Vốn cho các dự án nguồn điện (Bài 2)

14:37 | 25/12/2013

631 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tổng nhu cầu đầu tư giai đoạn 2016-2020 dự kiến khoảng 750 ngàn tỉ đồng thì 500 ngàn tỉ đang được đàm phán thỏa thuận vay vốn còn 250 ngàn tỉ vẫn đang tìm kiếm đối tác. Trong khi đó, EVN chưa được đánh giá tín dụng, hạn mức vay các ngân hàng, tổ chức tài chính trong nước đã vượt mức từ lâu, vốn ODA (Official Development Assistance - hỗ trợ phát triển chính thức) thì giải ngân hạn chế, trong thời gian dài. Vậy giải pháp nào để EVN đầu tư các dự án nguồn điện?

Năng lượng Mới số 285

Bài 2: EVN thu xếp vốn đến năm 2015

Năm 2011, khi xây dựng kế hoạch đầu tư 5 năm, EVN mới thu xếp được khoảng 315.220 tỉ đồng (gần 62% tổng nhu cầu), nguồn vốn còn thiếu chưa thu xếp được khoảng 186.250 tỉ đồng. Cho đến nay, EVN đã thu xếp, ký kết được các hợp đồng vay vốn với các ngân hàng thương mại trong nước và nước ngoài với các tổ chức tài chính quốc tế đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho các dự án nguồn điện trong giai đoạn 2011-2015. Do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế thế giới trong những năm qua, vốn đầu tư để EVN xây dựng các dự án nguồn điện, trả nợ gốc và lãi vay giai đoạn 2016-2020 chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn bất lợi không thể lường trước. Theo tính toán của EVN, tổng nhu cầu vốn vay dự kiến khoảng 750 ngàn tỉ đồng, trong đó nhu cầu cho dự án nguồn điện khoảng 318.600 tỉ đồng, chiếm 57,7%. Như vậy, riêng với các dự án nguồn điện để đáp ứng mục tiêu đầu tư theo Quy hoạch điện VII, dự kiến tổng nhu cầu vốn EVN cần thu xếp để đầu tư các dự án nguồn điện trong 7 năm tới lên đến khoảng khoảng 542 ngàn tỉ đồng.

Các dự án nhiệt điện của EVN hầu hết phải gia hạn hoàn thành do thiếu vốn

Hiện nay, EVN đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận và thu xếp vốn đầu tư cho các dự án nguồn điện mới từ các nguồn vốn vay và ngay cả nguồn vốn tự tích lũy. Một số bất khả thi đã bộc lộ khi tiếp cận các nguồn vốn vay như các dự án nguồn điện có tổng mức đầu tư rất lớn nên phải thực hiện theo hình thức tổng tài trợ. Trong khi đó, hầu hết các ngần hàng trong nước cho EVN vay đều đã vượt giới hạn mức tín dụng đối với 1 khách hàng, vì vậy mỗi khi các ngân hàng muốn cho EVN vay thêm đều phải trình Thủ tướng Chính phủ cho phép, có sự bảo lãnh của Chính phủ thì mới tiến hành giải ngân. Mặt khác, đối với vốn vay ưu đãi thì tổng nguồn vốn không lớn trong đó ưu tiên bố trí vốn cho các chương trình, dự án trọng điểm cần khuyến khích đầu tư. Bởi vậy nguồn vốn trong nước để EVN có thể vay để đầu tư các dự án nguồn điện đang bị hạn chế, gần như đến tình trạng có thể tan vỡ bất cứ lúc nào.

Đối với nguồn vốn ODA, EVN cũng bị hạn chế theo chương trình của nhà tài trợ và Chính phủ. Thực tế, mỗi nhà tài trợ chỉ phân bổ cho ngành,  quốc gia một số tiền nhất định trong năm. Sau đó, dựa vào số tiền được phân bổ mà chủ đầu tư tìm các dự án phù hợp khiến các dự án nguồn điện cấp bách gặp nhiều bất lợi. Mặt khác, công tác chuẩn bị, giải ngân dự án thường kéo dài do liên quan đến nhiều cơ quan, bộ, ngành nên ODA không phù hợp với các dự án cấp bách đầu tư của EVN. Đối với các khoản vay song phương, thủ tục không thống nhất giữa các nhà tài trợ (thường bị ràng buộc về nguồn gốc thiết bị, tỷ lệ hàng hóa xuất xứ nội địa…), các ngân hàng thương mại thì ràng buộc về thời gian, tỷ lệ lãi suất, các loại phí, thủ tục… Ngân hàng đơn phương cũng không thể cung cấp vốn cho toàn bộ dự án nguồn điện (khoảng 1 tỉ USD) mà phải kêu gọi liên doanh liên kết với ngân hàng khác.

Một bất lợi lớn cho tiến trình thu xếp vốn là cho đến nay, EVN vẫn chưa được đánh giá mức độ tín dụng. Bởi vậy EVN vẫn thường phải vay qua bảo lãnh của Chính phủ. Đồng thời thiếu vốn tích lũy, phải đầu tư dàn trải nên EVN không đạt tỷ lệ đầu tư 25% trên từng dự án. Bởi vậy EVN không đáp ứng đủ yêu cầu, quy định xét vay vốn của các tổ chức tín dụng lớn trên thế giới như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á… và rất khó khăn cho việc đàm phán để vay thêm các khoản vay mới.

Ông Dương Quang Thành - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết: “Trong thời gian qua, công tác thu xếp vốn và đầu tư xây dựng các dự án điện của EVN gặp không ít khó khăn do tác động của khủng hoảng tài chính thế giới tác động đến tài chính Việt Nam. Hoạt động sản xuất kinh doanh điện và đầu tư của EVN chịu ảnh hưởng lớn, các yếu tố rủi ro tăng cao như giá nhiên liệu, biến động tỷ giá ngoại tệ, cơ cấu sản lượng điện phát, chính sách tín dụng, tiền tệ. Khối lượng đầu tư nguồn và lưới điện trong Quy hoạch điện VII đòi hỏi nhu cầu vốn quá lớn. Trong khi đó, giá điện chưa thu hút đầu tư, tình hình tài chính của Tập đoàn lại đang trong tình trạng lỗ kéo dài nên việc huy động vốn đầu tư càng trở nên khó khăn…”. 

Mặc dù trong 3 năm qua, EVN với sự hỗ trợ của Chính phủ đã thu xếp được 444.520 tỉ đồng, đảm bảo đủ vốn đầu tư xây dựng nguồn điện đến năm 2015. Nhưng để giải quyết vấn đề vốn đầu tư nguồn điện cho EVN trong tương lai, đảm bảo kinh doanh có lãi, cần Chính phủ nhanh chóng đẩy mạnh tái cơ cấu EVN, xây dựng chính sách giá điện hợp lý, hoàn thiện thị trường bán điện cạnh tranh… mới có thể tạo động lực để EVN độc lập, tự chủ và phát triển bền vững. 

>> Vốn cho các dự án nguồn điện (Bài 1)

Công Tùng