Chuyện tên của loài khỉ

07:00 | 10/02/2016

|
Ngoài danh từ "khỉ", phương ngữ Nam Bộ còn có hai danh từ khác nữa dùng để chỉ loài động vật này là "khọn" và "mai".

Ngoài danh từ "khỉ", phương ngữ Nam Bộ còn có hai danh từ khác nữa dùng để chỉ loài động vật này là "khọn" và "mai".

Từ thuở nhỏ, nghĩa là cách đây chừng 70 năm, tại đất Gia Định, cá nhân An Chi đã có nghe dùng từ "mai" để chỉ loài khỉ. Nhưng để cho thuyết phục hơn, xin trích - mà xin phép ông để trích hơi… dài - lời của nhà phê bình văn học Đặng Tiến:

"Miệt Bạc Liêu, Cà Mau có câu hát, về sau phổ biến khắp miền Nam, rồi lan truyền khắp nước:

"Tháng ba cơm gói ra Hòn,

Muốn ăn trứng nhạn phải lòn Hang Mai"

Nhiều người không hiểu chính xác, cho rằng Hang Mai có nhiều hoa mai thơ mộng, hay nhiều rắn hổ mang tàn độc. Thật ra, "mai" tiếng địa phương có nghĩa là "khỉ". Hang Mai tức là "hang của loài khỉ". Phi Vân đã giải thích như vậy, ngay trang mở đầu cuốn phóng sự "Đồng Quê", giải thưởng Hội Khuyến học Cần Thơ năm 1943. Và ông ấy miêu tả căn cơ:

chuyen ten cua loai khi

"Kinh Hang Mai ở làng Khánh Lâm, Cà Mau bắt đầu từ kinh Biện Nhi trổ ra Tiểu Dừa ( ... ). Ở hai bên bờ người ta có thể gặp những con trúc, rái, kỳ đà, chồn, ong mật và vô số cá". Dĩ nhiên là nhiều khỉ. Từ điển phương ngữ Nam Bộ của Nguyễn Văn Ái, 1994, cũng có ghi chữ mai nghĩa là khỉ" (Chim Việt Cành Nam, "Chuyện Khỉ năm Thân", Orléans, Xuân Giáp Thân 2004).

Nhà thiền học Lý Việt Dũng, người gốc Bạc Liêu, cũng đã khẳng định với chúng tôi rằng, tại quê ông, hầu như người ta không dùng từ "khỉ", mà chỉ nói "mai" để gọi loài động vật này.

Một cái tên khác nữa dùng để gọi loài khỉ tại Nam Bộ là "khọn", như có thể thấy trong Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của:

"Khọn. n. Khỉ.

Con khọn. id.

Làm tuồng mặt con khọn. Làm mặt khỉ, tiếng mắng đứa hay làm mặt vúc vắc, nhăn nhíu khó coi.

Làm con khọn. id. Làm chẳng nên sự gì (tiếng mắng)".

Dictionnaire annamite-français của J.F.M. Génibrel cũng ghi:

"KHỌN. Con khọn, Singe, m. Làm như khọn, Imiter les gestes. Singer, a."

Đáng tiếc là trong phương ngữ Nam Bộ hiện nay, "khọn" đã trở thành một từ cổ. Có lẽ cũng vì thế nên nó không được ghi nhận trong Từ điển phương ngữ Nam Bộ (1994) do Nguyễn Văn Ái chủ biên và Từ điển từ ngữ Nam Bộ (2009) của TS Huỳnh Công Tín. Nó chỉ được ghi nhận một cách "vớt vát" trong Việt Nam tự điển (1970) của Lê Văn Đức, cũng có thể xem là một quyển từ điển lấy phương ngữ Nam Bộ làm nền tảng. Nhưng "khọn" sẽ không "chết mất xác" vì nó đã gắn chặt với "khỉ" trong từ tổ đẳng lập "khỉ khọn" dùng để chỉ tính nghịch ngợm của thiếu nhi, thiếu niên, mà cả từ điển Nguyễn Văn Ái lẫn từ điển Huỳnh Công Tín đều có ghi nhận.

Thế là tiếng Nam Bộ có hai từ riêng là "khọn" và "mai", dùng để chỉ khỉ mà nói chung người miền Bắc không biết đến. Rồi miền Bắc cũng có hai từ riêng dùng để chỉ loài động vật này là "tườu" và "bú dù", thường là tiếng dùng để chửi mắng, mà nói chung, nhiều người miền Nam cũng ít có cơ hội được biết đến.

Nhưng cũng là từ "khỉ" chung cho tiếng Việt toàn dân mà người miền Nam lại khai thác cái khía cạnh hay làm trò của khỉ mà lấy tên của nó làm ẩn dụ để chỉ trẻ con nghịch ngợm; chẳng những xài "đơn" với "khỉ" mà còn xài "kép" với từ tổ "khỉ khọn", như đã nói ở trên. Cái nhìn này của người Miền Nam lại giống với nhãn quan của người Quảng Đông khi họ dùng ba tiếng "mạ lấu chính" [馬驑精], đọc theo âm Hán Việt là "mã lưu tinh", để chỉ những đứa trẻ tinh nghịch. Trong tiếng Quảng Đông thì "mạ lấu" [馬驑] (mã lưu) là khỉ; người Quảng Đông không dùng hai tiếng "hầu tử" [猴子] như trong tiếng Bắc Kinh (mà nếu ghi âm theo kiểu pinyin thì sẽ là "hóu.zi"). Còn điểm chung của cả hai miền Nam, Bắc nước ta là dùng từ "khỉ" để diễn tả cái ý "không ra gì" (nhưng miền Nam thì có nhiều cách ghép đôi hơn như "khỉ cùi", "khỉ khô", "khỉ mốc"). Bình dân và thông dụng nhất cho cả hai miền có lẽ là quán ngữ "cái con khỉ" đi liền theo sau từ/ngữ chỉ khái niệm mà người nói muốn phủ nhận hoặc phản đối, chẳng hạn "Cười, cười cái con khỉ!", "Đẹp, đẹp cái con khỉ!", v.v…

Liên quan đến tên gọi của loài linh trưởng này, chúng tôi đã lần theo chữ nghĩa để đi tìm nguồn gốc của chính từ "khỉ" thì thấy đây quả là một vấn đề hóc búa. Đặng Tiến (Bđd) đã dè dặt khi viết:

"Không biết vì lý do gì và từ thời nào, trong tiếng Hán Việt, người ta phát âm chệch từ khỉ thành khởi (cũng như quý thành quới): ngày nay ta nói khởi nghĩa, khởi hành, nhưng các từ điển xưa ghi là khỉ hành, khỉ nghĩa. Trong khi đó, trong tiếng thuần Việt, thành ngữ dân gian vẫn nói: "Khỉ khô khỉ mốc, khỉ ho cò gáy, rung cây nhát khỉ [……..] Không rõ từ khỉ phát âm chệch thành khởi có liên quan gì đến tên loài động vật không".

Đặng Tiến là nhà phê bình văn học. Ông không làm từ nguyên nhưng khi nói về chuyện có liên quan đến từ nguyên thì ông rất dè dặt. Ngược lại, trong bài "Năm Thân nói chuyện khỉ" của Nguyễn-Phú-Thứ (Lyon - France) trên mạng ERCT, tác giả đã khẳng định:

"Năm Thân tức Khỉ cũng là Khởi, cho nên trong bàn dân thiên hạ cũng thường nhắc nhở luôn trong sinh hoạt xả hội hằng ngày […..]".

Nguyễn Phú Thứ đã khẳng định như trên nhưng ở đây thì "khỉ" dứt khoát không thể là "khởi" được. "Khỉ", tên của một loài động vật, là một yếu tố phi Hán Việt còn "khỉ" trong "khỉ hành", "khỉ nghĩa" - mà Đặng Tiến đã nêu - là một yếu tố Hán Việt. Chỉ có trong phạm vi Hán Viêt ta mới thấy có một số yếu tố vốn thuộc vần -I đã chuyển sang vần -ƠI, như:

–"hy" [稀] là hiếm, vốn thuộc vận (vtv) "vi" [微], mới chuyển thành (mct) "hơi", dùng để chỉ mức độ không cao của một trạng thái, một tính chất, v.v… (hơi mệt, hơi dày, hơi ngọt, v.v…);

–"ly" [離] là rời, lìa, v.v…, vtv "chi" [支], mct "lơi" trong "buông lơi", "lơi tay", "mời lơi", v.v...;

–"nghị" [議] là bàn luận, vtv 'chí" [寘], mct "ngợi" trong "ca ngợi", "ngợi khen", "nghĩ ngợi", v.v...;

–"phi" [披] là mở ra, banh ra, vtv "chi" [支], mct "phơi" trong "phơi phóng", "phơi thóc", v.v...

"Quý" > "quới", "khỉ" > "khởi" cũng là cùng cái lý đó. Và đó chính là cơ sở ngữ âm mà người ta đã căn cứ vào để chuyển hai chữ húy kiêng âm sau đây từ vần -I sang vần -ƠI: –"Lỵ" [利] húy của Lê Thái Tổ đã đọc thành (đđt) "Lợi";

–"Thì" [時] húy của Tự Đức đđt "Thời".

Nhưng trên đây chỉ là chuyện "nội bộ" của phạm vi Hán Việt chứ ngoài phạm vi này thì không có chuyện chuyển -I thành -ƠI. Mà trong thực tế thì trên cả nước Việt Nam, "[con] khỉ" cũng chẳng bao giờ bị người Việt gọi là "[con] khởi" cả. Chính vì vậy nên nói rằng "Khỉ cũng là Khởi" trong trường hợp này là đã khẳng định một điều hoàn toàn vô căn cứ. Trong quá trình đi tìm từ nguyên của các từ Việt gốc Hán, chúng tôi có ghi nhận một ứng viên cho nguyên từ (etymon) của "khỉ". Đó là chữ/từ "quỷ" [蛫] trong tiếng Hán mà Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993) đã cho nghĩa là "viên loại" [猿类], nghĩa là "loài vượn". Đây là một hình thanh tự mà nghĩa phù là "khuyển" [犭] còn thanh phù là "nguy" [危]. Về phụ âm đầu thì Q[w] của "quỷ", NG[w] của "nguy" và KH của "khỉ" đều là những âm cuối lưỡi cho nên mối tương quan về từ nguyên của chúng - nếu có - thì cũng là chuyện bình thường. Chúng tôi chỉ dè dặt có một điều là Q của "quỷ" và NG của "nguy" thì có [w], nghĩa là có yếu tố "tròn môi" còn KH của "khỉ" thì không. Vì sự dè dặt này mà chúng tôi chưa "duyệt" chữ/từ "quỷ" [蛫] làm nguyên từ của "khỉ" trong những trang ghi chép của mình. Làm từ nguyên thì không thể tào lao theo kiểu "thổ mộ là độc mã".

Số Xuân 2016