TS Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc:

'Vốn Trung Quốc không rẻ, không dễ và không lợi'

07:10 | 14/08/2016

2,821 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Phải nói rằng, ngay cả khi Trung Quốc sẵn sàng cung cấp khoản vay ODA với lãi suất gần như bằng 0 thì các điều khoản về việc chỉ định nhà thầu Trung Quốc, sử dụng lao động của họ cho cả các hạng mục đơn giản nhất cũng đã hạn chế lợi ích các công ty bản địa.

Trên thực tế, lợi nhuận từ các dự án vốn vay này sẽ quay trở lại Trung Quốc thông qua các công ty của quốc gia này.

von trung quoc khong re khong de va khong loi 464446

Ngoài ra, các công ty Trung Quốc tham gia vào các dự án ODA của quốc gia này thường tính đội chi phí cho các hạng mục công việc. Cách đội chi phí phổ biến nhất là trì hoãn thời gian thi công. Vì thế, chi phí thực tế sẽ triệt tiêu toàn bộ lợi ích tài chính từ việc tiếp cận các khoản vay ODA Trung Quốc lãi suất thấp. Thực tế cho thấy, lãi suất nước này đưa ra không hề thấp. Chẳng hạn, Dự án đường sắt Thái Lan trị giá 23 tỉ USD dự kiến vay vốn Trung Quốc đã không thể thực thi dù trải qua hơn 20 vòng đàm phán. Chính phủ Thái Lan không cần trả mức lãi mà Trung Quốc đưa ra cao hơn so với vay từ các định chế khác.

Việt Nam thiếu hụt vốn đầu tư cơ sở hạ tầng rất lớn, nhưng cũng không thể vì thế mà chấp nhận các khoản vay dễ dãi từ phía Trung Quốc, đặc biệt là sau khi đã có quá nhiều trái đắng từ các công trình cơ sở hạ tầng giao thông và năng lượng mà nhà thầu gây ra. Chúng ta phải đa dạng các nguồn vốn vay, trong đó cần chú ý đến các chương trình cho vay mà Nhật Bản đang đẩy mạnh thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC). Đây là những đối tác truyền thống của Việt Nam, cung cấp các khoản vốn vay quan trọng vào cơ sở hạ tầng như cảng Cái Lân, Lạch Huyện, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cái Mép - Thị Vải, cầu Cần Thơ....

Tuyền Nguyễn

Năng lượng Mới số 548