Vụ án khởi tố 10 năm mới xét xử

16:28 | 05/10/2011

513 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong 2 ngày 45/10, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử 2 bị cáo Khánh và Hải về hành vi “trộm cắp tài sản”. Đây là một vụ án sau thời gian dài gần 10 năm bị khởi tố mới được xét xử. 2 bị cáo được xác định đã có hành vi giúp sức tích cực cho một người đàn ông quốc tịch Anh trộm cắp cước viễn thông với số tiền hơn 1 triệu USD.

2 bị cáo, gồm: Mai Thị Khánh (62 tuổi, ở phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà Nội) và Bùi Ngọc Hải (ở phường Định Công, quận Hoàng Mai). Trước khi bị bắt, bị cáo Khánh làm Giám đốc Công ty cổ phần Hữu Nghị.

Trước khi phiên tòa diễn ra, cả hai bị cáo đều được cơ quan tố tụng điều tra cho tại ngoại. Các bị cáo bị cơ quan điều tra khởi tố vì đã có hành vi giúp sức tích cực cho một người đàn ông quốc tịch Anh trộm cắp cước viễn thông với số tiền hơn 1 triệu USD. Đến nay, sau 10 năm quyết định khởi tố, phiên tòa mới diễn ra.

Bị cáo Khánh và Hải chăm chú ghi chép các lập luận từ HĐXX.

Trong phiên tòa ngày 4/10, phiên tòa xử muộn vì vắng mặt các luật sư tham gia tố tụng. Sau khi hội ý, HĐXX quyết định vẫn xét xử 2 bị cáo Khánh, Hải. Một trong những người có mặt từ sớm đó là bị cáo Khánh, người phụ nữ này ngồi trước vành móng ngựa, với trạng thái ung dung, chú tâm vào từng chi tiết từ HĐXX. Như để chuẩn bị tâm lý trước khi tranh tụng, bà Khánh ghi chép cẩn thận, ngồi vắt chéo chân, bên cạnh là một tập tài liệu.

Theo cáo trạng truy tố của Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội, tháng 12/1999, Chan Yiu Wah Bosco (quốc tịch Anh) đã thuê 8 phòng ngủ của khách sạn Hữu Nghị với giá 2.000 USD/tháng nhưng không để ở. Bosco còn được Giám đốc Khánh cho mượn một phòng kho sân thượng để chứa máy móc thiết bị. Sau khi đã có địa điểm và được chủ nhà hậu thuẫn, Bosco đã lắp đặt ăng ten parapol trái phép cùng nhiều phương tiện, thiết lập trạm mặt đất thông tin – VSAT để trộm cước viễn thông quốc tế.

Sau khi hoàn tất trạm VSAT, Bosco đã khai thác và cung cấp dịch vụ viễn thông quốc tế, thu cước viễn thông quốc tế. Gã này trộm được hơn 1 triệu USD. Sau khi hành vi của Bosco bị bại lộ, cơ quan điều tra xác định bị cáo Khánh đã giúp sức cho Bosco phạm tội.

Theo đó, bị cáo Khánh đã đồng ý cho Bosco lắp đặt các thiết bị trên nóc của khách sạn của mình. Bị cáo còn sử dụng tư cách pháp nhân của công ty để ký hợp đồng thuê bao 24 máy điện thoại với Bưu điện Hà Nội trong khi các phòng đều đã được trang bị máy. Khi trạm VSAT hoạt động, Bosco không đưa giấy tờ chứng minh tính pháp nhân nhưng bà Khánh không có phản ứng gì. Ngay cả việc khi cho Bosco mượn phòng kho, bà này cũng để anh ta tự sửa sang và làm chìa khóa riêng.

Tại các phòng Bosco thuê, bị cáo Khánh còn thông báo cho toàn bộ nhân viên khách sạn của mình: “Khi nào có yêu cầu của khách thì lễ tân mới được dọn dẹp”. Bên cạnh đó, bị cáo Khánh còn cấm mọi người không được lên tầng 5, nơi Bosco thuê các phòng. Việc ký hợp đồng cho thuê 8 phòng trên, bà Khánh chỉ thông báo trong cuộc họp giao ban, còn nội dung không ai được biết.

Các nhân viên thấy Bosco lắp đặt ăng-ten đã đề nghị bị cáo Khánh phải xin giấy phép hoạt động. Nhưng mọi yêu cầu, kiến nghị của nhân viên, bị cáo Khánh đều bỏ ngoài tai.

Riêng bị cáo Bùi Ngọc Hải, là phiên dịch của Bosco, trực tiếp quản lý các phòng thuê tại khách sạn trên. Ngoài ra, Hải còn cùng một số người khác lén lút lắp đặt VSAT trái phép ở số 4 Trần Hưng Đạo cho Bosco, cũng với mục đích trộm cước viễn thông. Số tiền chúng thu được từ trạm này là hơn 346 triệu đồng.

Khi được quản lý các phòng này, Hải đã thống nhất với bà Khánh cho khách thuê lại, chia nhau. Gã này cũng được xác định là đồng phạm có vai trò giúp sức tích cực cho Bosco trộm cước viễn thông gây thiệt hại hàng tỉ đồng cho ngành bưu điện.

Ngày 22/5/2000, Hành vi của Bosco bị phát hiện, Bosco đã bỏ trốn. Trước khi lẩn tránh, tên Bosco đã kịp thuê người tháo dỡ ăng-ten tại số 4 Trần Hưng Đạo, đồng thời còn nhờ vợ là Hoàng Thị Hương Giang tẩu tán, cất giấu máy móc. Đến đầu tháng 5/2001, Giang cũng bỏ trốn.

Trước đó, ngày 21/4/2008, vụ án đã được đưa ra xét xử. Bà Khánh bị tuyên án 12 năm tù, Hải 13 năm về tội “trộm cắp tài sản”. Các bị cáo khi đó bị tòa buộc mỗi người phải bồi thường hơn 7 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau đó, TAND tối cao đã hủy bản án, yêu cầu điều tra lại.

Trong phiên tòa ngày 4/10, bị cáo Khánh cho rằng mình vô can, không phạm tội trộm cắp như bản cáo trạng truy tố. Hải cũng không thừa nhận vai trò giúp sức cho Bosco trộm cước viễn thông trên.

Đến phiên tòa sáng ngày 5/10, sau một ngày nghị án, chủ tọa phiên tòa thay mặt HĐXX nhận định, các hành vi của Bosco là nhằm trộm 1 triệu USD. Tuy nhiên việc lắp đặt vệ tinh, điều hành VSAT, bà Khánh và Hải không thể hiểu được công nghệ… Chưa đủ căn cứ để quy kết hai bị cáo có hành vi giúp đỡ Bosco, bản thân bà Khánh không được hưởng lợi gì.

Trên cơ sở đó, vị chủ tọa khẳng định việc làm của hai người này chỉ là công cụ cho Bosco phạm tội, không có hành vi đồng phạm. Tuy nhiên, hành vi của các bị cáo đã gián tiếp để người đàn ông ngoại quốc thực hiện trộm cước viễn thông trong một thời gian dài. Các chứng cứ cho thấy, 2 bị cáo phải biết được việc làm phạm pháp của Bosco.

Sau khi xem xét, HĐXX nhận định, bị cáo Khánh và Hải không phạm tội trộm cắp. Hành vi của 2 bị cáo phạm vào tội “không tố giác tội phạm”. Từ các lập luận trên, HĐXX tuyên phạt bị cáo Khánh 30 tháng tù, Hải cũng 30 tháng nhưng cho hưởng án treo về tội “không tố giác tội phạm”.

T.Minh