Vì sao Kerry?

07:00 | 26/12/2012

2,253 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Tổng thống Barack Obama hôm 21/12 đã đề cử Thượng nghị sĩ John Kerry làm Ngoại trưởng Mỹ, thay thế bà Hillary Clinton, người sẽ rời khỏi nội các của Chính phủ Obama vào đầu năm tới. Nhiều người cho đây là một sự trả ơn của ông Obama với người đã dẫn dắt ông bước vào chính trường để rồi liên tiếp đảm nhận hai nhiệm kỳ tổng thống Mỹ.

Từ sáng sớm ngày 21/12, Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain đã khéo léo cho biết ông được tin “Tổng thống chọn bạn tôi là ông John Kerry làm ngoại trưởng”, ông nói thêm “nội trong ngày hôm nay tổng thống sẽ thông báo quyết định đó”. Vẫn theo ông McCain “chúng tôi biết nhau, làm việc với nhau trong nhiều năm trời và mọi người đều tin tưởng ông John (Kerry) đủ khả năng để làm tròn trách nhiệm đầy khó khăn mà ông đảm nhận”.

Sau ông McCain là Lindsey Graham, Thượng nghị sĩ Cộng hòa đại diện cho tiểu bang South Carolina nói: “Tôi xem quyết định chọn ông Kerry làm ngoại trưởng là quyết định hợp lý nhất. Ông Kerry có rất nhiều kinh nghiệm, làm thành viên và giữ vai trò Chủ tịch Ủy ban Ðối ngoại Thượng viện trong nhiều năm trời, quen biết rất nhiều các nhà lãnh đạo các quốc gia có quan hệ ngoại giao với Mỹ, do đó khi ông đặt chân tới bất kỳ quốc gia nào, lãnh đạo và dân chúng của quốc gia đó phải kính trọng ông”. Thượng nghị sĩ Graham nói thêm “dù về chính sách tôi và ông Kerry không đồng quan điểm với nhau ở nhiều chỗ, nhưng tôi vẫn phải nói quyết định chọn ông Kerry làm Ngoại trưởng Mỹ là quyết định đúng đắn nhất”.

Vị nghị sĩ đảng Dân chủ 67 tuổi này chỉ còn chờ sự phê chuẩn của đồng sự ở Thượng viện, điều mà theo các giới phân tích, rằng ông sẽ được biểu quyết dễ dàng. Ông được xem là người đầu tiên của những khuôn mặt mới trong Hội đồng An ninh quốc gia, trong đó có 1 Bộ trưởng Quốc phòng và 1 Giám đốc Cơ quan tình báo Mỹ (CIA).

Phó tổng thống Joe Biden đứng nhìn Tổng thống Barack Obama bắt tay và thông báo đề cử Thượng nghị sĩ John Kerry làm Ngoại trưởng Mỹ kế tiếp. Buổi lễ diễn ra tại phòng Roosevelt ở Nhà Trắng, hôm 21/12/2012

Mặc dù nhấn mạnh tới việc theo Hiến pháp quy định, ông Kerry vẫn phải được Thượng viện thông qua, nhưng cả hai ông McCain và Graham đều tin “không có gì trở ngại”, ý muốn nói vị nghị sĩ đồng viện của họ là người được mọi người bỏ phiếu tín nhiệm. Ðiều đó đã được bà Nghị sĩ Kelley Ayotte của tiểu bang New Hampshire nói cách đây 2 tuần nói rằng: “Tổng thống Obama sẽ gặp khó khăn nếu đề cử bà (Ðại sứ Liên Hiệp Quốc) Susan Rice, còn nếu đề cử ông Kerry thì mọi chuyện sẽ thuận buồm xuôi gió”.

Chính vì muốn thuận buồm xuôi gió nên Tổng thống Obama đã quyết định chọn ông Kerry thay vì đề cử bà Rice. Theo tin hành lang Nhà Trắng, ban đầu Tổng thống Obama thật lòng muốn chọn Rice để thế chỗ bà Hillary Clinton.  Nhưng vai trò “ngôi sao” của bà bị lu mờ khi bà gặp nhiều chỉ trích về cách diễn giải của mình cho vụ thảm sát tại Lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi, Libya, ngày 11/9 vừa qua, làm Đại sứ Christopher Stevens và 3 người Mỹ khác thiệt mạng. Phe Cộng hòa tố giác bà Rice giải thích sai lệch vụ thảm sát, cho rằng vụ này là tự phát do những người chống đối bộ phim Mỹ nhạo báng đạo Hồi thực hiện. Các nghị sĩ cấp cao đảng Cộng hòa - trong đó có Thượng nghị sĩ John McCain - cam kết phản đối nếu ông Obama đưa tên bà Rice lên Thượng viện để thông qua. Ông McCain - một trong những người chỉ trích bà Rice nhiều nhất - nói rằng, lúc đó đã có bằng chứng rõ rệt là một vụ khủng bố và chê bà Rice kém năng lực. Kết quả là đầu tháng 12 vừa qua, bà Susan Rice đã xin rút tên khỏi danh sách đề cử vị trí Ngoại trưởng Mỹ.

Dù vậy khi giới thiệu ông Kerry với mọi người, Tổng thống Obama nói rằng, “dưới một góc nhìn nào đó, John (Kerry) đã dành cả cuộc đời của ông để chuẩn bị cho vai trò này”. Ông Obama cũng bảo trong suốt 30 năm qua, ông Kerry “đã giữ một vai trò quan trọng trong tất cả những cuộc thảo luận về chính sách ngoại giao”.

Dù không nói ra nhưng Tổng thống Obama cũng biết, đề cử ông Kerry sẽ được Thượng viện bỏ phiếu thông qua một cách dễ dàng và đây cũng là cơ hội để người lãnh đạo quốc gia trả ơn cho chính trị gia nổi tiếng của đảng Dân chủ đã cho ông cơ hội xuất hiện ở chính trường quốc gia. Khởi đầu bằng bài diễn văn tự giới thiệu mình tại Ðại hội Ðảng Dân chủ năm 2004 khi ông Kerry được đảng chọn ra tranh cử tổng thống, kế đến là những nỗ lực giúp ông Obama tranh cử thượng nghị sĩ đại diện cho tiểu bang Illinois, sau đó là người dẫn dắt ông ở Thượng viện Liên bang trước khi tuyên bố ủng hộ ông Obama tranh chức tổng thống vào năm 2008. Sau ông Obama đắc cử, ông đóng nhiều vai trò khác nhau như “cố vấn bán chính thức” hay “đặc sứ bán chính thức” của tổng thống trong nhiều chuyến đi vận động ngoại giao, và cũng là người đã giữ một vị trí không nhỏ giúp ông Obama tái đắc cử nhiệm kỳ thứ nhì, đóng vai ứng viên Cộng hòa Mitt Romney trong những buổi tập tranh luận.

Hầu hết những điều đó được Tổng thống Obama nhắc lại trong bài diễn văn giới thiệu ông tân Ngoại trưởng Mỹ, từ chuyện ông Kerry từng tham chiến ở Việt Nam sau đó giúp thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 quốc gia từ thời Tổng thống Dân chủ Bill Clinton, đến những chuyến đi dưới danh nghĩa đại diện bán chính thức cho nhà lãnh đạo nước Mỹ. Những chuyến đi này đưa ông Kerry tới Afghanistan hồi 2009 để thuyết phục ông Hamid Karzai chấp nhận kết quả cuộc bầu cử vòng đầu, cho đến chuyến đi sang Pakistan để vận động Chính phủ Islamabad trả lại xác chiếc trực thăng bị rơi khi Mỹ mở cuộc hành quân chớp nhoáng giết chết trùm khủng bố Osama bin Laden. Ngay cả lúc Washington gặp khó khăn vì không biết phải can dự như thế nào vào cuộc tranh đấu đòi Dân chủ của người dân quốc gia đồng minh Ai Cập, ông Kerry cũng được gửi sang Cairo, trở thành vị dân cử Mỹ đầu tiên tiếp xúc với ông Mohamed Morsi trước và sau ngày ông Morsi đắc cử tổng thống.

Sau khi buổi lễ ở Nhà Trắng kết thúc, Văn phòng Ngoại trưởng Mỹ cho phổ biến lời phát biểu của bà Clinton, trong đó cũng nhắc lại chuyện “Tổng thống Obama và tôi thường hay yêu cầu ông Kerry giúp đảm trách những chuyến đi mang tính cách tế nhị ngoại giao và gửi những thông điệp khó khăn (mà Mỹ muốn nhắn gửi đến các nhà lãnh đạo những nước bạn)”. Thông cáo này cũng cho thấy bà đương kim Ngoại trưởng Mỹ vừa mừng vừa an tâm khi được thông báo ông Kerry nhận lời điều khiển ngành ngoại giao.

Một điểm đáng chú ý: Đây là lần đầu tiên vai trò ngoại trưởng được tiếp nối bởi 2 chính trị gia từng có lúc nuôi mộng trở thành tổng thống. Hồi năm 2004, ông John Kerry thua ông George W. Bush, 4 năm sau đó bà Hillary Clinton thua ông Barack Obama trong vòng bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ.

Thượng nghị sĩ Kerry từng tham chiến ở chiến trường Việt Nam. Sau khi trở về, ông tham gia tuần hành chống chiến tranh Việt Nam ở Washington DC hồi tháng 5/1971. Sau cuộc chiến, ông nổi tiếng là người có chủ trương xích lại gần Việt Nam. Năm 1992, ông cùng một số giới chức đi sang Hà Nội để bàn về vấn đề tù binh chiến tranh và lính Mỹ bị mất tích.

Andrew Billo, phụ tá giám đốc về các chương trình chính sách của Asia Society, trong một cuộc phỏng vấn gần đây nói rằng, nhìn chung đảng Dân chủ đang có nhiều nỗ lực hơn trong việc cải thiện quan hệ Mỹ - Việt. Ông Billo nhận xét: “Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Hillary Clinton đang thừa hưởng di sản hợp tác của đảng Dân chủ với Việt Nam từ sau chuyến thăm lịch sử của cựu Tổng thống Bill Clinton vào năm 2000. Một khi ông Kerry trở thành Ngoại trưởng, sự hợp tác giữa hai nước càng gần nhau hơn, nhờ sự tôn trọng ông dành cho Việt Nam và nỗ lực của ông nhằm dỡ bỏ lệnh cấm vận vào năm 1994”.

Liên quan tới căng thẳng tại Biển Ðông, Ủy ban Ðối ngoại thượng viện Mỹ hồi tháng 5 có mở phiên điều trần nằm trong nỗ lực vận động thông qua Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS), vốn đã có từ 30 năm qua. Tại đây, ông Kerry phát biểu: “Trung Quốc và một số nước khác đang đưa ra những đòi hỏi không hợp pháp ở Biển Ðông và các vùng biển khác trên thế giới. Tham gia vào công ước sẽ lập tức nâng cao uy tín của Mỹ, trong khi chúng ta có thể đẩy lùi những đòi hỏi chủ quyền quá đáng và những lệnh cấm thiếu tính cách hợp pháp đối với tàu chiến lẫn thương thuyền của chúng ta”.

H.Phan