Trung Hoa… lẩm cẩm (?) (Kỳ 8)

08:00 | 05/02/2019

1,471 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Chu Noãn Vương vì chư hầu bức bách phải lên ngôi Thiên tử, chứ thực ra thì không hơn gì những người khác. Thiên tử vay của dân, không có cái trả, phải chạy lên đài để trốn nợ. Vì thế dân chúng gọi cái đài đó là Đài trốn nợ.

Chuyện 36 - Ngải tử

Người nước Tề dâng lên Tề Tuyên Vương một đôi guốc gỗ, đẽo rất khéo, không hề có dấu vết của dao búa gì cả. Nhà vua hỏi:

- Đôi guốc này tự nó mọc ra phải không?

Ngải Tử thưa:

- Người ta đẽo từ khuôn gỗ đó thôi!

Chuyện 37 - Phù thủy

1. Có người vào yết kiến xin được truyền cho Yên Vương phép bất tử. Nhà vua bèn sai người theo học. Học chưa xong thì chính người dạy chết.

Vua tức giận, ra lệnh giết người được vua sai đi học. Vua Yên không nghĩ được rằng, kẻ lừa dối chính là người khách, mà lại đi giết người học. Thật là oan uổng cho anh ta.

2. Theo “Bại sử”: Chung Sinh rất thích tu tiên nên đi tứ phương để cầu đạo tiên. Nhiều lần than vãn với người chung quanh: “Được làm tiên nửa ngày thì chết mới nhắm mắt được”.

3. Những năm cuối đời, Lý Bảo Trinh rất mê thuật phương sĩ, nuôi thầy trong nhà hàng năm trời để luyện đơn.

Luyện được tới hai vạn viên, nhưng chưa uống một viên nào thì thầy luyện đơn qua đời. Họ Lý mới bắt một con lợn sề to, cho uống linh đơn. Mới nhét được ba mươi viên thì con lợn đã chết.

4. Thủ bị Lưu Đô Nhất xây một cái gác thờ Ngọc Hoàng trong tư dinh, mời phương sĩ về để luyện đơn. Phương sĩ biết quan Thủ bị có một viên ngọc quý đeo trước ngực, mới lập kế chiếm bằng được, nói với chủ nhân:

- Ngọc Hoàng rất thích đeo ngọc.

Chủ nhà đem làm lễ dâng Ngọc Hoàng. Phương sĩ bè vơ cả ngọc và nhiều thứ nguyên liệu quý dùng để luyện đơn chuồn thẳng.

Hứa Thạch Thành biết chuyện, mới làm thơ chửi quan Thủ bị:

“Tích vàng, trữ ngọc nhiều như núi

Lại còn theo thầy phù thủy học luyện đơn

Tay không đến nhà, chẳng nhẽ tay không ra đi

Ngọc Hoàng vốn không đeo ngọc đâu”.

Chuyện 38 - Những vị vua ngốc

1. Lưu Huyền lên ngôi Hoàng đế. Quần thần đứng chúc mừng. Nhà vua cúi đầu, đưa tay quờ quạng mặt chiếu, mồ hôi toát ra.

2. Tấn Huệ Đế ở trong vườn Hoa Lâm, nghe tiếng ễnh ương kêu, mới hỏi tả hữu:

- Con này kêu vì việc công hay kêu vì việc riêng?

Thị trung Giả Dẫn thưa:

- Khi nó ở trên đất công thì nó kêu vì việc công. Khi nó ở trên đất riêng thì nó kêu vì việc riêng.

Gặp năm mất mùa, trăm họ chết đói rất nhiều, Huệ Đế nghe được, hỏi:

- Sao họ không ăn cháo thịt cho khỏi chết đói?

3. Tấn Dương thất thủ, Tề Hậu Chủ bỏ chạy. Giác Luật Hiếu Khanh mời nhà vua đứng ra hiệu triệu, động viên binh sĩ. Văn từ đã được soạn sẵn từ trước. Giác Luật dặn thêm:

- Nhà vua nên tỏ cảm khái, khóc lóc để dễ kích động lòng quân sĩ.

Mọi người tụ tập rất đông để nghe nhà vua. Nhà vua không còn nhớ gì lời dặn cứ thế cười lớn vô cớ, tả hữu cũng ngớ ngẩn cười theo.

Tướng sĩ chỉ còn cách giải tán.

4. Tư Mã Văn Vương hỏi Lưu Thiện:

- Có nhớ đất Thục không?

Thiện thưa:

- Ở đây vui lắm, không nhớ Thục.

Trở về quán dịch, Khước Chính bảo Lưu Thiện:

- Nếu vua hỏi lại, phải khóc mà nói rằng: "Phần mộ của tổ tiên đều ở Thục, lòng không lúc nào quên".

Lần sau, Văn Vương lại hỏi. Lưu Thiện nhắm mắt lim dim nói lại lời Khước Chính dặn. Văn Vương hỏi:

- Có phải lời Khước Chính dặn không?

Lưu Thiện kinh ngạc:

- Thật quả đúng như bệ hạ dạy!

5. Vương Thái hậu bệnh ngày càng nặng. Gọi Tống Tử Nghiệp vào hậu cung. Tử Nghiệp hỏi:

- Ở chỗ người bệnh thường lắm ma. Ma đi đâu cả rồi mà không thấy gì cả?

Thái hậu tức giận, nói với bọn thị thần:

- Lấy dao mổ bụng ta ra xem, từ chỗ nào mà lại sinh ra một thằng con như thế này?

6. Dương Huyền Cảm thất bại, nhà vua lệnh đem giết cả bè đảng. Vua phán:

- Huyền Cảm mới lên tiếng kêu gọi mà người theo hàng chục vạn rồi. Thế mới biết, thiên hạ chẳng cần nhiều người làm gì. Nhiều chỉ tổ tụ tập làm giặc. Chi cho bằng giết bớt đi, khỏi phải lo sau này.

Thế rồi hạ lệnh giết hơn ba vạn người.

Ít lâu sau, nhà vua đến Đông Đô, nhìn đường phố người đông như kiến, quay lại hỏi bọn thị thần:

-Thế mà vẫn còn nhiều người như vậy sao?

Lời nói: "Không cần nhiều người làm gì" thì sự ngu ngốc đã vượt cả các vua ngu ngốc đời trước nhiều lắm. Nhưng nếu so với lời Dương Quảng thấy trời đất nhiều điềm quái dị, Dương Quảng soi gương nói: "Cái đầu đẹp như thế này, ai nỡ chém được?".

Trời ngu thì còn có ngày mở, người ngu thì chẳng bao giờ sáng ra được.

7. Quân nhà Tùy kéo vào Đài Thành, quần thần khuyên vua Trần Thúc Bảo nên nghe theo cách làm của Lương Vũ Đế đến gặp Hầu Cảnh trước đây. Trần Hậu Chủ từ chối:

- Trẫm đã có cách rồi.

Rồi kéo bọn cung nhân hơn mười người điện Cảnh Dương định chui xuống giếng trốn. Viên Hiến cùng Hạ Hầu Công ra sức khuyên can, Hậu Chủ nhất định không nghe. Họ lấy thân mình che miệng giếng, nhưng cuối cùng Trần Hậu Chủ vẫn chui được xuống giếng.

Quân Tùy gọi nhưng dưới giếng vẫn yên lặng, dọa sẽ ném đá xuống, Hậu Chủ mới chịu lên tiếng. Họ giòng dây xuống để kéo vua Trần lên. Nhưng sao mà quá nặng. Thì ra là ba người chứ không phải chỉ mình Hậu Chủ, có cả Trương Quý Phi và Khổng Quý Tân.

Về sau người ta gọi cái giếng ở cung Cảnh Dương này là giếng nhục. Lúc đầu, khi tướng Hạ Nhược Chúc chiếm được Kinh Khẩu, đã có cấp báo về kinh đô. Nhưng Thúc Bảo vẫn còn uống rượu, đến mức bất tỉnh. Cao Hiển vào cung còn thấy tờ tâu cấp báo việc nước này trên ngự sàng của Hậu Chủ nhưng chưa hề được mở ra đọc.

Thúc Bảo gặp vua Tùy, chỉ xin được một chức quan. Vua Tùy phán rằng:

- Thúc Bảo là người không có gan ruột, tim óc gì cả.

Chuyện 39 - Trốn nợ, chôn tiền

1. Chu Noãn Vương vì chư hầu bức bách phải lên ngôi Thiên tử, chứ thực ra thì không hơn gì những người khác.

Thiên tử vay của dân, không có cái trả, phải chạy lên đài để trốn nợ. Vì thế dân chúng gọi cái đài đó là Đài trốn nợ.

2. Tống Minh Đế hoang dâm vô độ, công khố trống không, đã lệnh cho tiểu hoàng môn chôn tiền ngay trong nội điện để giữ làm tiền tiêu riêng.

Tử Do ta nói rằng: Nên gọi Chu Noãn Vương là Chúa Chổm. Còn Tống Minh Đế là thần giữ của.

Chuyện 40 - Những kẻ làm giặc ngu ngốc

1. Trương Phong mê muội thuật phù thủy. Một thầy phù thủy nói Phong có số làm Thiên tử rồi lấy một viên đá bỏ trong một cái túi ngũ sắc ở tay Trương, bảo Trương:

- Trong viên đá này có ngọc tỉ.

Phong tin lão ta làm phản. Đến khi sắp rơi đầu, Phong còn kịp nói:

- Túi ở tay có ngọc tỉ.

Người đi bên lấy viên đá đập vỡ ra, mới biết là bị lừa.

Trương ngửa mặt kêu trời:

- Đáng chết lắm, không còn ân hận gì nữa.

2. Năm thứ tư niên hiệu Kiến Bình, Mộ Dung nhà Nam Yên, Vương Thủy dùng yêu thuật tụ tập dân chúng nổi dậy ở Thái Sơn. Tự xưng là Thái Bình Hoàng đế, phong cho cha là Vương Quýnh làm Thái Thượng hoàng, anh là Vương Lâm làm Chinh Đông tướng quân, em là Thái làm Chinh Tây tướng quân.

Mộ Dung sai kỵ tướng quân Vương Chấn tiễu trừ, bắt sống được Vương Thủy.

Có người hỏi Vương Thủy:

- Sao lại núp danh yêu thuật mà làm loạn đến nỗi gây họa diệt cả tộc họ? Cha anh hiện ở đâu?

Vương Thủy đáp:

- Thái thượng hoàng đang còn ở ngoài. Chinh đông, Chinh tây tướng quân bị giết trong đám loạn quân. Như trẫm bây giờ biết trông cậy vào đâu để hồi phục lại vương nghiệp?

Người vợ là Triệu Thị nghe Vương Thủy nói, tức giận lên tiếng chửi chồng:

- Nhà vua chỉ ngồi mà nói khoác. Đến lúc chết rồi biết lấy gì mà bọc thây đây?

Vương Thủy vẫn từ tốn:

- Hoàng hậu không hiểu được mệnh trời rồi. Tự cổ chí kim, liệu có quốc gia nào mà không mất cho được?

Đến khi đao phủ giơ kiếm lên, Vương Thủy vẫn còn kịp nói:

- Trẫm đã làm khổ khanh nhiều, nay thế là băng nhưng vẫn không chịu đổi tôn hiệu đâu!

(Còn tiếp)

Theo "Cổ kim tiểu sử của Phùng Mộng Long"