TS. Nguyễn Thị Ngọc Minh: "Sức mạnh của trường học nằm ở nhân cách và trí tuệ người thầy"

18:55 | 19/11/2021

457 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
'Khi người thầy có nhiều thời gian hơn để đầu tư cho chuyên môn, khi thu nhập của họ được cải thiện, khi giáo viên được trao quyền nhiều hơn thì đổi mới giáo dục sẽ có thể tạo động lực để họ học hỏi, sáng tạo và tìm thấy niềm vui trong công việc của mình'.
Vị thế người thầy ở đâu trong xã hội ngày nayVị thế người thầy ở đâu trong xã hội ngày nay

Đó quan điểm của TS. Nguyễn Thị Ngọc Minh (giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) chia sẻnhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

TS. Nguyễn Thị Ngọc Minh cho rằng, người thầy chính là yếu tố quan trọng nhất cấu thành nên môi trường giáo dục xung quanh trẻ. (Ảnh: NVCC)
TS. Nguyễn Thị Ngọc Minh cho rằng, người thầy chính là yếu tố quan trọng nhất cấu thành nên môi trường giáo dục xung quanh trẻ. (Ảnh: NVCC)

Chị có thể chia sẻ những khó khăn mà giáo viên hiện nay đang phải đối mặt? Người thầy có gặp nhiều áp lực trước những đổi mới của giáo dục hay không?

Tôi có nhiều thời gian được làm việc ở các trường phổ thông, tiếp xúc với các giáo viên và quan sát cuộc sống của họ. Thông thường, một giáo viên sẽ phải có mặt ở trường vào lúc 7 giờ kém, làm việc tới gần 12 giờ trưa. Trong khoảng 12 giờ trưa tới 1 giờ chiều, họ thường phải vừa ăn trưa, vừa tranh thủ nghỉ ngơi, vừa phải kiêm nhiệm thêm một số công việc khác như trông trưa, quản lý học sinh.

Rất nhiều giáo viên phải ở lại trường học tới 6 giờ tối, soạn bài tới 12 giờ đêm để tiếp tục một nhịp điệu làm việc tương tự như vậy vào ngày hôm sau.

Để bắt kịp được những đổi mới trong giáo dục, họ cũng thường phải tham gia các lớp tập huấn, đào tạo vào cuối tuần. Tất nhiên, ở một số địa phương, trường học, với một số môn học, cấp học, số giờ làm việc có thể ít hơn, cuộc sống của giáo viên có thể thư thái hơn, song họ lại phải đối mặt với những áp lực khác như khó có thể phát triển được sự nghiệp, hoặc mức thu nhập quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống.

Ngoài áp lực về thời gian và mưu sinh, giáo viên còn phải đối phó với rất nhiều áp lực khác. Riêng việc liên tục phải sống trong một môi trường rất ồn ào của trường học đã có thể là áp lực vô hình.

"Trong khi áp lực ngày càng tăng lên, thì vị thế của giáo viên lại đang ngày càng thấp đi. Khi giáo dục trở thành một sản phẩm thương mại, người ta có xu hướng coi thầy cô giáo là một người làm thuê, một nhân viên chăm sóc khách hàng hơn là người có vai trò định hướng cho gia đình, xã hội trong việc vun trồng nhân cách và bồi đắp tri thức cho trẻ".

Không những thế, việc luôn phải đối phó và chịu trách nhiệm về vô vàn các tình huống phát sinh trong trường học là một áp lực rất lớn. Một trong những nỗi sợ hãi lớn nhất của con người là sợ thay đổi.

Mà với một lớp học 40, 50 học sinh, thì sẽ luôn nảy sinh những tình huống bất ngờ, những tai nạn ngẫu nhiên, nằm ngoài dự kiến ngay cả của những giáo viên giàu kinh nghiệm.

Chưa kể, đằng sau 40, 50 học sinh trong lớp học đó là 80-100 phụ huynh, trong số đó có rất nhiều người có thái độ phó mặc toàn bộ việc giáo dục con cái cho nhà trường, hoặc coi giáo viên chỉ là một người được họ trả tiền để dạy dỗ con cái họ, hoặc tự cho mình quyền được săm soi và chỉ trích nhà trường.

Trong vòng quay khốc liệt của công việc và trong những mối quan hệ xã hội phức tạp đó, tôi đang thấy, các thầy cô hết sức cô đơn.

Trong khi áp lực ngày càng tăng lên, thì vị thế của giáo viên lại đang ngày càng thấp đi. Khi giáo dục trở thành một sản phẩm thương mại, người ta có xu hướng coi thầy cô giáo là một người làm thuê, một nhân viên chăm sóc khách hàng hơn là người có vai trò định hướng cho gia đình, xã hội trong việc vun trồng nhân cách và bồi đắp tri thức cho trẻ.

Quan niệm của phụ huynh về giáo dục và thái độ của phụ huynh đối với thầy cô giáo của con, cách đối xử của nhà quản lý giáo dục đối với giáo viên sẽ ảnh hưởng đến vị thế của người thầy trong các nhà trường cũng như trong mắt học sinh.

Chúng ta chưa ý thức được rằng, trẻ em luôn quan sát và học hỏi cách ứng xử của người lớn một cách vô thức. Sự thiếu tôn trọng của phụ huynh, của truyền thông xã hội, của nhà quản lý giáo dục tới người thầy cũng sẽ ảnh hưởng một cách vô thức đến thái độ của học sinh đối với thầy cô.

Tôi đau lòng khi nhận ra rằng, ở rất nhiều nhà trường, giáo viên đang ngày càng trở nên mất quyền uy, mất tiếng nói, không những trong mối quan hệ với cấp trên, mà với chính học sinh của họ, trong chính lớp học của họ.

Tôi cho rằng, những áp lực mưu sinh vì lương thấp, thì công việc bận rộn, phức tạp, có lẽ chỉ là một phần rất nhỏ so với rất nhiều áp lực vô hình khác mà người giáo viên đang phải gánh chịu.

Đổi mới giáo dục sẽ không phải là một áp lực, mà sẽ là một cơ hội để phát triển nghề nghiệp, nếu như những áp lực khác được... gỡ bỏ.

Khi giáo viên có nhiều thời gian hơn để đầu tư cho chuyên môn, khi thu nhập của họ được cải thiện, khi giáo viên được trao quyền nhiều hơn, được hỗ trợ nhiều hơn cả từ phía nhà quản lý lẫn truyền thông xã hội, cộng đồng phụ huynh, được tin tưởng hơn, thì đổi mới giáo dục sẽ có thể tạo động lực để họ học hỏi, sáng tạo và tìm thấy niềm vui trong công việc của mình.

Bản thân nhà giáo phải thay đổi, tự “làm cuộc cách mạng cho chính mình” ra sao để thích ứng với những đổi mới cũng như vượt qua mọi thách thức?

Không phải chỉ nghề giáo, bất cứ nghề nào cũng đứng trước áp lực phải thay đổi. Mặc dù cần được sự hỗ trợ từ rất nhiều thành tố khác trong xã hội, nhưng tôi cho rằng, trong bối cảnh này, giáo viên trước hết phải dựa vào chính mình.

"Quan niệm của phụ huynh về giáo dục và thái độ của phụ huynh đối với thầy cô giáo của con, cách đối xử của nhà quản lý giáo dục đối với giáo viên sẽ ảnh hưởng đến vị thế của người thầy trong các nhà trường cũng như trong mắt học sinh".

Việc liên tục học hỏi, cập nhật các tri thức mới là điều quan trọng nhất đối với mỗi giáo viên. Vì để dạy cho học sinh của mình biết cách học, có khả năng thích ứng, trước hết giáo viên phải là một người có khả năng tự học, có khả năng thích ứng. Thông qua quá trình tự học, tự thích ứng, giáo viên mới có thể suy ngẫm về việc học, hiểu được cơ chế của việc học, đúc rút những kinh nghiệm học tập để dạy lại cho học sinh của mình.

Tôi nhận thấy, sau đại dịch Covid-19, cơ hội học tập của giáo viên lại càng mở rộng hơn bao giờ hết. Sự xuất hiện của các group giáo viên, các khóa đào tạo, workshop online đang tạo nên những cộng đồng giáo viên không biên giới, nơi mà tất cả mọi giáo viên đều có thể cho đi kinh nghiệm của mình để nhận lại vô vàn các kinh nghiệm khác từ các chuyên gia, từ đồng nghiệp.

Điều quan trọng nhất còn lại là giáo viên có muốn học, có thực sự muốn đổi mới hay không.

Tôi có tổ chức một chuỗi các workshop Dạy văn sáng tạo, miễn phí cho các giáo viên Văn cả nước vào 5h sáng Chủ nhật cuối cùng hàng tháng. Điều đáng mừng là giữa bộn bề áp lực công việc, vào một khung giờ rất đặc biệt như vậy, nhưng mỗi buổi workshop luôn thu hút vài trăm giáo viên đăng kí tham gia.

Điều này chứng tỏ rất nhiều thầy cô giáo thực sự có nhu cầu được học hỏi, được đổi mới. Nếu lan tỏa được tinh thần học hỏi này, ta có thể tạo nên những luồng gió mới trong các nhà trường.

Thực tế, một người thầy không chỉ hạnh phúc khi hoàn thành bài giảng hay, điều quan trọng khi bài giảng ấy sẽ làm thay đổi một hành vi, một cuộc sống, thậm chí một số phận. Theo chị, điều quan trọng nhất đối với một người thầy là gì?

Tôi cho rằng, mục tiêu lớn nhất của giáo dục không phải là để tạo ra các thành tích cao trong các kỳ thi, mà là chuẩn bị cho cuộc sống. 12 năm học ở phổ thông là quãng thời gian để ta chuẩn bị cho học sinh của mình sẵn sàng gia nhập, thích ứng với những đổi thay của cuộc sống.

TS. Nguyễn Thị Ngọc Minh bên người thầy của mình. (Ảnh: NVCC)
TS. Nguyễn Thị Ngọc Minh bên người thầy của mình. (Ảnh: NVCC)

Hiểu theo cách đó, cả gia đình và nhà trường đều có vai trò giúp trẻ có đủ các kiến thức, kĩ năng, thái độ cần thiết để trở thành một con người biết chung sống với tự nhiên, biết cư xử hài hòa với mọi người xung quanh và phát triển hết những tiềm năng vốn có của mình.

Vì thế, bên cạnh việc dạy kiến thức, thì việc quan sát kĩ hành vi của học sinh, phát hiện ra những tiềm năng vốn có của học sinh để khích lệ, bồi dưỡng, theo dõi sát hành trình phát triển nhân cách của học sinh để kịp thời uốn nắn là những điều quan trọng nhất.

Học sinh ngày nay có thể học kiến thức từ rất nhiều nơi, bằng nhiều kênh khác nhau, nhưng không ai thay thế được nhà trường và các thầy cô trong việc chỉ cho học sinh thấy chúng là ai, điểm mạnh của chúng là gì, bằng cách nào để có thể phát triển bản thân, làm thế nào để có thể chung sống với người khác.

Tôi nhớ, vào năm lớp 3, khi tôi còn là một học sinh rất trung bình trong lớp, thì cô giáo của tôi đã phát hiện ra tôi có khả năng viết văn, dù bài văn của tôi lúc đó rất ngây ngô. Sự phát hiện đó như một ngọn đèn sẽ soi sáng con đường tôi đi trong suốt những năm sau đó.

Khi học lớp 9, có những thời điểm tôi khủng hoảng và nổi loạn, hoang mang về chính con người mình, lúc đó thầy giáo tôi đã mắng tôi một trận nên thân. Như một liều thuốc đắng giã tật, tôi bỗng nhận ra những sai lầm của mình. Và những vấp ngã, nâng đỡ đó giúp tôi trưởng thành.

Vai trò của người thầy trong thời đại mới cần “nâng cấp” ra sao?

Tôi cho rằng không cần bất cứ một sự nâng cấp nào hết. Mặc dù công nghệ dạy học đang thay đổi, nhưng bản chất của việc dạy học thì không thay đổi, đó luôn là quá trình phát hiện, bồi dưỡng tiềm năng và vun trồng nhân cách con người, bằng sự kiên nhẫn và lòng yêu thương.

Vì thế, ta không cần nâng cấp, chỉ cần trả việc học về đúng với bản chất tự nhiên, muôn đời đó của nó.

Nhà sư phạm người Nga Usinxki từng nói: “Nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với học sinh, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ câu chuyện châm ngôn đạo đức, bất kỳ một hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác”. Chị nghĩ gì về câu nói này? Tầm quan trọng cũng như vị trí người thầy trong xã hội thế nào?

Tôi vẫn luôn nghĩ rằng, khi đối diện với học sinh của mình, người thầy không chỉ tác động đến nhận thức, trí tuệ của học sinh bằng lời nói, hành động của họ, mà đang ảnh hưởng đến học sinh bằng toàn bộ con người của họ.

"Không phải trí tuệ, kiến thức, mà lòng bao dung, yêu thương và sự say mê với công việc của người thầy mới là xúc tác quan trọng nhất cho việc học. Tôi cho rằng, người thầy chính là yếu tố quan trọng nhất cấu thành nên môi trường giáo dục xung quanh trẻ, chứ không phải là cơ sở vật chất. Sức mạnh của các trường học nằm ở nhân cách và trí tuệ của các thầy cô".

Lòng cảm thông, tình yêu thương, sự thấu hiểu, những trải nghiệm cuộc sống của giáo viên thực sự là những yếu tố vô hình, nhưng ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc tới khả năng tiếp thu thông tin của học sinh, bởi nó ngay lập tức tạo nên bầu không khí an toàn, tin cậy và kết nối trong lớp học.

Chỉ khi nào những rào cản của phản ứng phòng vệ được gỡ bỏ, chỉ khi nào học sinh cảm thấy mình thực sự được chấp nhận, một cách không phán xét và được nâng đỡ, trân trọng, lắng nghe, thì việc học mới thực sự diễn ra.

Chính vì lẽ đó, không phải trí tuệ, kiến thức của người thầy, mà lòng bao dung, yêu thương và sự say mê với công việc của người thầy mới là xúc tác quan trọng nhất cho việc học.

Tôi cho rằng, người thầy chính là yếu tố quan trọng nhất cấu thành nên môi trường giáo dục xung quanh trẻ, chứ không phải là cơ sở vật chất. Sức mạnh của các trường học nằm ở nhân cách và trí tuệ của các thầy cô.

Tôi nhớ trong câu chuyện Chiến binh cầu vồng, một câu chuyện có thật về một trường học có thật ở Indonesia, sự nỗ lực của cô giáo 17 tuổi trong câu chuyện thậm chí đã cứu được cả một ngôi trường đang có nguy cơ đổ sập. Ngôi trường To-mo-e ở Nhật Bản vào những năm sau chiến tranh đã được vận hành nhờ tâm huyết của thầy hiệu trưởng.

Có vô vàn những bằng chứng khác cho thấy, trong những hoàn cảnh khó khăn nhất của nhân loại, các trường học vẫn có thể thực hiện sứ mệnh cao cả của mình, nếu như phát huy được sức mạnh nhân cách của những người thầy. Đó có lẽ là điều cốt lõi nhất của giáo dục.

Chị có thể chia sẻ những kỷ niệm của bản thân về ngày Nhà giáo Việt Nam?

Cứ hàng năm, vào ngày 20/11, chúng tôi lại tới thăm các thầy cô giáo cũ của mình. Và mỗi lần như vậy, tôi luôn cảm thấy rất ấm áp. Là vì các thầy cô là người hiểu chúng tôi hơn ai hết, là những người vẫn luôn hướng theo chúng tôi ngay cả khi chúng tôi đã rời xa trường học.

Thật ấm áp khi biết trong cuộc sống bộn bề này, luôn có một người sẵn sàng cho ta biết ta nên làm gì trong tương lai, đâu là con đường ta không nên đi.

Với tôi, các thầy cô luôn là một chỗ dựa tinh thần. Họ giống như những cái cây lớn, chỉ lặng lẽ đứng đó, thậm chí lặng lẽ già đi, nhưng chúng tôi cảm thấy như được bóng mát của họ che chở. Vì nhân cách và trí tuệ của họ giúp tôi luôn cảm thấy có niềm tin vào cái đúng, cái tử tế trong cuộc sống.

Xin cảm ơn chị!

Theo Baoquocte.vn

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.