Ukraine không muốn mất khoản phí trung chuyển khí đốt đến châu Âu

15:09 | 20/09/2024

30,474 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ukraine đang đàm phán về việc cung cấp khí đốt từ Azerbaijan cho châu Âu thông qua mạng lưới đường ống của nước này nhưng vẫn chưa đạt được thỏa thuận.
Tại sao CEO Chevron lại chỉ trích chính sách khí đốt tự nhiên của Tổng thống Biden?Tại sao CEO Chevron lại chỉ trích chính sách khí đốt tự nhiên của Tổng thống Biden?
Thổ Nhĩ Kỳ đang từng bước định vị mình trở thành trung tâm khí đốtThổ Nhĩ Kỳ đang từng bước định vị mình trở thành trung tâm khí đốt
Ukraine không muốn mất khoản phí trung chuyển khí đốt đến châu Âu
Ảnh Bloomberg

Cả Kyiv và Moscow đều sẵn sàng tìm ra giải pháp có thể liên quan đến việc trao đổi nguồn cung với Azerbaijan, theo những người biết rõ về các cuộc đàm phán nói với điều kiện giấu tên. Ukraine muốn ngăn chặn khí đốt của Nga đi qua lãnh thổ của mình mặc dù một số khí đốt được bán dưới danh của Azerbaijan có thể có nguồn gốc từ Nga, một trong những người này cho biết.

Các bên vẫn đang đàm phán để tìm ra giải pháp thay thế nhằm duy trì dòng khí đốt qua Ukraine tới châu Âu, sau khi thỏa thuận trung chuyển với Nga hết hạn vào cuối năm nay, nguồn tin cho biết.

Giá khí đốt chuẩn của Châu Âu giảm 6,1% xuống còn 33,08 euro/megawatt-giờ, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 7. Sáng ngày 19/9, giá đã giảm tới 9,1% sau khi có báo cáo trên phương tiện truyền thông về một thỏa thuận tiềm năng.

Việc chấm dứt thỏa thuận trung chuyển theo hình thức hiện tại gần như là điều không thể tránh khỏi. Trong những tháng gần đây, một số quan chức Chính phủ và công ty châu Âu đã tìm kiếm những cách thay thế để duy trì dòng khí đốt, bao gồm cả việc mua khí đốt từ Azerbaijan hoặc Thổ Nhĩ Kỳ. Kyiv muốn Moscow mất hàng tỷ đô la mà họ nhận được từ việc bán cho châu Âu, nhưng không muốn mất khoản phí trung chuyển ước tính là 800 triệu đô la một năm.

Châu Âu đã cố gắng cai nghiện khí đốt của Nga kể từ khi nguồn cung bị cắt sau cuộc xung đột ở Ukraine. Một số quốc gia Đông Âu tiếp tục nhận được khí đốt thông qua đường ống đi qua Ukraine. Thỏa thuận trung chuyển kết thúc vào năm nay, có khả năng cắt đứt nguồn cung cấp khoảng 15 tỷ mét khối tới các quốc gia như Áo và Slovakia.

Hồi tháng 7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết thỏa thuận thay thế khí đốt của Nga bằng nguồn cung cấp của Azerbaijan là "một trong những đề xuất" đang được thảo luận. Tuy nhiên, sản lượng khí đốt của Azerbaijan không đủ để thay thế hoàn toàn. Điều đó có nghĩa là sẽ xảy ra trường hợp hoán đổi sử dụng khí đốt của Nga.

Adnan Dhanani, một nhà phân tích tại RBC Capital Markets, cho biết trong một lưu ý hôm thứ Năm 19/9: "Theo quan điểm của chúng tôi, khả năng hoán đổi mà Azerbaijan có thể lấy khí đốt của Nga đề dùng, rồi sau đó xuất khẩu khí đốt trong nước sang EU có vẻ khả thi nhất".

Sản lượng từ Công ty Dầu khí Nhà nước của Cộng hòa Azerbaijan - nhà khai thác khí đốt chính, dự kiến ​​sẽ tăng vào năm 2025 nhưng tiêu thụ trong nước sẽ hấp thụ phần lớn mức tăng đó, để lại một lượng nhỏ cho xuất khẩu, các nhà tư vấn Energy Aspects Ltd. cho biết.

“Có rất ít cách để chuyển hướng nguồn cung cấp của Nga không đi qua Ukraine”, các nhà phân tích của Energy Aspects đã viết trong một lưu ý vào tháng 7. “Một lựa chọn dễ dàng hơn có thể là hoán đổi tài chính Gazprom-Socar, nhưng việc dán nhãn lại khí đốt của Nga có thể sẽ phải đối mặt với sự phản đối từ cả Ukraine và các nhà lãnh đạo châu Âu”.

Về phần Nga, Tổng thống Vladimir Putin cho biết ông sẵn sàng tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu trừ khi có các tuyến xuất khẩu thay thế thông qua Thổ Nhĩ Kỳ nếu không thể đạt được thỏa thuận.

Yến Anh

Bloomberg