Vỉa hè Hà Nội sẽ không còn bị đào bới bừa bãi?

16:48 | 15/08/2014

1,134 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trước thực trạng quản lý và sử dụng vỉa hè còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với đầu tư, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã kiến nghị UBND TP giao toàn bộ vỉa hè về một mối trong công tác duy tu.

Thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa qua đã nêu rõ, tại 4 quận nội thành (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng) từ năm 2011-2013, đã chi 1.000 tỉ đồng để đầu tư, sửa chữa lại hè phố. Tuy nhiên, có một thực tế là, số tiền bỏ ra chưa tương xứng với chất lượng khi vỉa hè tại 4 quận này vẫn tồn tại tình trạng nhem nhuốc, bừa bãi. Đặc biệt là là tình trạng vỉa hè chưa làm xong đã bị đào bới, xuống cấp.

Không những thế, tình trạng phân cấp quản lý chồng chéo, không rõ ràng đã khiến việc quản lý, sử dụng vỉa hè tại nhiều tuyến đường không hiệu quả. Vỉa hẻ bị sử dụng sai mục đích vào việc đỗ xe gây mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị thường xuyên diễn ra.

Vỉa hè phố Hàng Bạc bị chiếm dụng làm nơi đỗ xe. 

Đưa quan điểm về vấn đền này, ông Vũ Văn Viện – Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội khẳng định, việc hư hỏng vỉa hè là do một số người dân thiếu ý thức trong quá trình sử dụng hè phố như gia công sắt trên vỉa hè, xây dựng công trình dân dụng, tập kết vật liệu… dẫn đến một số điểm hè phố bị bong bật. Ngoài ra, việc hoàn trả mặt vỉa hè của một số đơn vị sau khi thi công hạ ngầm chưa tốt đã làm một số điểm hè phố bị lún sụt.

Bên cạnh đó, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cũng cho rằng, kết cấu của các tuyến hè khi thiết kế cải tạo dành cho người đi bộ, nhưng thực trạng các phương tiện tham gia giao thông khi bị ùn tắc hay khi đường bị úng ngập đã đi lên hè. Đó là chưa kể đến tình trạng một số tuyến gạch bị vỡ do tình trạng đỗ xe ô tô trên hè, trong đó có cả xe tải, nhưng chưa được gia cố kết cấu phù hợp. 

Ngoài ra, các ngành chưa đồng bộ với nhau khi cải tạo hè. Tình trạng xin đào vỉa hè chạy đường dây và ống cấp nước nguồn sau khi đã xây dựng xong vỉa hè là tình trạng thường xuyên diễn ra. Điều này đã gây lãng phí và phản ứng xã hội, dẫn đến chất lượng hè nhanh chóng xuống cấp.

Ngoài ra, còn có những nguyên nhân khách quan như hè phố bị gốc cây to phát triển; ga cống bể sụt lún, xuống cấp dẫn đến làm hư hỏng hè phố… các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình ngầm nổi trên hè chưa được quản lý chặt chẽ, dẫn đến việc quản lý, bảo trì không được thường xuyên, tạo ra nhiều bất cập, ảnh hưởng tới hè phố.

Ông Vũ Văn Viện nói, từ năm 2006 đến nay, UBND các quận, huyện, thị xã được giao duy tu duy trì trên toàn bộ các tuyến hè phố do quận quản lý. Do vậy, chất lượng hè phố thuộc trách nhiệm của các quận. Việc quản lý, bảo trì hè tại các quận được giao cho nhiều đơn vị trực thuộc (UBND phường hoặc Ban Quản lý dự án) dẫn đến việc quản lý không thống nhất. Tại một số quận huyện, trong hợp đồng đặt hàng quản lý, bảo trì hệ thống hè không có công tác tuần tra, dẫn đến việc phát hiện những tồn tại trên hè phố có nơi có lúc còn chưa kịp thời. Từ năm 2013, Hà Nội giao Sở Giao thông Vận tải quản lý, duy tu 91 tuyến hè phố.

Vỉa hè "năm cha ba mẹ" quản lý dẫn đến tình trạng bị đào bới mà không một cơ quan nào lên tiếng.

Trước tình trạng nhiều cơ quan chức năng tham gia quản lý, duy tu hè phố dẫn đến việc trách nhiệm khi xảy ra sự việc không rõ ràng, Sở Giao thông Vận tải kiến nghị thành phố hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy hướng dẫn công tác quản lý, đầu tư, khai thác sử dụng hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo hướng đồng bộ, nhất quán, quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị.

Trước thực trạng trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng đã đồng ý với những đề xuất của Sở Giao thông Vận tải, đồng thời giao các Sở, ngành, địa phương có liên quan nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy về  đầu tư, quản lý, khai thác sử dụng hạ tầng hè phố theo hướng đồng bộ, thống  nhất. Khẩn trương hoàn thành thiết kế mẫu hè phố đảm bảo chất lượng, phù  hợp với công năng sử dụng, mỹ quan đô thị.

Thiên Minh