Vụ Edward Snowden thử lửa quan hệ Nga - Mỹ

06:54 | 21/07/2013

661 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa phát tín hiệu rõ ràng nhất về vấn đề của Edward Snowden cho thấy, ông đặt quan hệ song phương Moskva - Washington lên trên cuộc tranh cãi về cựu nhân viên hợp đồng Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).

Trong khi đó, kẻ tiết lộ chương trình mật đang bị Washington truy lùng gắt gao này lại mới nộp đơn xin tị nạn tạm thời ở Nga. Quan hệ vốn chẳng thiếu căng thẳng giữa Nga và Mỹ sau những bất đồng về vấn đề Syria lại có cơ hội được thử thách.

"Người thổi còi" Edward Snowden gặp gỡ với các nhà hoạt động nhân quyền Nga hôm 15/7 tại sân bay Sheremetyevo

Edward Snowden hôm 16/7 mới nộp đơn xin tị nạn tạm thời ở Nga sau 3 tuần tá túc ở sân bay Sheremetyevo (Moskva). Nếu cho phép “kẻ lộ mật” ở lại Nga - dù cho đó chỉ là quyết định tạm thời vẫn khiến Washington tức giận. Tuy nhiên, nếu từ chối, Tổng thống Putin cũng không tránh khỏi những lời chỉ trích từ trong nước do Nga và Mỹ không có thỏa thuận dẫn độ, Moskva không có cơ sở pháp lý để trục xuất Snowden khi ông này không phạm phải bất cứ tội danh nào trên lãnh thổ Nga. Ông chủ Điện Kremlin từng nói, Snowden chỉ có thể ở lại Nga nếu ngừng tiết lộ các bí mật về chương trình giám sát mật của Mỹ.

Ngay trong tuyên bố mới nhất, khi nhắc đến vụ việc hồi đầu tháng, khi một số nước châu Âu đóng cửa không phận đối với chuyên cơ của Tổng thống Bolivia, vì nghi ngờ có Snowden trên khoang, Tổng thống Putin cũng khẳng định “Nga có một chính sách đối ngoại độc lập… Chúng tôi không thể và sẽ không hành xử giống những nước khác”. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh, Snowden sẽ chỉ được chào đón ở Nga nếu anh ta không tiết lộ thêm những bí mật của Chính phủ Mỹ và Moskva không chấp nhận bất kỳ hành động nào gây tổn hại đến mối quan hệ Nga - Mỹ.

Về lý thuyết, đơn xin cấp tị nạn tạm thời được Cơ quan Di trú Liên bang (FMS) nghiên cứu từ 5 ngày đến 3 tháng mà không cần có sự phê duyệt của ông Putin. Có thể Snowden lựa chọn giải pháp này vì khả năng xem xét hồ sơ nhanh hơn so với trường hợp xin tị nạn chính trị. Theo Chủ tịch Hội đồng Xã hội trực thuộc FMS, ông Vladimir Volokh, với quy chế như vậy, Snowden có thể ở Nga từ một đến 6 tháng và có khả năng được gia hạn. “Vấn đề không hề đơn giản. Cần xem xét các tài liệu chứng minh thực tế anh ta đề phòng bị truy lùng, lo ngại cho tính mạng. Vì vậy, tôi nghĩ 3 tháng là thời hạn xét đơn hoàn toàn thực tế. Nếu cần thiết, có thể đòi hỏi đến 6 tháng. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, 6 tháng là thời gian cần thiết để nghiên cứu hồ sơ tị nạn tạm thời hoặc tị nạn” - theo ông Volokh.

Nếu được cấp giấy phép tị nạn tạm thời, Edward Snowden có thể tìm cách rời khỏi Nga để tới tị nạn lâu dài ở một nơi khác. Quyền tị nạn cũng có thể được gia hạn hằng năm với thời hạn 12 tháng. Hiện nay, lựa chọn của Snowden bị thu hẹp hơn bởi dưới sức ép của Mỹ, hầu như không nước nào dám đánh tiếng “chứa chấp” nhân vật này, ngoại trừ 3 nước Mỹ Latinh là Venezuela, Bolivia và Nicaragoa.

Trong khi đó, Nhà Trắng đang chịu rất nhiều sức ép từ trong nước buộc phải gây áp lực để Nga và các nước trục xuất, dẫn độ Snowden về Mỹ để xét xử tội hoạt động gián điệp gây tổn hại nghiêm trọng tới an ninh quốc gia. Một số nghị sĩ Mỹ còn kêu gọi tẩy chay Thế vận hội Olympic ở Sochi, nếu Moskva từ chối dẫn độ Snowden. Tuy nhiên, tuyên bố của Nhà Trắng cho biết Edward Snowden sẽ không ảnh hưởng đến chuyến thăm Nga vào tháng 9 tới của Tổng thống Obama cho thấy, nguyên thủ hai nước sẵn sàng tạm thời làm ngơ trước một vài vấn đề vì lợi ích mục tiêu chung. Chuyện của Snowden, để sau hẵng bàn!

Linh Linh (tổng hợp)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc