Ứng phó “vòm nhiệt” gây nắng nóng nguy hiểm

07:15 | 12/07/2024

403 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nước Mỹ đang phải trải qua những ngày nắng nóng dữ dội. Các chuyên gia cảnh báo nhiệt độ trung bình trong hè sẽ đạt mức cao kỷ lục. Đáng lo ngại, độ ẩm cao đi cùng với hơi nóng sẽ tạo ra hiện tượng “vòm nhiệt”, có thể tác động nguy hiểm tới sức khỏe con người
Ứng phó “vòm nhiệt” gây nắng nóng nguy hiểm
Ứng phó “vòm nhiệt” gây nắng nóng nguy hiểm

Vòm nhiệt xảy ra khi một vùng áp suất cao kéo dài hình thành phía trên khu vực nhất định và không di chuyển trong vòng 1 tuần trở lên. Áp suất cao khiến không khí bị dìm xuống dưới, không thể thoát ra ngoài và nóng lên khiến nhiệt độ tăng lên, thường đến mức khó chịu hoặc thậm chí nguy hiểm. Hầu hết các kỷ lục về nhiệt độ cao đều được thiết lập trong một vòm nhiệt. Và khủng hoảng khí hậu sẽ khiến chúng xảy ra thường xuyên hơn và nóng hơn.

Các đợt sóng nhiệt gay gắt do hiện tượng vòm nhiệt gây ra đang đe dọa sức khỏe của người dân trên khắp thế giới. Trong tháng 6, một vòm nhiệt kéo dài mang nhiệt độ nguy hiểm tới miền Tây nước Mỹ. Người dân trải qua nhiệt độ lên tới 46,10C ở California, Nevada, Utah và Arizona.

Sóng nhiệt gần đây nhất đã cho thấy tầm quan trọng của việc chuẩn bị sẵn sàng ứng phó thời tiết nóng bức ở các thành phố. Khoảng 80% dân số Mỹ sống ở khu vực đô thị, nơi hiệu ứng đảo nhiệt có thể tồi tệ hơn dưới tác động của thời tiết nóng bức. Đảo nhiệt đô thị là những vùng đông dân, ít cây, nhiều bê tông và đường nhựa hấp thụ năng lượng mặt trời. Khi mặt trời lặn, vật liệu nhân tạo giải phóng nhiệt lưu trữ, khiến thành phố vẫn nóng vào buổi tối. Nhiệt độ đảo nhiệt đô thị có thể cao hơn 110C so với những vùng thưa dân hơn.

Nguy cơ các bệnh liên quan đến nhiệt là mối lo ngại của người dân ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi thời tiết, đặc biệt đối với người già, trẻ nhỏ và những người làm việc ngoài trời. Nắng nóng cực độ cho đến nay là một dạng thời tiết khắc nghiệt nguy hiểm nhất. Tổng thiệt hại về người mỗi năm do nắng nóng tăng gấp đôi so với lốc xoáy và bão cộng lại.

Theo Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ, trong những ngày tới, nguy cơ nắng nóng cực độ sẽ vẫn tiếp tục xảy ra trên khắp nước này. Các nhà khoa học cũng cảnh báo các đợt nắng nóng sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn khi khủng hoảng khí hậu gia tăng. Trước tình hình số ngày nhiệt độ nắng nóng tiếp tục tăng lên, chính quyền các thành phố Mỹ đang áp dụng nhiều biện pháp để ứng phó với thời tiết oi bức.

Trồng cây

Trồng cây giúp giảm nhiệt độ mặt đất và không khí thông qua cung cấp bóng mát, làm mát nhờ quá trình bay hơi và thoát hơi nước. Nghiên cứu chỉ ra đô thị có rừng cây có nhiệt độ thấp hơn trung bình 1,60C so với không có rừng cây. Nhiều thành phố trên khắp nước Mỹ đang triển khai phong trào phủ xanh. Austin, Texas, đặt mục tiêu phủ xanh 50% thành phố năm 2050. Ở Phoenix, Arizona, thành phố nóng nhất ở Mỹ, thực hiện phong trào trồng cây đem đến bóng mát cho một số khu dân cư. Nhà chức trách đã duyệt đầu tư hơn 1,4 triệu USD để trồng 1.800 cây xanh trên khắp thành phố…

Cây xanh không chỉ được trồng trên mặt đất mà cả mái nhà. Năm 2017, San Francisco yêu cầu ít nhất 15% diện tích bề mặt mái nhà của các tòa nhà mới lớn hơn 1.858m2 phải phủ pin quang điện hoặc cây xanh. Một lượng lớn tòa nhà trong thành phố đã phủ xanh mái nhà, không chỉ loại bỏ nhiệt lượng trong không khí thông qua bốc thoát hơi nước, mà còn giảm nhiệt độ bề mặt mái. Vào ngày hè nắng nóng, nhiệt độ mái nhà phủ xanh có thể mát hơn không khí xung quanh.

Sơn trắng

Một nghiên cứu gần đây phát hiện mái nhà sơn trắng giúp phản xạ 80% ánh sáng mặt trời. Đây không phải là ý tưởng mới. Các thành phố ở Bắc Phi và Nam Âu đã áp dụng trong nhiều thế kỷ. Hiện nay, giải pháp này đang được ứng dụng ở Mỹ. Thành phố New York gần đây sơn trắng hơn 930.000m2 mái nhà, giúp giảm 30% nhiệt độ bên trong. Bang California cũng cập nhật quy định xây dựng để khuyến khích mái chống nóng.

Các nhà khoa học trên khắp thế giới phát triển nhiều loại sơn phủ làm mát cho vỉa hè, mái nhà và tường, chứa phụ gia đặc biệt để phản xạ nhiệt lượng từ mặt trời. Chúng có thể giúp người đi bộ cảm thấy mát hơn 1,50C, đồng thời giảm hấp thụ nhiệt bề mặt, có nghĩa vào ban đêm, bề mặt sáng màu sẽ không giải phóng nhiệt lưu trữ trong ngày. Los Angeles đã thử nghiệm sơn làm mát, nhưng vấp phải một số hạn chế. Loại sơn mà thành phố sử dụng có chi phí 40.000 USD/dặm (1,6km) và chỉ tồn tại 7 năm. Năm 2020, một nghiên cứu ở Phoenix cho thấy bao phủ vỉa hè bằng sơn làm mát giúp hạ nhiệt độ bề mặt của đường phố. Sau đó, thành phố quyết định áp dụng chương trình này vĩnh viễn.

Thu thập dữ liệu, lập kế hoạch ứng phó

Thu thập dữ liệu đóng vai trò quan trọng trong việc lập kế hoạch tương lai để ứng phó nắng nóng. Năm 2022, 60 tình nguyện viên đo nhiệt độ buổi sáng, buổi chiều và buổi tối ở quận Clark, bao gồm Las Vegas, trong nghiên cứu lập bản đồ nhiệt do Cục Quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ cấp kinh phí. Bản đồ tạo ra từ dữ liệu đó cho thấy nhiệt độ tăng mạnh nhất ở phía Bắc và Đông Las Vegas cũng như khu trung tâm, có thể nóng hơn 60C so với các nơi khác trong thành phố. Quận Clark hiện nay sử dụng dữ liệu để tìm cách giảm thiểu nắng nóng, bao gồm xây trung tâm giải nhiệt công cộng và trồng cây.

Thành phố Albuquerque, New Mexico, đang kết hợp với tình nguyện viên địa phương để lập bản đồ nhiệt độ và hơi ẩm thông qua phân phát cảm biến nhiệt thiết kế đặc biệt. Người dân lái xe hoặc đạp xe quanh các tuyến vạch sẵn 2 lần một ngày để ghi chép hơn 67.000 điểm nhiệt độ. Bản đồ hé lộ chênh lệch lên tới gần 9,40C ở những khu vực khác nhau trong thành phố, nơi nóng nhất là khu trung tâm và khu dân cư cạnh đường cao tốc và người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là cộng đồng thu nhập thấp.

Việc lập kế hoạch đối phó nắng nóng rất quan trọng đối với các thành phố như Las Vegas. Đây là thành phố ấm lên nhanh thứ hai ở Mỹ sau Reno, Nevada, với nhiệt độ trong tháng 6 lên tới 46,10C. Các chuyên gia đã làm việc với chính quyền thành phố trong 6 năm qua để phát triển kế hoạch chống nóng vào năm 2050. Kế hoạch giảm thiểu nắng nóng bao gồm trồng các loại cây chịu hạn chi phí thấp để cung cấp bóng mát, giảm bề mặt dùng bê tông hay xi măng và các thiết kế tòa nhà có mái che.

Năm 2023 là năm nóng kỷ lục đã xảy ra đối với thế giới. Theo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, các ca tử vong liên quan đến nhiệt độ đã gia tăng rõ rệt ở Mỹ trong 3 năm qua. Thống kê ghi nhận 1.602 trường hợp tử vong vì nắng nóng vào năm 2021; 1.722 ca vào năm 2022; và 2.302 ca vào năm 2023.

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan