Gia đình văn hóa kiểu gì?

07:00 | 15/01/2014

4,038 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tỷ lệ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa hằng năm đều tăng nhưng đạo đức xã hội có biểu hiện xuống cấp, các giá trị văn hóa gia đình đang bị đảo lộn…

Năng lượng Mới số 289

Trong khi nhiều địa phương hết kinh phí in bằng chứng nhận gia đình văn hóa nhưng không chịu làm như Cà Mau. Tỉnh này đã rà soát kỹ tiêu chuẩn khiến tỷ lệ gia đình văn hóa từ cao chót vót 90% giảm xuống còn 51% nên không thiếu tiền in bằng chứng nhận.

Trong vô vàn chuyện dở khóc dở cười về gia đình văn hóa có chuyện bày đặt muốn hát hò phải đăng ký và xin phép với cán bộ văn hóa xã ở tỉnh  Phú Yên. Phép vua thua lệ làng, vì Thông tư 12 của Bộ VH-TT&DL quy định chi tiết về việc công nhận danh hiệu gia đình văn hóa; thôn, buôn, làng văn hóa nhưng mỗi huyện, thị lại đưa ra một bộ tiêu chí khác nhau “cho phù hợp” với tình hình địa phương. Cả làng không ai hiểu, chỉ có cán bộ văn hóa xã mới hiểu thế nào là “phù hợp”.

Nhờ “phù hợp” nên phong trào gia đình văn hóa theo báo cáo đâu đâu cũng phát triển sâu rộng thu hút 90% gia đình sinh sống ở nông thôn hoặc cư trú trên các địa bàn khu dân cư tham gia. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa được triển khai trong thời gian dài nhưng một số địa phương còn lúng túng trong việc cụ thể hóa các tiêu chí của danh hiệu, chưa coi trọng quy trình, thủ tục bình xét công nhận gia đình văn hóa. Đọc trên báo mạng rất ít tin tức về gia đình ấm êm hòa thuận, tràn trang là chuyện giết cướp, lọc lừa, vợ nọ con kia… phi luận bại lý. Tất nhiên không ai đổ lỗi tất cả cho gia đình trong thực trạng này nhưng gia đình không thể vô can!

Một điều đáng lo lắng hiện nay là phong trào ngày càng phát triển nhưng chất lượng gia đình văn hóa không vững chắc, thể hiện ở chỗ các tệ nạn xã hội như nghiện hút, cờ bạc đã và đang xâm nhập vào gia đình. Tỷ lệ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa hằng năm đều tăng nhưng đạo đức xã hội có biểu hiện xuống cấp, các giá trị văn hóa gia đình đang bị đảo lộn… Ngoài ra, nguồn kinh phí đầu tư cho phong trào còn hạn chế, nhiều nơi mới chỉ dừng ở việc bình xét, ra quyết định công nhận chứ chưa có mức khen thưởng cho các gia đình văn hóa nên không tạo được động lực thúc đẩy, cổ vũ phong trào. Xin lưu ý, kết quả nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu gia đình và giới (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho thấy, 29,5% số người được hỏi biết rõ về các tiêu chuẩn gia đình văn hóa; 55,2% “có nghe nói” nhưng không biết rõ về các tiêu chuẩn; 15,2% không biết đến hệ tiêu chuẩn trong bản đăng ký hằng năm.

Làm gì có “phong trào” nào thành công tốt đẹp, kết quả như mơ khi 70% đối tượng vận động lại chỉ “nghe nói”,“không biết” về tiêu chuẩn này nọ!

Đã đến lúc phải đổi thay tận gốc cách nghĩ và cách làm phong trào có cốt cách nội dung nhân bản rất sâu đậm này. Đừng chạy theo các con số đẹp, di căn của bệnh thành tích để trả lại tên gia đình văn hóa cho văn hóa gia đình đích thực. Trong khi chưa làm được xin cứ làm như cách làm của Cà Mau để khỏi hết kinh phí in bằng gia đình văn hóa.

Thọ Vinh