Trung Quốc xử lý khủng hoảng khí đốt nhờ nguồn cung từ Nga

15:09 | 04/10/2021

468 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trung Quốc đã tăng đáng kể sản lượng nhập khẩu khí đốt trước mùa đông năm nay. Các dự báo cho thấy, nhập khẩu khí đốt của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới.
Trung Quốc xử lý khủng hoảng khí đốt nhờ nguồn cung từ Nga
Đường ống dẫn khí của Gazprom sang Trung Quốc. Ảnh: Gazprom.

Trung Quốc đã tăng đáng kể sản lượng nhập khẩu khí đốt trước mùa đông năm nay. Chính quyền nước này cho biết, ưu tiên hàng đầu là đảm bảo nguồn cung năng lượng sưởi ấm cho người dân. Mặc dù sản lượng khí khai thác nội địa tăng đáng kể, song sản lượng khí nhập khẩu đang tăng nhanh từ nguồn cung khí đường ống và nguồn cung LNG trên thị trường. Các dự báo cho thấy, nhập khẩu khí đốt của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới. Trang tin 1prime mới đây đã có bài viết xung quanh việc Trung Quốc giải quyết bài toán năng lượng trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ trong nước và giá nhiên liệu LNG tăng cao.

Ưu tiên chính cho nhu cầu của dân

Sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc sau đại dịch Covid-19 trong năm 2020 cũng như việc chuẩn bị cho Thế vận hội Olympic mùa đông tại Bắc Kinh (02/2022) đang buộc chính quyền nước này phải tăng cường đảm bảo nguồn cung khí đốt cho tiêu thụ. Giới chức nước này buộc phải tăng cường nhập khẩu khí do tình trạng khan hiếm than nhiệt trong nước, khiến nguồn cung điện ở một số địa phương bị hạn chế.

Theo dự báo mới nhất của Cơ quan quản lý năng lượng nhà nước Trung Quốc, nhu cầu tiêu thụ khí đốt trong năm 2021 của nước này sẽ ở mức 365-370 tỷ m3, tăng khoảng 15% so với năm 2020. Sự gia tăng đáng kể nhu cầu khí đốt cùng với nguồn cung điện bị siết chặt khiến người tiêu dùng trong nước lo ngại về khả năng của chính quyền trong đảm bảo nguồn cung khí không bị gián đoạn trong mùa đông tới. Giới chức Trung Quốc đã có sự chuẩn bị và tuyên bố đảm bảo đủ nguồn cung cần thiết cho nhu cầu sưởi ấm vào mùa đông. Trước hết, chính quyền đặc biệt chú ý đến gia tăng sản lượng khai thác khí trong nước. Trong 8 tháng đầu năm 2021, nước này đã sản xuất 136,1 tỷ m3 khí đốt, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2020. Theo tuyên bố của Vụ kế hoạch, Ủy ban cải cách và phát triển nhà nước, sản lượng khai thác khí nội địa có thể đáp ứng hoàn toàn nhu cầu khí đốt sinh hoạt cho các hộ gia đình trên toàn quốc.

Phó Giám đốc Viện nghiên cứu thuộc tập đoàn khí đốt Bắc Kinh Bai Yong cho biết, nhu cầu khí đốt của các hộ gia đình chủ yếu chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng nhu cầu. Ngay cả trong thời gian cao điểm tiêu thụ khí đốt vào mùa đông, sản lượng khai thác khí nội địa hoàn toàn đáp ứng đủ. Tuy nhiên, giới thị trường hoài nghi về nhận định này và cho rằng, trong trường hợp xảy ra rét đậm, lượng khí đốt tiêu thụ trong sinh hoạt có thể tăng đáng kể và sản xuất trong nước sẽ không đáp ứng đầy đủ nhu cầu bổ sung này.

Để đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt không bị gián đoạn cho nhu cầu sinh hoạt, chính quyền trung ương đã quyết định gia tăng khả năng lưu trữ khí đốt trước khi mùa đông bắt đầu. Trước thời điểm hiện tại 1 năm (mùa thu 2020), công suất các kho chứa khí ngầm của Trung Quốc đã đạt 14,4 tỷ m3, tăng hơn 4 tỷ m3 so với một năm trước đó. Trong năm nay, công suất lưu trữ khí đốt ngầm tiếp tục tăng thêm 1,68 tỷ m3, bao gồm 400.000 m3 công suất bổ sung tại cảng Rudong của tập đoàn PetroChina, mới được đưa vào vận hành từ ngày 27/09 vừa qua.

Bất chấp sự tăng trưởng ổn định nguồn cung trong nước, nhập khẩu khí đốt thiên nhiên của Trung Quốc dưới dạng nhiên liệu LNG và khí đường ống trong 8 tháng đầu năm đã tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2020, lên mức 79,31 triệu tấn (tương đương 109,4 tỷ m3).

Cách tiếp cận tổng thể

Cách tiếp cận của giới lãnh đạo Trung Quốc đối với vấn đề nguồn cung khí đốt cho nhu cầu sinh hoạt và công nghiệp luôn mang tính tổng thể. Nước này không bao giờ chỉ dựa vào một nguồn cung duy nhất để đáp ứng nhu cầu trong nước. Sự gia tăng năng lực sản xuất và lưu trữ khí song song với gia tăng nhập khẩu LNG và khí đường ống.

Chuyêng gia Bai Yong tự tin rằng, Trung Quốc sẽ có thể đảm bảo tăng trưởng sản xuất khí thêm 10% trong năm nay, lên mức 210 tỷ m3, tức cao hơn khoảng 10 tỷ m3 so với kế hoạch nhà nước đề ra. Tuy nhiên, trong những năm tiếp theo, tốc độ tăng trưởng khai thác khí sẽ chậm lại và sản lượng sẽ đạt 230 tỷ m3/năm đến năm 2025.

Dự kiến, nguồn cung khí đốt đường ống từ Nga qua đường ống Power of Siberia trong năm nay sẽ tăng thêm 5,9 tỷ m3 lên mức 10 tỷ m3. Các chuyên gia trong ngành cho rằng, việc sửa chữa đường ống trong tuần 22-29/9 vừa qua sẽ ảnh hưởng đến thực hiện đầy đủ nghĩa vụ Gazprom đối với các đối tác Trung Quốc. Các chuyên gia Trung Quốc dự báo rằng, sản lượng khí đốt nhập khẩu bằng đường đường trong 4 tháng cuối năm nay sẽ không vượt quá mức cùng kỳ của năm 2020 là 16,05 tỷ m3. Sự gia tăng nhập khẩu khí đốt Nga bù đắp cho sự sụt giảm sản lượng nguồn cung từ Myanmar và các nước Trung Á.

Trong những năm tiếp theo, Gazprom có kế hoạch tăng dần xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc thông qua Power of Siberia trong khuôn khổ hợp đồng cung cấp khí đốt dài hạn với đối tác CNPC. Đến năm 2025, sản lượng khí đốt xuất khẩu sang Trung Quốc của hãng sẽ đạt 38 tỷ m3/năm, tương đương công suất thiết kế đường ống. Theo lãnh đạo Tập đoàn Gazprom Aleksei Miller, Hợp đồng dài hạn với CNPC có tầm quan trọng đặc biệt vì đây là Hợp đồng lớn nhất trong số các hợp đồng trong danh mục đầu tư của nhà sản xuất Nga. Gazprom cũng đang thảo luận với các đối tác Trung Quốc về khả năng tăng sản lượng cung cấp khí đường ống qua Power of Siberia lên 44 tỷ m3/năm.

Nhập khẩu LNG trong bốn tháng cuối năm 2021 của Trung Quốc có thể đạt 37,4-39,6 tỷ m3 (sau khi tái hóa khí), cao hơn mức cùng kỳ năm 2020 là 34 tỷ m3. Nhu cầu tiêu thụ LNG ngày càng gia tăng tại Trung Quốc và các thị trường lân cận như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đã trở thành nguyên nhân khiến giá khí đốt thiên nhiên ở khu vực châu Á-TBD tăng vọt. Theo dự báo của hầu hết các tổ chức phương Tây, giá LNG trung bình trong khu vực trong quý IV/2021 sẽ đạt 30 USD/MMBTU (hơn 1.050 USD/1000 m3). Năm nay, nguồn cung LNG cho Trung Quốc có thể tăng lên 109-111 tỷ mét khối, nhiều hơn 18% -20% so với năm 2020.

Nhập khẩu vượt 44% tổng nhu cầu khí đốt ở Trung Quốc. Các chuyên gia tin rằng sự phụ thuộc của nước này vào nguồn cung cấp khí đốt từ nước ngoài sẽ gia tăng trong những năm tới, bất chấp sự tăng trưởng dự kiến ​​trong sản xuất của chính nước này.

Tiến Thắng

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps