Tuyên án "những người hùng trong vụ Năm Cam"

16:58 | 24/06/2013

16,510 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chiều 24/6, Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang đã tuyên án “những người hùng trong vụ án Năm Cam” về tội “Lợi dụng chức vụ và quyền hạn khi thi hành công vụ”. Theo đó, Ngô Thanh Phong nhận mức 3 năm tù giam và Phạm Văn Út nhận mức 1 năm tù. Thời hạn phạt tù được tính từ ngày các bị cáo chấp hành án.

Buổi chiều tuyên án, người dân tập trung rất đông trong khán phòng để nghe phần luận tội của tòa. Riêng, đối với Nguyễn Văn Nên đang bị bệnh tâm thần cần phải được điều trị nên tạm đình chỉ xét xử chờ chữa bệnh.

Phần bào chữa của nhóm luật sư cho bị cáo Phong và Út bị tòa bác bỏ. Tòa khẳng định: Các bị cáo đã cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng theo kết luận của Viện Kiểm sát Tối cao là hoàn toàn có cơ sở, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật. Hành vi của các bị cáo là rất nghiêm trọng làm suy yếu bộ máy nhà nước, làm mất lòng tin của nhân dân. Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm và cần phải cách ly khỏi xã hội một thời gian.

Ngô Thanh Phong là người có cương vị cao, là Trưởng phòng Cảnh sát điều tra, Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Tiền Giang, từ tháng 10/2004 là Chánh văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Phó thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra. Phong có trách nhiệm chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong việc thu giữ, quản lý, bảo quản vật chứng.

Trong quá trình chỉ đạo điều tra vụ án “Buôn lậu xăng dầu” (vụ án 502X), Phong đã quyết định cho cấp dưới đem toàn bộ số tiền thu giữ trong vụ án gửi Ngân hàng thương mại dưới dạng gửi tiết kiệm đứng tên các cá nhân để lấy lãi, nộp quỹ riêng của đơn vị, chi tiêu vì mục đích cá nhân.

Phạm Văn Út (áo trắng) nghe đọc lệnh bắt tạm giam

 

Số tiền gửi tiết kiệm rất lớn, gửi nhiều lần, trong thời gian dài, thu lợi bất chính lớn. Trong số tiền thu lợi bất chính, tổng cộng hơn 1,3 tỉ đồng đã sử dụng chi tiêu chung cho đơn vị và chia cho cá nhân. Ngô Thanh Phong là người quyết định chi nhiều nhất và cũng là người được chia, hưởng lợi cá nhân nhiều nhất. Cho đến nay, Phong vẫn chưa nộp số tiền đã chiếm đoạt lại đơn vị để nộp Cơ quan điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngô Thanh Phong còn phải chịu trách nhiệm chính trong việc cho cá nhân trong và ngoài lực lượng Công an mượn tiền, tài sản thu giữ trong vụ án để sử dụng, gây thất thoát 348 triệu đồng. Số tài sản này đến nay chưa thu hồi được. Phong chưa quyết toán và hoàn lại hơn 217 triệu đồng mà Bùi Văn Nhứt đã chi theo lệnh của chỉ huy phòng.

Nguyễn Văn Nên với cương vị là Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra, là người giúp việc cho Ngô Thanh Phong trong việc quản lý, chỉ đạo, điều hành Phòng Cảnh sát điều tra. Trong đó, có việc tổ chức, chỉ đạo cán bộ cấp dưới thực hiện đúng quy định của pháp luật trong thu giữ, quản lý, bảo quản vật chứng trong các vụ án hình sự do Phòng Cảnh sát điều tra quản lý.

Tuy không được phân công chỉ đạo điều tra vụ án 502X nhưng Nguyễn Văn Nên là người tích cực trong việc đề xuất, bàn bạc thống nhất với Ngô Thanh Phong để quyết định việc mang toàn bộ số tiền thu giữ trong vụ án 502X gửi ngân hàng lấy lãi, chia và chiếm hưởng cá nhân.

Nguyễn Văn Nên là người trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc cấp dưới đem tiền thu giữ trong vụ án 502X gửi trong 2 đợt đầu (từ năm 2002 đến năm 2004) thu lãi hơn 1,1 tỉ đồng. Nguyễn Văn Nên cũng là người quyết định chủ yếu việc chi tiêu sử dụng và chia cá nhân hết số tiền lãi này. Bản thân Nguyễn Văn Nên được chia 34 triệu đồng và được cấp sử dụng cá nhân 1 xe Honda Future trị giá 25 triệu đồng.

Khi nhận chức vụ Trưởng Công an huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, Nguyễn Văn Nên đã giao lại chiếc xe này cho ông Phan Hữu Ca là Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự sử dụng. Nguyễn Văn Nên đã nộp lại số tiền 34 triệu đồng này cho Công an tỉnh Tiền Giang để nộp Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chờ xử lý theo pháp luật.

Phạm Văn Út là thủ quỹ, thủ kho vật chứng của Phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang, có trách nhiệm quản lý vật chứng và các tài sản thu giữ trong các vụ án hình sự do Phòng Cảnh sát điều tra thụ lý theo đúng các quy định của pháp luật. Mặc dù biết là trái pháp luật nhưng vẫn tích cực thực hiện việc đem tiền giữ trong vụ án 502X gửi Ngân hàng thương mại dưới dạng gửi tiết kiệm, đứng tên cá nhân để lấy lãi trong 2 đợt từ năm 2002 đến năm 2004, nộp quỹ riêng của phòng tổng cộng hơn 1,1 tỷ đồng và đã thực hiện việc chi tiêu, chi cá nhân theo sự chỉ đạo của Ngô Thanh Phong và Nguyễn Văn Nên hết số tiền quỹ này.

Bản thân Phạm Văn Út được chia 9 triệu đồng và đã nộp lại số tiền 9 triệu đồng này cho Công an tỉnh Tiền Giang để nộp Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, chờ xử lý theo pháp luật.

Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang.

Hành vi trên của Ngô Thanh Phong, Nguyễn Văn Nên, Phạm Văn Út đã vi phạm về vấn đề bảo quản và xử lý tài sản là vật chứng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, làm trái công vụ vì động cơ vụ lợi, gây thiệt hại số tiền 1,1 tỉ đồng mà đáng ra phải nộp sung công quỹ.

Đối với Bùi Văn Nhứt và Nguyễn Trường Sơn, là 2 điều tra viên tuy không được phân công tham gia điều tra vụ án nhưng đã thực hiện việc đem các khoản tiền thu giữ trong vụ án 502X gửi tiết kiệm, đứng tên cá nhân từ cuối năm 2002 đến cuối tháng 5/2004, tổng cộng đã gửi hơn 11,4 tỉ đồng và 206.050 USD, thu lãi 986 triệu đồng.

Nhưng xét thấy, Bùi Văn Nhứt và Nguyễn Trường Sơn chỉ thực hiện theo sự chỉ đạo của Ngô Thanh Phong và Nguyễn Văn Nên, không được tham gia bàn bạc, quyết định việc gửi tiền, không được quyết định việc chi tiêu tiền lãi thu được, không được hưởng lợi nhiều hơn các cán bộ bình thường trong đơn vị.

Quá trình điều tra đã có thái độ khai báo thành khẩn, giúp Cơ quan điều tra làm rõ hành vi phạm tội trong vụ án. Do đó, không cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ cần kiến nghị Ban Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang xử lý kỷ luật để giáo dục và phòng ngừa.

Đối với các ông Nguyễn Chí Kiến, nguyên Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra, Võ Quang Ái, Phạm Thế Kim, nguyên là cán bộ lãnh đạo cấp Đội thuộc Phòng Cảnh sát điều tra có tham gia đem tiền thu giữ trong vụ án 502X gửi tiết kiệm lấy lãi, lập quỹ riêng nhưng không phải là người quyết định, chỉ đạo thực hiện việc gửi tiền, không được quyết định việc sử dụng quỹ từ tiền lãi thu được.

Số tiền được chia từ quỹ riêng đã nộp lại cho Công an tỉnh Tiền Giang để nộp Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chờ xử lý theo pháp luật. Do đó, không cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ cần kiến nghị Ban Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang xử lý kỷ luật để giáo dục và phòng ngừa.

"Người hùng trong vụ án Năm Cam"  thẫn thờ  trước vành móng ngựa sau phiên xét xử

Đối với ông Nguyễn Chí Phi, nguyên Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, sau đó là Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang (nay đã nghỉ hưu) tuy đã được hưởng 80 triệu đồng từ quỹ riêng của Phòng Cảnh sát điều tra nhưng ông Phi không biết tiền đã có được từ việc dùng các khoản tiền thu giữ trong vụ án 502X gửi tiết kiệm lấy lãi, nên không có cơ sở xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng cũng cần kiến nghị Bộ Công an xử lý kỷ luật.

Trong vụ án này, ngoài hành vi phạm tội nêu trên, Nguyễn Văn Nên còn có dấu hiệu của hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn giam giữ người trái pháp luật” và “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”, cũng như việc lấy số tiền 5,25 tỷ đồng thu giữ của ông Nguyễn Văn Cư để gửi tiết kiệm lấy lãi phát sinh trong quá trình tham gia điều tra, xử lý vụ án “Gây rối trật tự công cộng”, xảy ra tại tỉnh Bình Dương. Cơ quan điều tra đã có quyết định tách án để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Hành vi phạm tội của Ngô Thanh Phong, Nguyễn Văn Nên và Phạm Văn Út đã vi phạm điều 281 Bộ Luật Hình sự về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Các bị cáo có quyền kháng cáo trong vòng 15 ngày, tính từ ngày tòa tuyên án.

PV

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc