Vì sao Thủ tướng yêu cầu rà soát chất lượng giáo sư, phó giáo sư?

17:17 | 09/02/2018

795 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) và Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước liên quan việc bổ nhiệm chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS).  

Công văn nêu rõ, sau khi Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước công bố danh sách ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017, nhiều thông tin phản ánh số lượng ứng viên đạt tiêu chuẩn tăng đột biến so với các năm trước.

Từ đó, dư luận lo ngại về chất lượng (như không có đủ bài báo khoa học, thời gian giảng dạy, nghiên cứu khoa học...), một số thành viên hội đồng có rất ít (thậm chí không có) công bố nghiên cứu khoa học quốc tế. Không ít thông tin cho rằng có những dấu hiệu không bình thường khi thời gian nộp hồ sơ được kéo dài như một "đợt vét" trước khi có quy định mới về tiêu chuẩn GS, PGS và có ứng viên phải nộp hồ sơ trực tiếp tại văn phòng Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước.

vi sao thu tuong yeu cau ra soat chat luong giao su pho giao su
Công văn của Văn phòng Chính phủ gửi Bộ GD&ĐT và Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước

Vì thế, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng GD&ĐT và Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước nghiêm túc xem xét, rà soát kỹ lưỡng bảo đảm chất lượng theo quy định và báo cáo Thủ tướng trước ngày 20/2.

Có thể nói, nguyên nhân chính khiến Thủ tướng phải gấp rút yêu cầu Bộ GD&ĐT báo cáo chất lượng GS, PGS là bởi số lượng người được công nhận chức danh GS, PGS năm 2017 cao kỷ lục – 1.226 người. Trong khi đó, số ứng viên nộp hồ sơ là 1.537, trong đó có 151 ứng viên GS và 1.386 ứng viên PGS. Sau khi xét duyệt, Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước đã công nhận chức danh GS là 85 người, PGS là 1.141 người. Đây là con số cao nhất trong vòng 41 năm qua và đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có số lượng GS, PGS cao nhất Đông Nam Á.

vi sao thu tuong yeu cau ra soat chat luong giao su pho giao su
Lễ công bố quyết định công nhận chức danh GS, PGS năm 2016

Thế nhưng so với các nước trong khu vực, Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá xa về số lượng báo cáo khoa học quốc tế. Cụ thể, Thái Lan có số công bố gấp gần ba lần Việt Nam; Malaysia gấp bốn lần; còn Singapore gấp tới gần năm lần. Với tốc độ hiện tại, nhiều nhà khoa học dự đoán Việt Nam cần đến hơn nửa thế kỷ nữa để đuổi kịp năng suất của Thái Lan, Malaysia chứ chưa nói đến Singapore hay các nước tiên tiến trên thế giới.

Thống kê cho thấy trong số 85 GS được xét duyệt lần này, có 56 GS có bài báo đăng trên tạp chí ISI (Viện Thông tin khoa học Mỹ) và Scopus (cơ sở dữ liệu thư mục chứa bản tóm tắt và trích dẫn các bài báo khoa học trên thế giới) với số lượng 924 bài, chiếm gần 66%. Tính trung bình 16,5 bài/GS. Như vậy, khoảng 34% GS được xét duyệt năm 2017 không có bài báo khoa học đăng trên các tạp chí nổi tiếng quốc tế.

Ngoài ra, 11 ngành trong tổng số 28 ngành có giáo sư được phong lần này không có bài báo ISI/Scopus nào, bao gồm tâm lý, ngôn ngữ, giáo dục học, công nghệ thông tin, luật học…

Không chỉ có số lượng báo cáo quốc tế ít ỏi, các sáng chế phục vụ cộng đồng của các GS, PGS cũng hầu như “vắng bóng”. Trong khi một số nông dân, chưa học hết cấp 3 đã có những sáng chế mang tầm quốc tế như anh Phạm Văn Hát ở Tứ Kỳ, Hải Dương; thì các đề tài nghiên cứu của các “trí thức” đang bị coi là xa rời thực tế, thậm chí là “vô dụng” như “Đặc điểm giao tiếp với dân của chủ tịch xã”, “Nghệ thuật chữ trong thiết kế bìa sách…”, “Hành vi nịnh trong Tiếng Việt”... hay cải cách chữ viết của PGS Bùi Hiền.

Có thể nói, việc công nhận chức danh GS, PGS đang được xem là một trong những “khúc mắc” lớn nhất của ngành giáo dục cuối năm 2017. Để có một nền khoa học tiên tiến, phát triển, việc có nhiều GS, PGS là điều cần thiết; tuy nhiên, nếu các nhà khoa học không có nghiên cứu chất lượng, thậm chí chỉ “ghi tên đánh trống” thì… không cần cũng được!

V.Tâm