Xu hướng chuyển dịch kênh đầu tư sang bất động sản ngày càng tăng

15:09 | 23/03/2021

393 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong năm 2020 có khoảng 70% lượng giao dịch bất động sản (BĐS) đến từ nhà đầu tư chứng khoán trước đó, ngoài ra cũng có một lượng lớn tiền tiết kiệm cũng được rút ra để đầu tư vào BĐS. Dự báo xu hướng chuyển dịch đầu tư này sẽ còn tăng lên trong thời gian tới.

Chuyển dịch đầu tư

Theo ghi nhận của Tập đoàn dịch vụ quản lý BĐS và đầu tư Colliers International, ước tính trong năm 2020, có khoảng 70% lượng giao dịch bất động sản đến từ các nhà đầu tư mới của thị trường chứng khoán. Nhóm đầu tư này bị hấp dẫn bởi lợi nhuận ngắn hạn cũng như dễ bị ảnh hưởng bởi tin đồn, thậm chí đưa ra những quyết định vội vàng dù chưa có đủ hiểu biết sâu sắc về thị trường.

“Họ là những người không có ý định sở hữu BĐS lâu dài. Họ chuyển sang BĐS với niềm tin rằng đây sẽ là “kênh trú ẩn” an toàn trong giai đoạn nhiều khó khăn kèm với hy vọng về khả năng tăng giá theo thời gian” - Tổng Giám đốc Colliers Việt Nam David Jackson nhìn nhận.

Xu hướng chuyển dịch kênh đầu tư sang bất động sản ngày càng tăng
Rút lãi chứng khoán để ''lướt sóng'' BĐS mang đến nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Chí Thanh cho biết, từ đầu năm đến nay thị trường BĐS có nhiều biến động về giá bán, xuất phát từ một số nguyên nhân: Khung giá đất được chính quyền các địa phương đồng loạt điều chỉnh tăng từ 15 - 20%. Số lượng dự án mới được phê duyệt giảm sút mạnh, chỉ bằng 1/10 so với những năm trước, việc phê duyệt đầu tư các dự án BĐS, tạo nguồn cung vẫn chưa có tín hiệu khả quan. Trong khi đó, nhu cầu ở vẫn rất mạnh trên toàn thị trường, vì vậy, nguồn cung trên thị trường không được cải thiện, vẫn thiếu, đặc biệt là các dự án nhà ở phân khúc bình dân, nhà ở xã hội và dự án đất nền.

“Nhu cầu đầu tư, gửi tiền vào đất tăng mạnh, đột biến do đầu tư các ngành kinh tế khác không hiệu quả bởi dịch bệnh. Lãi xuất ngân hàng giảm sâu cộng vớiviệc đầu tư ngắn hạn thời gian vừa qua vào chứng khoán và vàng có lãi lớn nên nhiều nhà đầu tư nhanh chóng chốt lãi và găm giữ bằng đất. Như vậy, có thể nói, cầu đầu tư tăng trong khi lượng hàng khan hiếm khiến giá đất tăng tăng mạnh. Đồng thời, xuất hiện nhiều hiện tượng đầu tư bất chấp quy định pháp luật” - ông Nguyễn Chí Thanh cho hay.

Rủi ro cho nhà đầu tư

Các chuyên gia cho rằng, việc tăng giá đất một cách nhanh chóng trong thời gian gần đây sẽ mang đến nhiều hệ lụy đên sự phát triển chung, như: hút nguồn lực đầu tư vào BĐS sẽ làm giảm nguồn lực đầu tư của các ngành nghề khác; tài nguyên đất đai bị xâm phạm, gây lãng phí và xuất hiện tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai. Đặc biệt, vẫn đề này sẽ làm tăng chi phí phát triển nhà ở, càng khó hơn cho việc thực thi các chính sách để phát trển nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội của Chính phủ.

Tổng Giám đốc Colliers Việt Nam David Jackson cho biết, việc gia tăng giá đất không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển chung của nền kinh tế, mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với nhà đầu tư. Xét cụ thể đối với những nhà đầu tư mới về chứng khoán, thời gian qua nhiều nhà đầu tư đã rút lãi để đổ vào BĐS, sẽ phải trả kỳ thanh toán đầu tiên và cố gắng tìm cách bán BĐS để tránh việc phải tiếp tục trả các kỳ thanh toán tiếp sau.

“Nếu nhà đầu tư không có nguồn lực tài chính vững chắc và trong trường hợp BĐS không thanh khoản được sẽ mang đến nhiều rủi ro cho nhà đầu tư” - ông David Jackson phân tích.

Theo Kinh tế & Đô thị