Vì sao gọi Tết Đoan Ngọ là ngày "giết sâu bọ"?

11:27 | 06/06/2019

2,764 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ở Việt Nam, ngày Tết Đoan Ngọ còn được gọi là "ngày giết sâu bọ" vì trong dân gian cho rằng khi ăn món ăn đầu tiên trong ngày này thì sâu bọ, giun sán trong người sẽ bị chết hết.

Tục "giết sâu bọ" ở đây phải được hiểu không phải giết sâu bọ phá hoại mùa màng mà là giết "sâu bọ" trong con người của ta.

vi sao goi tet doan ngo la ngay giet sau bo
Người dân Việt Nam háo hức đón Tết Đoan Ngọ.

Theo quan niệm của người xưa thì trong mỗi con người của chúng ta, trong lục phủ ngũ tạng đều có "sâu bọ", nhất là trong bộ phận tiêu hóa. Nếu hằng năm không trừ đi, "sâu bọ" sẽ đem lại bệnh tật, tai ách cho con người.

Nhưng sâu bọ trong con người rất khó trừ và không phải khi nào cũng giết được. Theo suy nghĩ của người xưa, sâu bọ thường ẩn trong bụng, chỉ đến ngày mồng năm tháng năm mới "rủ nhau" bò lên tập trung trên ruột nên phải tìm cách giết đi. Vì thế vào ngày này, mọi người thường dậy sớm ăn rượu nếp và các loại hoa quả theo mùa như mận, vải, đào để "diệt" sâu bọ.

Cứ vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm, người Việt lại đón Tết Đoan Ngọ. Tết Đoan Ngọ bắt đầu từ giữa trưa. Theo quan niệm của người xưa, đây là thời điểm khí dương thịnh nhất trong ngày cũng như trong năm vì ngày trong tháng năm là ngày dài nhất, “tháng năm chưa nằm đã sáng”.

Xưa kia, vào ngày mùng 5 tháng 5, người dân sống bằng nghề nông thường tổ chức lễ cúng trời đất khi bước vào một tiết mới. Ngoài ra mùa hè tiết trời oi bức, dịch bệnh phát sinh, người xưa cho là trời phạt nên thành tâm chuẩn bị lễ cúng để cầu xin sức khỏe và một mùa vụ bội thu.

Ngày nay, vào ngày Tết Đoan Ngọ các gia đình dậy sớm, tất bật mua sắm, chuẩn bị lễ cúng (cúng chay hoặc cúng mặn). Sau khi tạ lễ, thụ lộc, mọi người quây quần bên nhau trò chuyện vui vẻ và cùng hướng đến một mùa hè tốt đẹp.

Người xưa cũng cho rằng ngày này là ngày khí dương lên đến cực thịnh, điểm cao nhất là vào giữa trưa, tức giờ ngọ. Đây là giờ nóng nhất trong ngày và trong năm. Lúc đó mặt trời sẽ rọi những tia nắng nóng làm cho lá cây biến đổi mang những dược tính đặc biệt, được kết tinh và cô đọng lại mà những ngày khác không thể có.

Những lá cây này ngày thường có thể dùng để trị bệnh thông thường như đau đầu, đau nhức xương khớp, cảm mạo, xây xẩm mặt mày... Những lá cây này được hái đem về nhà phơi khô, sắc uống khi có bệnh. Cũng bởi vì quan niệm như vậy mà người dân còn có tục lệ hái thuốc vào ngày Tết Đoan Ngọ hoặc cho trẻ tắm bằng nước nấu từ lá ngò - loại lá giúp cơ thể tăng sức đề kháng.

Ngày nay, tập tục ngày Tết Đoan Ngọ ít nhiều thay đổi, chẳng mấy ai còn nghĩ đến tục lệ hái thuốc nữa mà ngày này trở thành một ngày để gia đình sum họp, quây quần bên nhau. Dẫu vậy nhưng ý nghĩa sâu xa của ngày Tết Đoan Ngọ vẫn được giữ nguyên, đó là ngày để người dân thể hiện sự cảm tạ với trời đất, với thiên nhiên.

Gần đây, giới trẻ có một cách nghĩ khá hay đó là ngày Tết Đoan Ngọ không phải với mục đích "diệt" sâu bọ trong người mà là ngày tổ chức "nịnh" sâu bọ, cho chúng ăn uống thoải thuê để đỡ gây hại cho chính khổ chủ của nó.

Tùng Dương

vi sao goi tet doan ngo la ngay giet sau bo

Người Hà Nội nô nức "diệt sâu bọ"...