Vụ H&M đăng ảnh có "đường lưỡi bò": Làn sóng kêu gọi tẩy chay H&M đang lan rộng!

18:30 | 03/04/2021

365 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Làn sóng kêu gọi tẩy chay thương hiệu H&M đang lan nhanh trên các mạng xã hội của Việt Nam.
Cố tình công nhận bản đồ đường lưỡi bò là của Trung Quốc, người Việt đồng lòng kêu gọi tẩy chay H&M
Cố tình công nhận bản đồ đường lưỡi bò là của Trung Quốc, người Việt đồng lòng kêu gọi tẩy chay H&M.

Nguyên nhân do theo thông báo hôm 2/4, chính quyền TP Thượng Hải cho biết các thương hiệu thời trang và du lịch bị gây áp lực phải thay đổi "cách mô tả Đài Loan và các khu vực nhạy cảm khác trên trang web của họ".

Hãng tin AP dẫn thông báo của chính quyền Thượng Hải nói rằng người dùng mạng internet đã báo cáo về "bản đồ có vấn đề" trên trang web của H&M. Vì vậy, Sở Quy hoạch và Tài nguyên Thượng Hải yêu cầu công ty Thuỵ Điển nhanh chóng sửa chữa bản đồ đó. Sau khi được triệu tập, H&M "đồng ý với yêu cầu của nhà chức trách Trung Quốc".

Các công ty nước ngoài cũng bị Trung Quốc bắt thay đổi bản đồ vẽ biên giới của Trung Quốc với Ấn Độ và các khu vực tranh chấp trên biển Đông.

Khi vụ việc vẫn đang trong giai đoạn cao trào và thu hút sự chú ý từ phía dư luận quốc tế, một số người dùng, hội nhóm trên mạng xã hội cho rằng H&M (tại Trung Quốc) vừa thay đổi hình bản đồ có chứa “đường lưỡi bò” phi pháp.

Đây được cho là động thái nhằm làm dịu dư luận Trung Quốc, nhưng đã vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam và vi phạm các quy định của luật biển quốc tế về vạch đường cơ sở.

Cửa hàng H&M tại Việt Nam.
Cửa hàng H&M tại Việt Nam.

Ngay lập tức, tại một số hội nhóm trên mạng xã hội, đông đảo người dùng Việt Nam đã kêu gọi chia sẻ bài viết phản đối, hashtag #hmgetoutofvietnam, #taychayHM, #HoangSaTruongSabelongtoVietNam trên Facebook, Twitter và instagram.

Trên trang fanpage chính thức của hãng thời trang H&M, nhiều người tiêu dùng đã kêu gọi mọi người Việt Nam đoàn kết và tẩy chay nhãn hiệu thời trang Thụy Điển, sau khi có thông tin hãng thời trang này chấp nhận thay đổi bản đồ theo yêu cầu từ giới chức Trung Quốc.

Tất cả các bài đăng của H&M đều nhận được hàng chục nghìn ý kiến phẫn nộ, yêu cầu thương hiệu thời trang Thụy Điển tôn trọng sự thật, tôn trọng luật pháp quốc tế.

Bên cạnh kêu gọi tẩy chay H&M, cư dân mạng còn đề nghị các hacker Việt Nam cùng đánh sập fanpage H&M, chung tay report hoặc làm cho trang fanpage “bay màu”;...

Việc H&M chấp nhận in đường lưỡi bò lên các sản phẩm thời của hãng là việc làm phi pháp, vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).

Hiện, các bản đồ được chia sẻ trên mạng đều không chỉ rõ nội dung gốc "có vấn đề" mà Trung Quốc cảnh báo với phía H&M hay bản đồ đã chỉnh sửa.

Trước đó, H&M đã bị người tiêu dùng Trung Quốc bị chỉ trích dữ dội, khi họ tuyên bố "không sử dụng bông Tân Cương". H&M nhấn mạnh mục đích của họ là ủng hộ tất cả người nông dân trên thế giới có thể tiếp tục áp dụng phương thức gieo trồng bông, bảo vệ sức lao động của người nông dân.

Tuy nhiên, không lâu sau đó, H&M lại "lật mặt" khi khẳng định họ muốn lấy lại niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc một tuần sau khi bị tẩy chay dữ dội ở quốc gia tỷ dân.

Trong tuyên bố đưa ra hôm 31/3, nhà mốt Thụy Điển nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc, đồng thời cho biết đang nghiên cứu các chiến lược để tìm nguồn cung ứng nguyên liệu. H&M cũng khẳng định họ sẽ đóng góp vào nỗ lực chung nhằm phát triển ngành công nghiệp thời trang cũng như phục vụ khách hàng thông qua việc phối hợp với đối tác và các bên liên quan.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp