Vietnam’s Next Top Model: Giám khảo không tôn trọng thí sinh?

16:44 | 03/10/2012

1,001 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trong mỗi cuộc thi, ban giám khảo không những là thành phần được xem trọng về kiến thức, nội dung thi mà còn cả về cách ứng xử, giao tiếp với người dự thi.

Đặc biệt, đối với những cuộc thi được phát trực tiếp trên truyền hình hoặc quảng bá rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng, càng phải cần như vậy. Bởi bên cạnh việc thể hiện trình độ, sự sáng suốt... của ban giám khảo, nó còn chứng minh chất lượng, “đẳng cấp” của cuộc thi, để từ đó khán giả nhìn vào như là bài học cho mình dưới góc độ kiến thức và văn hóa. Nhưng có lẽ không phải cuộc thi nào cũng như vậy.

Vietnam’s Next Top Model là một chương trình tìm kiếm người mẫu Việt chuyên nghiệp được phát trên truyền hình vào Chủ nhật hằng tuần đã đi qua 3 mùa giải với sự “nóng bỏng” không chỉ vì đây là nghề “hot” hiện nay mà còn bởi sự khắc nghiệt, gian khó của nghề thể hiện qua chương trình. Chương trình sẽ càng ngày càng thu hút khán giả, nhất là với giới trẻ nếu như ban giám khảo vẫn được gọi là “bộ tứ quyền lực” gồm người mẫu danh tiếng Xuân Lan, Giám đốc sáng tạo Nam Trung, nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường và nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Nam không phải gồng mình để nói những lời gay gắt, nặng nề đến nỗi có cảm giác như “hắt nước vào mặt”, hoặc “vỗ mặt” khi nhận xét về từng thí sinh.

Bộ tứ quyền lực của chương trình Vietnam’s Next Top Model

Vẫn biết, nghề người mẫu là gian nan, khắc nghiệt nhưng khắc nghiệt, gian nan ở việc luyện tập, những yêu cầu đòi hỏi ở một người mẫu... chứ không phải ở cách nói của ban giám khảo. Cách nói ấy, thay vì thể hiện, điều đó lại mang hiệu ứng ngược, làm cho chương trình văn hóa mất đi ít nhiều giá trị văn hóa, làm cho “hình mẫu” của mỗi giám khảo cần phải được đặt lên bàn cân để xem xét lại về sự tôn trọng, văn hóa ứng xử đối với thí sinh trong đánh giá, nhận xét, nhất là đối với hai giám khảo được nhiều khán giả gọi vui là “sát thủ” Xuân Lan và Nam Trung. Có thể thí sinh non nớt, thiếu kinh nghiệm, thậm chí “chậm hiểu” trong phần thi nhưng như thế không có nghĩa ban giám khảo được phép nói những lời làm tổn thương, xúc phạm họ, nhất là trong chương trình được truyền hình rộng rãi. Bởi có như vậy, thí sinh mới cần đến giám khảo để được hướng dẫn, chỉ bảo... Chuyện đó cũng dễ hiểu. Như một học sinh lớp 1 lần đầu tiên đến lớp, sự dìu dắt, dạy dỗ... của giáo viên phải tốn công sức hơn nhiều so với những học sinh đã đi học khác. Còn nếu không học được, học sinh sẽ bị đúp. Còn ở Vietnam’s Next Top Model thì thí sinh bị loại.

Có dễ nghe không khi chương trình nào cũng thấy người mẫu Xuân Lan trong nét mặt, trong thái độ lạnh như... băng, rất “người máy” khi dùng những lời đao to búa lớn, gay gắt, không miệt thị nhưng lại là miệt thị đối với thí sinh như: “Nhìn bức ảnh này của em, không còn gì để nói, cầm về đi”. Và mỗi lần chứng kiến thái độ ấy của vị giám khảo có tiếng nói gần như trọng lượng nhất chương trình trước màn hình, không ít khán giả bình luận đó không phải là mối quan hệ giám khảo - thí sinh mà là mẹ với con, trong đó vai trò người mẹ không ai khác là giám khảo Xuân Lan. Có khán giả còn phẫn nộ, bất bình hơn khi cho rằng: “Không lẽ vinh quang của nghề người mẫu còn đồng nghĩa với biết chịu... nhục!”.

Thí sinh Ngọc Thúy được Giám đốc Sáng tạo Nam Trung chỉ dẫn “nhặt lá đá ống bơ”

Như Xuân Lan, Giám đốc sáng tạo Nam Trung cũng thường xuyên đưa ra những hướng dẫn tưởng rằng hài hước, “sáng tạo” đúng như vai trò của anh nhưng thực ra lại đầy ngụ ý làm tổn thương, “hạ nhục” thí sinh. Chẳng hạn, trong phần thi của tập 5 là chụp ảnh theo chủ đề “Chào buổi sáng”. Theo yêu cầu của bán giám khảo, phần thi này các thí sinh phải diễn mà không được diễn, bình dị, tinh tế và quyến rũ trong tâm hồn. Phải kể một câu chuyện với “bạn diễn” là gió, nắng, thác nước, thảm cỏ xanh, cọ trang điểm, máy sấy tóc, ly cà phê... thật tự nhiên.

Khi thực hiện phần thi, thí sinh Ngọc Thúy với bó hoa ôm trên tay đang loay hoay tìm cho mình cảm xúc cũng như cách diễn ấn tượng trước ống kính thì Giám đốc sáng tạo Nam Trung luôn miệng chỉ dẫn: “Tung hoa, đá lá muốn làm gì thì làm. Rồi, giờ em đi nhặt lá nè, rồi cài lên mái tóc nè. Em có thấy ống bơ không? Em đá luôn đi... Em phải làm chủ cơ thể của mình chứ... Người ta bảo nhặt lá đá ống bơ là gì em có biết không?”. Chắc có thể vì tâm lý và có lẽ cũng chưa bao giờ biết câu nói ám chỉ đối với người bị tâm thần, bị điên của người miền Bắc nên thay vì nhận ra vị giám khảo mỉa mai, nói “kháy” mình, Ngọc Thúy lại thật thà làm theo và cố gắng tìm chiếc ống bơ để đá. Cô chia sẻ: “Anh Nam Trung kêu tôi nhặt hoa, nhặt lá cài lên tóc, tôi cũng nhặt hoa, nhặt lá cài lên tóc... Anh Nam Trung kêu tôi đá ống bơ, tôi cũng loay hoay tìm ống bơ đâu để đá. Tôi cũng không biết câu của anh Nam Trung nói có nghĩa là gì. Vì trong lúc chụp hình tôi tưởng tôi làm rụng lá nên anh Nam Trung kêu tôi làm vậy...”.

Với thí sinh Kha Mỹ Vân, Nam Trung cũng dùng lời lẽ tương tự: “Bớt cái miệng lại cho cái răng nó vừa đủ hơn và con mắt nó híp tịt lại cho anh xem nào...”.

Không thể chấp nhận được lối nói thô thiển và thiếu văn hóa của giám khảo Nam Trung! Bởi hơn ai hết, giám khảo Nam Trung phải hiểu rằng, chương trình anh đang tham gia là một chương trình được truyền hình phát sóng trên toàn quốc, có quy mô quốc gia, hơn nữa, vị trí anh đang ngồi là một vị trí... đáng kính, vì vậy phải phát ngôn và sử dụng những từ ngữ chuẩn mực, ứng xử chuẩn mực của một người không chỉ có kiến thức, kinh nghiệm của nghề mà còn phải có văn hóa chứ không thể sử dụng ngôn ngữ tầm thường, bỗ bã ngoài đường phố... Không hiểu có phải vì Nam Trung đang làm việc, “sáng tạo” trong một môi trường chỉ toàn ngôn ngữ như vậy nên anh muốn thể hiện cho công chúng biết, đồng thời rèn luyện cho các thí sinh làm quen, thích ứng với cách cư xử đó nếu muốn trở thành người mẫu thực sự? Và đó phải chăng cũng chính là sự khắc nghiệt, gian nan của nghề mà Nam Trung cùng các vị giám khảo khác muốn thể hiện qua chương trình?

Vốn đã là cuộc thi đầy áp lực và căng thẳng do đòi hỏi nhiều kỹ năng về diễn xuất, sự cảm nhận tinh tế và việc đấu loại trực tiếp ngay sau khi thi... Cho nên, thiết nghĩ ban giám khảo của Vietnam’s Next Top Model nên nói những lời không những khơi dậy sự sáng tạo, trở thành nguồn cảm hứng của thí sinh mà còn phải biết tôn trọng thí sinh, thay vì làm tổn thương, thui chột thí sinh, đồng thời làm cho chương trình trở thành một chương trình chan chứa nước mắt như hiện nay. 

Trước câu hỏi vì sao chương trình Vietnam’s Next Top Model luôn có nhiều cảnh khóc lóc, đại diện của nhà sản xuất cho biết: “Để có được 45 phút phát sóng, êkíp sản xuất gồm hơn 100 thành viên phải làm việc liên tục từ 3-4 ngày cho nhiều phần quay hình khác nhau. Nhất là trong những vòng đánh giá và loại, các thí sinh chịu áp lực rất lớn từ những quyết định đi hay ở từ ban giám khảo. Vì thế không khí trường quay rất căng thẳng... Dù trong cuộc thi này, các thí sinh là những đối thủ cạnh tranh khốc liệt nhưng họ cũng là những người bạn của nhau, cùng nhau chia sẻ những khó khăn thử thách trên hành trình chinh phục giấc mơ trở thành người mẫu chuyên nghiệp. Vì vậy, những tình cảm mà khán giả truyền hình thấy các bạn thí sinh dành cho nhau, giữa ban giám khảo dành cho các thí sinh trong suốt quá trình quan sát hoàn toàn là những cảm xúc thật”...

Xuân Bách

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.