Văn hóa ứng xử và quan hệ nghệ sĩ - công chúng
PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Nên đặt vấn đề vai trò của nhà quản lý
PV: Có một vấn đề đã được nói đi nói lại khá nhiều lần trong thời gian gần đây, đó là văn hóa ứng xử của các nghệ sĩ, đặc biệt là các nghệ sĩ trẻ. Không thiếu những trường hợp nghệ sĩ “tố” nhau trên mạng xã hội bằng ngôn ngữ chợ búa, các nghệ sĩ sẵn sàng đối đáp, cãi vã với đàn anh, đàn chị, thậm chí có người đã xúc phạm, thóa mạ người khác tới mức vô văn hóa. Ông có suy nghĩ gì về thực trạng này?
![]() |
PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Những ồn ào, tranh cãi, thậm chí là xô xát xảy ra trong giới showbiz thời gian vừa qua cho chúng ta thấy thực trạng phông văn hóa, nền tảng văn hóa của mỗi cá nhân của họ. Trong câu chuyện ứng xử, không gian ứng xử, tương tác với nhau trong quá trình làm việc đã nói rõ sự thiếu hụt về phương diện văn hóa của một nhóm lớn, trong số các nghệ sĩ, đặc biệt là trong giới showbiz. Những lùm xùm không đáng có trong các chương trình truyền hình thực tế (THTT), các game show lại được cho rằng, đó là những cú hích nhằm tạo sự chú ý của công chúng. Tôi cho rằng tự tâm người nghệ sĩ không thể nghĩ ra, vẽ ra các tình huống, kịch bản đến mức chuyên nghiệp, lành nghề nhằm tạo nên thương hiệu xung quanh những scandal. Có những tình huống xảy ra một cách tự nhiên, còn nếu khi đã được chú trọng tới mà vẫn để xảy ra sai sót thì chúng ta chỉ có thể cắt nghĩa rằng, đó là lỗ hổng ở phông văn hóa, là sự thiếu hụt từ những ứng xử cơ bản.
PV: Ai cũng biết, bất kỳ lời nói, hành động, ứng xử nào của nghệ sĩ đều luôn được khán giả để ý, nhất là trên ghế nóng game show. Và việc nở rộ các game show truyền hình nhưng thiếu sự kiểm soát chất lượng nội dung cũng đang khiến khán giả ngán ngẩm. Ông đánh giá thế nào về thực trạng loạn game show này?
PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Đúng là bây giờ nhà nhà thi nhau làm game show, THTT. Nhưng trong không ít trường hợp THTT, nói thẳng ra là một thứ hàng giả hiệu, đó không phải thực tế mà thực hiện y như kịch bản, đóng giả là thực tế và làm trực tiếp. Còn trách nhiệm của nhà đài, của giới quản lý từ bình diện sản xuất và chỉ đạo tiêu dùng những sản phẩm văn hóa ấy. Chúng ta khoan nói đến cơ quan quản lý nhà nước ở tầm vĩ mô.
Có thể thấy, công chúng đang chán ngán với quá nhiều game show và THTT. Tạp pí lù, hỗn loạn, xô bồ, thậm chí chen chúc, ý tưởng lấy lại lẫn lộn của nhau, rồi chương trình này cứ na ná chương trình kia… Trong bối cảnh thiếu kiểm soát như thế, thành thử những người nghệ sĩ, nói ra như một sự “bào chữa” cho họ, không ai giám sát mình, không ai đòi hỏi mình, không ai tuýt còi mình, đặc biệt trong thời gian vừa qua, nhiều nghệ sĩ còn được thể “sáng tạo”. “Sáng tạo” trong việc kiếm tìm một phong cách độc, lạ, mới mẻ, nhưng lại dễ kiếm, rẻ tiền và miễn là khác đời, khác người, dị biệt… Mà điều đáng buồn là có một bộ phận công chúng đón nhận những hình ảnh, chiêu trò thiếu đứng đắn này của họ. Scandal lại được tung hứng, lăng xê và vô hình trung, để tạo được thu hút của dư luận và những nghệ sĩ không muốn phải lao tâm khổ tứ quá nhiều vào nghề mà vẫn thu hút được dư luận sẽ chọn và học theo “phương cách” này.
PV: Giới trẻ có xu hướng bắt chước và “thần tượng hóa” những nghệ sĩ mà họ hâm mộ đến nỗi, họ coi những hành động, lời nói của nghệ sĩ ấy là chuẩn mực. Vậy, để giới trẻ có được cách làm, cách nghĩ đúng mực, có văn hóa, bản thân người nghệ sĩ, người quản lý văn hóa phải làm thế nào?
PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Không phải hiện nay, mà đã từ lâu rồi, không cứ là chúng ta, ở các quốc gia khác cũng vậy, vai trò phổ quát hình ảnh tạo nên một sức hút rất lớn. Trước đây nghệ sĩ đến với công chúng qua những cuộc diễn xướng lớn, qua những cuộc gặp gỡ trực tiếp. Còn ngày nay thời đại công nghệ thông tin, sự tương tác giữa nghệ sĩ và người hâm mộ là rất lớn. Có rất nhiều nghệ sĩ có lượng fan đông đảo thông qua ngay chính fanpage của mình. Rất nhiều kênh thông tin điện tử có thể kết nối giữa nghệ sĩ và công chúng. Và nếu công chúng tắm mình trong một không gian, màu sắc văn hóa hỗn loạn như thế thì cũng rất dễ bị “say” thuốc, lan nhiễm. Vốn dĩ là một nghệ sĩ “sạch” hay nhiều scandal, họ vẫn luôn có một lượng fan đông đảo rồi. Huống chi những ai hâm mộ nghệ sĩ ấy đôi khi lại thần tượng mù quáng. Có những câu nói, hành vi của thần tượng có thể trở thành khuôn mẫu hành động và được bắt chước, sao chép, tung hô. Trước kia, thời anh Đức Khuê được bầu làm diễn viên xuất sắc trong năm, công chúng cũng nhớ những câu nói hài hước “Trời không mưa cũng mặc áo mưa” và hay sử dụng để tếu táo đùa nhau trong nhiều tình huống cuộc sống.
Chúng ta không nên nhớ rằng giải trí chỉ là giải trí, mà nó luôn có một sự tương tác rất lớn đến đời sống xã hội, mà đặc biệt là bộ phận lớp trẻ. Khi môi trường showbiz cũng như môi trường xã hội chúng ta đang xuống cấp về đạo đức thì rõ ràng sẽ có không ít những tác động tiêu cực đến công chúng.
![]() |
Hương Giang Idol vừa có hành xử thiếu văn hóa với NS Trung Dân trên sóng truyền hình |
Chúng ta đặt vấn đề vai trò của quản lý. Khi áp lực của dư luận, cơ quan quản lý có một vài động thái nhưng họ vừa làm, vừa nghe ngóng. Sau khi tuyên bố cắt sóng Trấn Thành thì có làn sóng phản đối và nhà đài đính chính rằng, chỉ không xuất hiện trên game show đó, chứ chuyện cấm vĩnh viễn là không có. Có thể cho rằng, họ vừa làm vừa run, vừa làm vừa nghe ngóng các động thái xung quanh của dư luận.
Nhưng cũng cần đề cập đến một vấn đề, bên cạnh sự dễ dãi của người nghệ sĩ, buông lỏng của nhà quản lý và xu hướng thương mại hóa, tôn thờ đồng tiền, thì còn có một yếu tố rất quan trọng là do thị hiếu, năng lực thẩm định hưởng thụ văn học nghệ thuật của một bộ phận công chúng có vấn đề. Ở đây đặt ra câu chuyện cầu và cung. Cầu dễ dãi thì cung cũng sẽ đáp ứng ở mức dễ dãi như vậy. Bởi cơ sở của “cầu” như vậy thành ra “cung” cũng sẽ đáp ứng như thế thôi. Cho nên chúng ta đặt vấn đề cần đổi mới vấn đề này, nói giáo dục được chuyện này thì có lẽ hơi nực cười, nhưng vẫn cần trang bị kiến thức phổ quát trên diện rộng, kể cả xu hướng thẩm định của một bộ phận đáng kể quần chúng. Bởi nếu cứ để những yếu tố “cầu - cung” dễ dãi như thế này lan rộng thì sẽ ngày càng bộc lộ rõ sự đi xuống của xã hội ở trong lĩnh vực văn hóa.
PV: Đã từng có ý kiến cho rằng, giống như môn y đức bắt buộc bên ngành y, thiết nghĩ cần có môn học ứng xử bắt buộc đối với những người làm nghệ thuật. Ý kiến của ông về đề xuất này ra sao?
PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Bất cứ một nghề nghiệp nào cũng có đạo đức, chuẩn mực của nghề đó. Về bản chất, tất cả các nghề dẫu rằng lĩnh vực hoạt động khác nhau nhưng đều gặp nhau ở một điểm là đạo đức, tức là phải tôn thờ, phục vụ một giá trị chung, mà giá trị chung đó phải theo quy luật “cái đúng, cái tốt và cái đẹp”.
Ở trong nghề y, chúng ta hay nói câu chuyện y đức, mà thậm chí người ta còn đề cao để y đức trở thành y nghiệp. Một khi đã giơ nắm tay thề làm người thầy thuốc, thì người ta phải thề không vụ lợi, lòng dạ không bị vẫy gọi bởi những dục vọng thấp hèn, phải công tâm, khách quan hết lòng vì người bệnh, đem lại cuộc sống lần thứ hai cho người bệnh.
Còn trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, đây là môi trường điển hình, dùng đúng nghệ thuật của họ để đề cao cái đẹp và đấu tranh chống những điều sai trái, thấp hèn, giả dối. Một khi người nghệ sĩ đưa ra sản phẩm nghệ thuật giả dối, thấp cấp, đấy là họ đang vi phạm. Cho dù khi vào nghề họ không thề nhưng họ đã vi phạm nguyên tắc, đạo đức nghề nghiệp của họ.
Giai đoạn sau Cách mạng Tháng Tám, những người làm sân khấu họ có những lời thề rất thiêng liêng đối với nghề. Ngày nay tôi thấy người ta ít nói đến điều đó. Ngày xưa thầy là người truyền nghề trực tiếp, chưa có trường lớp như bây giờ, mọi người rất “tôn sư trọng đạo”, tôn trọng thầy và tôn trọng nghề đến mức có thể hy sinh rất lớn vì nghề. Còn bây giờ chúng ta có lễ giỗ tổ nghề, nhưng đó là lễ dành cho những người hoài niệm.
Bây giờ giáo dục rèn luyện đạo đức nghề nghiệp không được coi trọng bằng kỹ năng nghề nghiệp. Người ta thấy có nhiều “ngôi sao” bỗng chốc vụt sáng, mà rất nhiều không được đào tạo, dường như họ ăn may, học lỏm, học mót và nghĩ đó là thế mạnh và có thể kiếm tiền được từ đấy. Đáng tiếc thay, số lượng này lại đang chiếm lĩnh. Rõ ràng, khâu đào tạo có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với giới nghệ sĩ. Nếu chúng ta buông lỏng quản lý, thì nghệ sĩ sẽ thấy nếu dùng chiêu trò vẫn sẽ “sống tốt” và sẽ vẫn chỉ là “bóc ngắn cắn dài”, tạm bợ câu khách kiếm tiền thay vì hướng đến những giá trị bền vững, căn bản, ra tấm ra món của giới nghệ sĩ.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
NSƯT Chí Trung:Văn hóa ứng xử là văn hóa tối thiểu của mỗi người
Về câu chuyện văn hóa ứng xử của các nghệ sĩ, đặc biệt là các nghệ sĩ trẻ, tôi nghĩ rằng, văn hóa ứng xử là văn hóa tối thiểu của mỗi con người trong xã hội. Không riêng gì giới showbiz, cả xã hội chúng ta đang lâm vào một thực trạng thiếu văn hóa, nó diễn ra trong gia đình, trong xã hội, trên đường phố, trong quán ăn… Văn hóa ứng xử không chỉ thể hiện qua lời nói, mà còn thể hiện qua hành động, cử chỉ… Muốn như vậy, con người ta phải có bề dày văn hóa, tri thức nhất định được đào tạo trong gia đình, nhà trường và quan sát trong cuộc sống, từ đó mới tạo ra phông văn hóa để ứng xử với mọi người. Trở về câu chuyện thần tượng và sự ảnh hưởng tới giới trẻ, tôi nghĩ việc giới trẻ hâm mộ, thậm chí thần tượng hóa một cá nhân không chỉ diễn ra ở Việt Nam, mà còn là xu thế trên toàn thế giới, đặc biệt là ở châu Á. Và rõ ràng, chúng ta không thể chống lại được xu thế này. Chúng ta cũng đừng đổ cho giới trẻ hay đổ lỗi cho người nổi tiếng vì câu chuyện thần tượng. Ví dụ như tôi được giới trẻ tôn vinh thì tôi nói cái gì cũng là lời “sấm truyền”. Nhưng vấn đề ai đó tôn vinh tôi, trong khi không biết tôi có xứng đáng không thì không phải lỗi của người ấy, cũng không phải lỗi của tôi, mà đó là xu thế. Tôi nghĩ, sớm hay muộn thì giới trẻ sẽ phải tự điều chỉnh mình để tiếp nhận văn hóa phù hợp và cả nghệ sĩ cũng sẽ phải tự căn chỉnh nếu muốn tiếp tục nhận được sự yêu mến của khán giả. Thế nhưng, một điều cần phải xem xét, đó là việc giới trẻ hiện nay cứ ồ ạt chạy theo văn hóa thần tượng một phần là do họ không có được “điểm tựa về mặt lý tưởng, niềm tin”. Giới trẻ nay không có gì để chơi, cũng không có không gian để chơi, cũng không có mối quan tâm tương đồng với người lớn, như trong gia đình, có thể trong bữa cơm không ai nói với ai câu nào, xem tivi cũng khó có thể cùng nhau, bởi người trẻ, người già có sở thích khác biệt. “Có cầu ắt có cung”, những người nổi tiếng, những nghệ sĩ trẻ bỗng trở thành thần tượng của giới trẻ ấy và lời họ nói bỗng chốc thành “sấm truyền”. Bên cạnh đó, có một thực tế rằng, không phải nghệ sĩ trẻ nổi tiếng nào cũng được đào tạo bài bản hay có phông văn hóa dày dạn để ứng xử với nhau, với người hâm mộ và với xã hội. Nhiều trường hợp được đưa lên “bệ phóng” thành ngôi sao và được chú ý chỉ với cái quần rách, chiếc áo hở hay vài ba scandal, những người như vậy không có thái độ chính trị và cả ý thức xã hội. Rõ ràng, nghệ sĩ là chủ thể truyền bá văn hóa, có thể là âm nhạc, là điện ảnh, sân khấu, mỹ thuật… vì thế, bất kỳ hành động, lời nói nào của nghệ sĩ cũng sẽ ảnh hưởng tới công chúng. Những sự kiện tích cực sẽ mang đến lan tỏa tích cực, ngược lại, hành vi xấu của nghệ sĩ sẽ mang lại những ảnh hưởng tiêu cực đến mức khó lường. Thế nhưng một bộ phận giới trẻ lại cứ xúm vào, như “uống từng lời” của nghệ sĩ ấy, dẫn tới thực trạng chính chủ thể văn hóa lại hành xử thiếu văn hóa, ảnh hưởng tới công chúng. Tuy nhiên, cái đáng ngại nhất là giới trẻ không có “điểm tựa về niềm tin”, nếu chúng ta biết phân chia điểm tựa ấy ra, những ước mơ, khát vọng ấy bằng những thú vui khác như xem phim, đọc sách, nghiên cứu… nghĩa là chính giới trẻ phải tự cân bằng và tìm được hướng đi phù hợp nhất với mình, thay vì lệ thuộc vào một thần tượng không xứng đáng. Đã từng có ý kiến cho rằng, giống như môn y đức bắt buộc bên trường y, thiết nghĩ cần có môn học ứng xử bắt buộc đối với những người làm nghệ thuật. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân của tôi, một xã hội lành mạnh là mỗi người được đào tạo và rèn luyện từ trong gia đình, trên ghế nhà trường và cả trong xã hội. Hiện nay, có một vài cá thể - những người được gọi là thần tượng - không đáp ứng được yêu cầu văn hóa tối thiểu của xã hội, đây là hiện tượng đáng lên án. Song, cần phải nhìn nhận lại, hầu hết những “thần tượng” này hình như cũng chẳng được học hành ở trường lớp nào. Còn tất cả những nghệ sĩ khi bước chân vào nghệ thuật đều được đào tạo bài bản cả về văn hóa và năng khiếu, được rèn luyện qua trường lớp, qua thực tế, có thái độ và ý thức xã hội. Cái tâm vốn có trong mỗi con người, nhưng đạo đức là thứ phải rèn luyện, phải tu thân, phải rút kinh nghiệm sau những va chạm với cuộc sống. Thực tế giới nghệ thuật hiện nay đang cho thấy, có một bộ phận “thần tượng” trưởng thành từ những cuộc thi phong trào, vừa bước ra khỏi cuộc thi đã được tung hô, được o bế… khiến họ choáng ngợp, coi đó là thành tựu ghê gớm, nhưng họ không nghĩ rằng đó là thành công “bong bóng xà phòng” chỉ đến rồi đi. Nhưng điều này không ai có thể dạy họ, mà bản thân họ phải tự có ý thức rèn luyện, căn chỉnh lấy đạo đức khi làm nghề. Tuy nhiên, bên cạnh việc “trông mong” bản thân nghệ sĩ tự “căn chỉnh” bản thân, thì còn cần chính công chúng và những đơn vị sản xuất, truyền hình, truyền thông… “căn chỉnh” lại những điều chưa hay, chưa phải, để giữ gìn chuẩn mực văn hóa. Để những người làm nghệ thuật không phải chạy theo những scandal, những điều nhảm nhí, rồi cứ hoài nghi rằng “những điều tử tế thì không bán được”. |
Thanh Huyền - Vương Tâm
-
[VIDEO] Lực lượng CAND "vượt nắng, thắng mưa" chuẩn bị cho ngày lễ trọng đại
-
Lực lượng Công an hợp luyện chuẩn bị cho lễ diễu binh mừng Quốc khánh 2/9
-
Bão số 2 (Danas) mạnh lên, dự báo đạt cường độ mạnh nhất trong 24 giờ tới
-
Tử vi tháng 7/2025: Tuổi Dần không ngại thử thách, tuổi Hợi vận may tài lộc
-
Từ ngày 1/7/2025, đăng ký xe như thế nào?
- Tử vi tháng 7/2025: Tuổi Dần không ngại thử thách, tuổi Hợi vận may tài lộc
- Tử vi tuần mới (30/6-6/7/2025): Tuổi Mão mở rộng ngoại giao, tuổi Tuất vận may tài lộc
- Tử vi tuần mới (23-29/6/2025): Tuổi Ngọ sự nghiệp phát triển, tuổi Thân nhân duyên khởi sắc
- Tử vi tuần mới (16-22/6/2025): Tuổi Thìn cơ hội bứt phá, tuổi Tỵ công danh dễ thành
- Tử vi tuần mới (9-15/6/2025): Tuổi Hợi tài lộc hanh thông, tuổi Dần quý nhân nâng đỡ
- Tử vi tuần mới (2-8/6/2025): Tuổi Thìn thành tích xuất sắc, tuổi Thân khả năng nổi bật
- Tử vi tháng 6/2025: Tuổi Tý cơ hội thăng tiến, tuổi Dậu tình duyên may mắn
- Bà Rịa - Vũng Tàu: Tôn vinh văn hóa đọc, kết nối cộng đồng