thăm Quảng Bình trong chiến tranh nên công tác chuẩn bị mặc dù gấp gáp nhưng được triển khai rất chu đáo. Nhiều bà con ở Đồng Hới mang gà vịt và hải sản ngon đến biếu nhà bếp làm cơm đãi vị khách quốc tế mà họ vô cùng mến phục.

Ông Đàm và đồng chí công an thay nhau gác cho đến sáng. Ông thấy Chủ tịch trăn trở nhiều lần không ngon giấc. Mờ sáng, Chủ tịch Fidel dậy tập thể dục và đi bộ quanh sân rất sớm. Trước khi tạm biệt, Chủ tịch ân cần bắt tay từng đồng chí phục vụ ở Khu giao tế. Ông rút trong túi ra một hộp xì gà còn nguyên và một tấm danh thiếp nhỏ, vỗ vai Chủ nhiệm Nguyễn Thanh Đàm, nói:

- Cảm ơn đồng chí! Cầm tấm thiếp này, sang Cuba đi đâu đồng chí cũng được chào đón.

Fidel giương cao lá cờ của Sư đoàn Vinh Quang tại Quảng Trị (1973)

Ngày 1/9/2009, một số nhà báo Cuba sang Việt Nam công tác, họ vào thăm Quảng Bình theo đoàn đại biểu Trung tâm Báo chí và Hợp tác truyền thông quốc tế. Gặp ông Đàm, nghe kể về tấm danh thiếp và hộp xì gà của Chủ tịch Fidel tặng, ai cũng háo hức xem và quay phim, chụp ảnh. Một nhà báo Cuba bắt tay nói với ông Đàm: “Tại Cuba, rất ít người có được tấm danh thiếp này. Xin chúc mừng đồng chí!”.

Chiều 17/9, Chủ tịch Fidel dự mít tinh tại cao điểm 241 Tân Lâm. Với dáng vóc to lớn, oai phong, Chủ tịch Fidel đội mũ lưỡi trai, mặc bộ quân phục màu xanh ôliu, đi giày cao cổ. Đứng trước hàng quân với giọng nói sảng khoái và thoải mái, Chủ tịch đã tỏ lòng khâm phục những chiến thắng vĩ đại của nhân dân Việt Nam anh hùng, của Quân giải phóng miền Nam anh hùng đã đánh bại đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng từng phần Tổ quốc Việt Nam yêu quý. Chiến thắng này có ý nghĩa cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc của các nước trên thế giới...

Sau đó, đồng chí Đồng Ngọc Vân - Chủ nhiệm chính trị Sư đoàn Vinh Quang, thay mặt cán bộ, chiến sĩ đơn vị tặng Chủ tịch Fidel lá cờ truyền thống của Sư đoàn. Chủ tịch đã phất cao lá cờ và nói: “Các đồng chí hãy mang lá cờ bách chiến bách thắng này cắm tại Sài Gòn”. Nói xong, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Chủ tịch ôm hôn nhau hồi lâu. Chủ tịch nói tiếp: “Hẹn gặp lại tại Sài Gòn sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng”. 19 tháng sau, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (tháng 4/1975), Sư đoàn Vinh Quang đã thực hiện trọn vẹn mong ước của Fidel, cắm lá cờ giải phóng lên nóc Dinh Độc Lập.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy nhớ lại: “Cuộc mít tinh với sự có mặt của hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ thuộc các đơn vị bộ đội chủ lực đang làm nhiệm vụ như các sư đoàn: 304, 325, 324, 320, 312, 308… cùng lực lượng bộ đội địa phương. Khi đó tôi là Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Sư đoàn 325 - một trong những đơn vị từng trực tiếp bảo vệ và giữ vững Thành cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm - đã vinh dự được đến báo cáo thành tích, bắt tay Chủ tịch Fidel và Thủ tướng Phạm Văn Đồng”. Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy còn cho biết, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông đã thay mặt Sư đoàn 325 về báo công với lãnh đạo và nhân dân Bình - Trị - Thiên. Ngày ấy, lãnh đạo địa phương đã bố trí cho ông được ngủ trên chiếc giường có chiều dài hơn 2m và chiều rộng gần 2m, đó chính là chiếc giường mà lãnh tụ Fidel đã nghỉ tại Nhà khách giao tế Quảng Bình trong chuyến thăm chiến trường Quảng Trị năm 1973…

Rất nhiều nhân chứng lịch sử của ngày ấy được may mắn diện kiến Chủ tịch Fidel Castro huyền thoại, vẫn nhớ như in hình ảnh Fidel vóc dáng to lớn, đầu đội mũ lưỡi trai, chân đi giày cao cổ, khoác trên mình bộ quân phục màu xanh trông rất oai phong, lẫm liệt nhưng lại gần gũi đến bất ngờ, khiến ai cũng nể phục.

Kết thúc chuyến thăm, Chủ tịch Fidel rất cảm động nói: “Kỳ này đoàn đại biểu Cuba rất phấn khởi sang thăm Việt Nam, được trực tiếp nhìn thấy Đảng và nhân dân Việt Nam kiên cường quá, anh hùng quá, ước gì ở châu Mỹ Latinh có một đảng cộng sản mạnh như Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Minh Long (tổng hợp)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc