Lẽ ra họ phải được gọi là người GHE!

07:30 | 06/09/2015

|
Bạn đọc: Trên báo Người lao động ngày 22-11-2014, ông An Chi đã có bài “Cớ sao gọi người Trung Quốc là Tàu?” Mới đây, trong nhóm “Từ nguyên”, tác giả Nguyễn Cung Thông đã phản bác ông An Chi với lời mào đầu: “Rất ngạc nhiên khi đọc bài báo này từ học giả An Chi/AC - phải nhận rằng, có nhiều điểm tôi không đồng ý với AC - đây là một điểm mà tôi không chấp thuận! Không có một văn bản nào liên hệ Tàu với quan cai trị cả - một kết quả của cách suy luận vỉa hè và óc tưởng tượng phong phú của AC”. Sau đó, ông Nguyễn Cung Thông đã đưa ra một số dẫn chứng liên quan đến từ “Tàu” để phủ nhận ý kiến của ông An Chi. Bài của ông Thông cũng được gửi đến một vài chỗ quen biết với ông An Chi như Nguyễn Đại Cồ Việt, Trần Trọng Dương, v.v... Ông Thông có ủy thác cho ông Nguyễn Đại Cồ Việt như sau: “Vài hàng rất vắn tắt - bác Nguyễn Đại Cồ Việt có thể trình bày một slide về chữ tàu và Ngô (chụp từ VBL) để cho Hội Thảo (23-8-2015) thêm phần hào hứng”. Ông An Chi có thể cho biết nhận xét về ý kiến của ông Thông? Xin cảm ơn. Bảy Quán Cóc (Bà Chiểu, TP HCM)  

An Chi: Ông Nguyễn Cung Thông cho biết có nhiều điểm ông không đồng ý với An Chi. Đó là quyền của ông. Nhưng không đồng ý với An Chi đâu có nghĩa là Cung Thông thì đúng mà An Chi thì sai. Đây là điều sơ đẳng về luận lý mà có lẽ ông Thông cũng không thể không biết đến. Ông Thông còn nói về ý kiến của An Chi rằng “đây là một điểm mà tôi (Thông) không chấp thuận”. Nhưng xin nhắc để ông Thông nhớ rằng ông không phải là cơ quan có thẩm quyền mà có thể chấp thuận hay không chấp thuận ý kiến của người khác. Còn dưới đây là nhận xét của An Chi về cái bài ngắn nhưng đầy tính “chính thống” của ông Thông.

Thứ nhất, ông Thông nói rằng “không có một văn bản nào liên hệ Tàu với quan cai trị cả”. Nhưng cũng chính vì thế nên An Chi mới phải cất công tìm hiểu để chứng minh chứ nếu cái gì cũng có sẵn trong văn bản thì người làm từ nguyên sẽ khoẻ re… vì chỉ cần copy rồi paste là xong. Huống chi, trong bài của mình, chúng tôi đã viết rõ ràng:

“Chúng tôi khẳng định rằng Tàu là âm cổ Hán Việt của từ ghi bằng chữ 曹 mà âm Hán Việt hiện đại là tào, có nghĩa rộng là “cơ quan triều đình”, hiểu rộng ra là “quan”.” Chúng tôi xin dùng cái biểu thức cực kỳ đơn giản dưới đây để tạo điều kiện cho ông Thông có thể nhìn tận mắt:

Tàu [] tào = cơ quan triều đình quan.

Với thị giác lành mạnh và nhận thức cũng lành mạnh tương xứng thì ai cũng phải thấy được cái biểu thức trên đây chứ; sao ông Thông lại không thấy? Mà nếu đã thấy và nếu đích thực là dân chính thống thì lẽ ra ông Thông phải dùng kiến thức của mình để bác bỏ cái biểu thức rạch ròi trên đây của An Chi chứ sao lại nói là “không có một văn bản nào liên hệ Tàu với quan cai trị cả”.

Thứ hai, ông Thông viết:

“Trong từ điển VBL (1651), tàu có các nét nghĩa như đóng tàu, tàu voi, tàu nhà, mực tàu (mực thợ mộc dùng để kẻ đường thẳng)”.

Xin thưa rằng với cái câu trên đây thì ông đã không phân biệt được thuật ngữ cơ bản của ngữ học và đã gộp các từ khác nhau vào cùng một rọ (thành một từ). “Đóng tàu”, “tàu nhà”, “tàu voi”, “mực tàu” không phải là những “nét nghĩa” của “tàu” mà là những từ tổ độc lập, có nghĩa riêng biệt và chỉ trong những cái nghĩa riêng biệt đó thì ta mới “đụng” đến khái niệm “nét nghĩa”. Đồng thời, trong bốn từ tổ đó, ta có đến bốn từ “tàu” khác nhau mà chúng tôi gọi là “tàu1”, “tàu2”, “tàu3” và “tàu4”. “Tàu” trong “đóng tàu” là “tàu1”, có nghĩa là thuyền; “tàu” trong “tàu nhà” là “tàu2”, có nghĩa là cái máng, phái sinh từ “tàu1” bằng ẩn dụ đã từ vựng hóa; “tàu” trong “tàu voi” là “tàu3”, vốn cũng có nghĩa là máng (như “tàu2”) nhưng lại dùng theo hoán dụ đã từ vựng hóa để chỉ chuồng ngựa, chuồng voi (trong đó có máng chứa thức ăn); còn “tàu” trong “mực tàu” là “tàu4” và đây chính cống là Tàu, tức Trung Hoa, mà oái oăm thay, ông Thông lại không biết hoặc có biết nhưng lại lập lờ đánh lận con đen để bác “cách suy luận vỉa hè” của An Chi.

Thứ ba, ông Thông đã lập luận như sau:

“Mực tàu chỉ mực người thợ mộc (VBL/1651 - trang 728), dùng để kẻ đường thẳng trên gỗ, không thấy nói đến Tàu (nước Tàu) […] Cho đến thời tự điển Béhaine/Taberd (1772/1838) mực tàu mới thấy ghi nhận nước Tàu (sinicum - tiếng La Tinh)”.

Xin nhắc một ý nhỏ rằng, liên quan đến mấy chữ “trang 728” thì ông đã ghi chú sai: Phần chính văn của VBL không hề đánh số trang, mà chỉ đánh số cột; 728 là số thứ tự của cột có mục “tàu, mực tàu” và ngay bên trái của nó trên cùng một trang là cột 727 mà dưới cùng là mục “tàu voi”. Chúng tôi cho rằng đã “chính thống” như ông Nguyễn Cung Thông thì ta cũng nên chính thống trên từng cây số chứ. Bây giờ đi vào ý chính thì xin nói cho ông Thông được rõ như sau.

Tại mục “tàu, mực tàu” ở cột 728, sở dĩ VBL “không nói đến Tàu (nước Tàu)” thì đơn giản chỉ là vì nó thiên về công dụng của thứ mực đó (dùng để kẻ đường thẳng trên gỗ). Còn Béhaine/Taberd thì thiên về xuất xứ nên mới dịch thành “atramentum sinicum”, nghĩa là “mực (của nước) Tàu”. Lại xin nhắc ông Thông một ý nhỏ khác nữa - Chúng tôi vẫn muốn ông chính thống trên từng cây số - rằng “nước Tàu” mà chú thích bằng tiếng La Tinh “sinicum” thì sai. “Sinicum” là giống trung cua tính từ giống đực “sinicus”, mà giống cái là “sinica”, đều có nghĩa là “liên quan đến nước Tàu”.

Năng lượng Mới 454