Chuyện sói ở xứ sở Bạch Dương

06:45 | 08/04/2018

13,378 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những ngày diễn ra Olympic Sochi 2014 tại Nga, nữ vận động viên trượt băng Mỹ Kate Hansen chia sẻ clip “một con sói” lởn vởn trước cửa phòng, gây nhiều phỏng đoán, nghi ngại. Còn chúng tôi chẳng phải nghi ngại gì khi đứng trước lãnh địa đầy vết chân của đàn sói phổ biến ở vùng núi Caucasus, đối diện với con sói thủ lĩnh dũng mãnh...

Nơi chúng tôi gặp những con sói là vườn thú Krasnaya Polyana thuộc phân khu dự trữ sinh quyển Caucasus phía nam, nằm cách đường liên bang dọc theo bờ sông Achipse 2km. Từ trung tâm Sochi đến đây có thể bằng nhiều phương tiện xe taxi, xe buýt số 105, 135...

Lãnh địa đàn sói gói gọn trong hàng rào sắt dựng trên nền đất đen bìa rừng rợp tầng tán cây to lớn đặc trưng của vùng. Hang của đàn sói đắp bằng đá, xung quanh có bãi đất trống, bãi cỏ, những gốc cây, vũng nước...

chuyen soi o xu so bach duong
Sói thủ lĩnh chọn điểm cao để quan sát (Ảnh: Xuân Tùng)

Dù chỉ 3 thành viên, đàn sói vẫn chọn cho ra thủ lĩnh bảo đảm an toàn, chỉ huy các thành viên khác như những đàn sói hoang dã vùng rừng sâu rộng lớn. Dù chẳng có gì xâm phạm được vào lãnh địa rộng cả trăm mét vuông, nhưng đàn sói vẫn luôn “tuần tiễu” tạo nên một lối mòn trên nền đất đen. Trong cuộc “tuần tiễu”, sói thủ lĩnh lúc dẫn đầu, lúc lùi lại phía sau hay lên điểm cao nhất trong lãnh địa để quan sát xung quanh và sủa cảnh báo, nhất là khi có sự hiện diện của chúng tôi - những vị khách không mời.

Ngay sát chuồng bên cạnh là chú sói đơn độc hết chạy tới chạy lui ven bờ rào hướng về đàn sói “hàng xóm”. Theo nữ hướng dẫn viên nổi bật với mái tóc ánh lên màu đồng dưới nắng thu, chú sói đơn độc kia và một chú sói trong đàn 3 con vốn là anh em, để tránh trường hợp sinh sản cận huyết, trung tâm đã tách chúng ra. Đây đều là những con sói Caucasian, có kích thước trung bình, màu lông xám tối. Sói đực nặng khoảng 30kg và tối đa gần 50kg, còn sói cái nặng chừng 25kg. Trong tự nhiên, thức ăn của sói Caucasian là các loài động vật như hươu, dê núi, cừu và những con mồi nhỏ hơn như thỏ rừng, động vật gặm nhấm. Vào mùa sinh sản, từ tiếng tru của những con sói trong khu bảo tồn mà lũ sói rừng sâu đáp lại và vây quanh khu lồng sắt. Trong đêm đen, những ánh mắt xanh lè của sói ẩn hiện.

chuyen soi o xu so bach duong
Một con sói lông vàng trong vườn thú
Tại World Cup 2018 diễn ra ở xứ sở Bạch Dương, linh vật được chọn là chú sói Zabivaka (tiếng Nga là duyên dáng và tự tin) do sinh viên Ekaterina Bocharova thiết kế gắn với thông điệp: Luôn mơ ước trở thành ngôi sao bóng đá.

Qua chất giọng hồ hởi giới thiệu của nữ hướng dẫn viên người Nga có thể cảm nhận tình cảm dành cho những chú sói tinh quái nhưng cũng rất thân thiện này. Chúng tôi còn tận mắt chứng kiến gia đình sói lông vàng cũng là loài đặc hữu của vùng, cân nặng chỉ độ 7-10kg. Nơi hoang dã, loài sói vàng thường phân bố ở các khe nứt tự nhiên khác nhau trong núi đá hoặc chiếm các hang ổ của cáo, chúng ít tự đào hang. Loài này có đặc tính chung thủy, duy nhất một bạn tình. Con đực và con cái gắn kết với nhau sẽ tự tìm hang sinh con đẻ cái, cùng chăm sóc.

Trở thành linh vật World Cup 2018

Đối với những khán giả yêu môn thể thao vua từ lâu đã quen với cách gọi trìu mến dành cho đội tuyển bóng đá Nga là “những chú gấu Nga”. Tuy nhiên, tại sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh World Cup 2018 diễn ra tại xứ sở Bạch Dương thì linh vật được chọn là chó sói. Đó là chú sói có tên Zabivaka (tiếng Nga là duyên dáng và tự tin) do sinh viên Ekaterina Bocharova thiết kế gắn với thông điệp: Luôn mơ ước trở thành ngôi sao bóng đá.

Để trở thành linh vật của World Cup 2018, chú sói đã có cuộc “chạy đua” quyết liệt với hai con vật khác là mèo và hổ. Những người tổ chức đã công phu thu thập ý tưởng của trẻ em Nga và các bản thiết kế của sinh viên suốt thời gian dài thông qua cuộc bình chọn trực tuyến. Kết quả, chú sói giành chiến thắng với 53% phiếu bình chọn trên tổng số 1 triệu phiếu. Hổ và mèo lần lượt chỉ nhận được 27% và 20% phiếu.

chuyen soi o xu so bach duong
Theo chân hướng dẫn viên chúng tôi tham qua các loài đặc hữu của vùng

Những lần xuất hiện trong chiến dịch quảng bá World Cup 2018 của nước Nga tại ga tàu điện ngầm, tàu điện và nhiều khu vực công cộng... chú sói Zabivaka đã thu hút được sự chú ý của người dân. Trên các toa tàu điện ngầm ở thủ đô Matxcơva, hình ảnh sói Zabivaka đã được trang trí công phu. Hay tại Sochi, 1 trong 11 thành phố sẽ tổ chức các trận đấu Vòng chung kết World Cup 2018, hình ảnh của chú sói Zabivaka xuất hiện trên một số đồ lưu niệm bên cạnh những hình ảnh quen thuộc của Nga như biển Sochi, Tổng thống Putin, búp bê Matryosh...

Tình cảm, cách nhìn nhận của con người xứ sở Bạch Dương với loài sói cũng thật đặc biệt, không chỉ có những định kiến loài thú có bản tính hoang dã, khó thuần mà trân trọng những ưu điểm. Điển hình là việc gia đình ông Oleg Selekh sống tại ngôi làng Zacherevye, cách thành phố Minsk 250km về phía bắc đã chăm sóc những chú sói như thú cưng. Khi còn là một kiểm lâm địa phương, năm 2009, ông Oleg Selekh đã dẫn về một bầy sói con khi cha mẹ chúng bị giết hại. Những con sói được thuần hóa, thân thiện với con người như những vật nuôi bình thường khác. Thậm chí, Alisa Selekh, con gái của ông Oleg, vui đùa, cưỡi lên lưng hay ôm hôn chúng. Trước sự tò mò của mọi người và giới truyền thông, ông Oleg chia sẻ, ông không gặp nhiều khó khăn khi thuần hóa những con sói, dù chúng là động vật hoang dã. Bí quyết của ông Oleg ở việc nhận biết con đầu đàn để huấn luyện và những con khác sẽ dễ dàng hơn.

chuyen soi o xu so bach duong
Đàn sói tuần tiễu lãnh địa

Ngoài ra, hình ảnh những chú sói còn gắn với nhiệm vụ đặc biệt bảo vệ biên giới quốc gia. Chúng có thể được đào tạo để theo dõi chất nổ, phát hiện hàng lậu... và rất chăm chỉ. Điều thú vị này được các nhà khoa học và chuyên gia động vật tại Học viện Quân đội Prem của Nga tạo ra vào năm 2000 khi thành công tạo giống khuyển lai sói có tên Volkosoby. Volkosoby thừa hưởng kích thước và sức mạnh của loài sói nhưng vẫn giữ thái độ tuân phục và thân thiện với con người. Một chú Volkosoby được đào tạo chuyên nghiệp có giá trị 2.000-3.000 USD. Tuy vậy, để duy trì sự độc quyền, quân đội Nga không bán Volkosoby, mà chỉ cho các tổ chức an ninh trong nước thuê lại giống chó này với những điều kiện ràng buộc khắt khe.

Kho báu đa dạng sinh học

Vườn thú Krasnaya Polyana thuộc Phân khu dự trữ sinh quyển Caucasus phía nam của Sochi tồn tại như một bảo tàng ngoài trời thu nhỏ giới thiệu sinh động những giống loài đặc trưng của vùng đang sinh sống ngoài tự nhiên. Ngoài các loài sói còn có các loài thú như hươu, nai, bò rừng, mèo rừng, chồn hương, dê núi, cáo... và các loài chim săn mồi như kền kền, đại bàng, chim ưng. Tất cả đều được ở trong những chuồng ngoài trời trên nền đất rừng tạo cảm giác gần gũi trong thiên nhiên cho các con thú, cũng như người đến tham quan, khác hẳn khung cảnh thường thấy ở công viên, vườn thú ở ta.

Khu dự trữ sinh quyển Caucasus là khu bảo tồn lớn thứ 2 của châu Âu, được xem như kho báu đa dạng sinh học quý giá nhất thế giới. Gần 400 loài chim, 153 động vật có vú, một số loài bò sát và 200 loài cá sinh sống trong không gian rộng có cả lưu vực sông, những dãy núi và rừng.

Ông chủ nhà người Nga trực tiếp lái xe dẫn chúng tôi đến vườn thú này cho biết, ông từng nhiều lần gặp các loài thú, thậm chí những loài lớn như gấu trong tự nhiên. Còn vườn thú là phương án hiệu quả nhất dành cho những du khách ít thời gian, điều kiện được tận mắt thấy sự đa dạng của thế giới động vật của Khu dự trữ sinh quyển Caucasus rộng lớn bên bờ Biển Đen.

Theo giới thiệu, Khu dự trữ sinh quyển Caucasus là khu bảo tồn lớn thứ 2 của châu Âu, được xem như kho báu đa dạng sinh học quý giá nhất thế giới. Khu dự trữ bao trùm Krasnodar Krai, Karachay - Cherkessia và các sống núi Adygea, cũng như Khosta và Krasnaya Polyana ở Sochi. Gần 400 loài chim, 153 động vật có vú, một số loài bò sát và 200 loài cá sinh sống trong không gian rộng có cả lưu vực sông, những dãy núi và rừng. Nhiều động vật trong khu bảo tồn có sự phân bố giới hạn, hoặc là nhân chứng sống của các thời kỳ địa chất trong quá khứ (di tích). Trong số các động vật có xương sống trong khu bảo tồn, có 25 loài được liệt kê trong Sách đỏ của Nga.

chuyen soi o xu so bach duong
Một góc vườn thú Krasnaya Polyana thuộc Phân khu dự trữ sinh quyển Caucasus phía nam

Vườn thú còn là một trong những cách mà chính quyền địa phương và các nhà động vật học lựa chọn tạo nguồn kinh phí hoạt động, bảo tồn các giống loài; kết nối và kêu gọi cộng đồng tôn trọng, bảo vệ các loài thú hoang dã.

Các vườn thú hoạt động đều đặn từ 9-17h suốt các mùa trong năm. Giá vé người lớn 300 rúp (tương đương 120 nghìn đồng Việt Nam), trẻ nhỏ 7-14 tuổi là 100 rúp, dưới 7 tuổi miễn phí. Bên cạnh nguồn thu từ bán vé, đồ lưu niệm, tại những vườn thú và các phân khu dự trữ sinh quyển của vùng còn có hình thức nhận đỡ đầu và hỗ trợ kinh phí cho các con vật. Người đỡ đầu có thể là học sinh, sinh viên, bà nội trợ hay doanh nhân. Và người nhận đỡ đầu được quyền sử dụng hình ảnh của vật nuôi để in trên danh thiếp của cá nhân, công ty. Ngoài ra, hằng năm vẫn có các hoạt động tình nguyện dọn dẹp vệ sinh, bảo vệ thiên nhiên thu hút nhiều tình nguyện viên tham gia.

“Qua những chương trình, hoạt động nhận đỡ đầu, tình nguyện, chúng tôi tạo điều kiện để mọi người có cơ hội thể hiện sự tử tế và không ích kỷ trong việc bảo vệ thiên nhiên, tình yêu đối với động vật”, nữ hướng dẫn viên chia sẻ.

chuyen soi o xu so bach duong
Nữ hướng dẫn viên của vườn thú giới thiệu về vườn thú và Khu dự trữ sinh quyển Caucasus

Luôn rộng mở với du khách, nhưng khu bảo tồn cũng có nhiều quy định đòi hỏi các du khách tôn trọng để tránh ảnh hưởng tới những động vật nơi đây. Lướt qua bảng nội quy dễ ấn tượng với nội dung: Không được làm các loài thú hoảng sợ, cần tôn trọng để động vật sống hòa bình, an toàn. Không được đưa vật nuôi từ bên ngoài vào khu bảo tồn...

Cũng như những du khách, người địa phương, chúng tôi đến và rời đi mang theo những hình ảnh đẹp về những con thú nơi đây. Nhất là ấn tượng lần đầu gặp sói!

Thanh Giang