Trung Hoa… lẩm cẩm (?) (Kỳ 7)

15:00 | 04/02/2019

922 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Quyên Thạch Lương tính hay sợ sệt vô lối. Trước tiên là sợ nhìn thấy hình của mình trong gương, cho rằng đó là ma quỷ sợ đến nỗi khiếp đảm và chết.

Chuyện 31 - Cắt râu

Quách Thứ Tiên tính tình phóng túng, không chịu bó buộc cúi mình theo những thói tầm thường của người đời.

Tống Thái Tổ nghe tiếng, triệu Quách vào triều, cho ở trong quán xá cùng với quan Nội thị Đậu Thần Hưng. Thứ Tiên có một bộ râu dài, rất đẹp. Bỗng nhiên, có hôm cắt trụi. Thần Hưng kinh ngạc hỏi nguyên do. Họ Quách đáp:

- Để cho người ta không bắt chước!

Chuyện 32 - Phát điên vì thơ

1. Một nhà Nho già ở Phong Môn tên là Chu Dã Hàng rất hay thơ. Khi dạy học ở nhà họ Vương, chiều tối thầy cùng chủ nhà ngồi uống rượu với nhau, chủ nhà vào nhà trong trước, còn mình thầy đồ ngồi. Gặp lúc trăng vừa lên, Dã Hàng làm được hai câu thơ:

“Vạn sự chẳng bằng trong tay có rượu

Một năm mấy lượt thấy trăng trên đầu”.

Ông già sướng như điên, đập cửa rất mạnh, gọi chủ nhân dậy. Cả nhà hoảng hốt, nghĩ rằng có hỏa hoạn hoặc kẻ trộm. Ra mở cửa mới biết đầu đuôi. Chủ nhà lại lấy rượu ra chuốc:

Cùng là rượu uống, thầy đồ thì thưởng thơ, còn chủ nhà thì để hết hẳn cơn sợ hãi.

2. Chu Phác người Phúc Kiến rất say mê với thơ từ. Mỗi khi gặp cảnh, nghĩ ngợi mông lung, tìm ý mới lạ, trời chiều mà quên cả việc trở về nhà. Nếu được một câu thơ vừa ý thì tự lấy làm thỏa mãn, vui mừng hiện ra mặt.

Lần ấy, Chu Phác vào rừng chơi, thấy một người gánh củi. Họ Chu túm ngay lấy, hét tướng:

- Ta túm được rồi nhé! Rõ đúng là:

“Nơi nào con cháu còn lêu lổng

Tùng bách bị người chặt làm củi đun".

Người gánh củi vừa sợ vừa ngạc nhiên, giằng ra, bỏ cả gánh củi mà chạy thoát thân. Chẳng may gặp một toán lính tuần bắt ngay. Tra hỏi đủ điều, đến khi Chu Phác nói:

- May gặp bác này mới làm được hai câu thơ ưng ý!

Bọn lính mới thả cho người tiều phu khốn khổ.

3. Một người học trò biết tiếng Chu Phác nhưng Chu Phác chưa từng gặp anh ta. Muốn giở trò đùa Chu Phác, anh học trò cưỡi một con lừa đi đủng đỉnh, thấy Chu Phác thì lấy mũ trên đầu, che mặt, ngâm hai câu thơ của Chu Phác:

"Nơi nào sức của vua Vũ không tới

Thì nước sông trong chảy về Đông".

Chu Phác nghe, cứ lẽo đẽo đi theo anh ta, anh ta lại cố tình giục lừa đi nhanh hơn, không thèm để ý. Đi được mấy dặm, Chu Phác đuổi kịp, hổn hển nói với anh ta:

- Thơ của tiểu nhân là: "Thì nước sông trong chảy về Tây" chứ không phải chảy về Đông.

Anh học trò yên lặng gật đầu lia lịa, rồi cứ thế bỏ đi.

Dân vùng Phúc Kiến truyền nhau làm chuyện cười cho vui.

Chuyện 33 - Lo sợ vô lối

1. Quyên Thạch Lương tính hay sợ sệt vô lối. Trước tiên là sợ nhìn thấy hình của mình trong gương, cho rằng đó là ma quỷ sợ đến nỗi khiếp đảm và chết.

2. Lục Niệm sợ rất nhiều thứ khác thường. Sợ nước, sợ chó, sợ quỷ. Đêm ngủ phải có người nằm cạnh để nắm tay mới yên lòng. Nếu không cũng phải kê liền hai giường với nhau.

Còn đi đường nếu gần thì không bao giờ đi thuyền. Đi xa, nếu buộc phải đi thuyền thì uống rượu cho thật say, lấy chăn dày trùm kín đầu cho tới khi đến nơi mới thôi.

Nếu bị gọi dậy, sợ hãi la hét điên khùng như sắp chết đến nơi.

Đang đi trong phố chợ, thấy chó, trốn sau lưng người khác. Nghe tiếng chó cắn thì co cẳng mà chạy thục mạng. Đến thăm nhà ai, nhất định phải có người đi trước để canh chó.

Từ Thanh Viễn ở trọ trong nhà họ Hàn, sân họ Hàn có nuôi hạc, Lục Niệm tới thăm Thanh Viễn gặp lúc cửa không có ai coi. Lục không dám vào, đứng chờ mãi ngoài cổng. Đến khi Thanh Viễn biết, hỏi:

- Bác sợ hạc như sợ chó, không sợ thiên hạ cười sao?

Chuyện 34 - Tham lam ngu ngốc

1. Đường Huyền Tông muốn đưa Ngưu Tiên Khách làm Tể tướng nhưng e các quan không đồng tình, mới ướm hỏi Cao Lực Sĩ. Cao Lực Sĩ nói không thể được. Hoàng đế tức giận phán:

- Thế thì đưa Khang Củng làm Tể tướng nữa sao?

Đấy chẳng qua là trong lúc giận dữ, đem cái không thể ra để mà làm cho đúng sự có thể của mình mà thôi. Thế nhưng, tả hữu có người nhanh nhảu đã đem lời này nói lại với Khang Củng. Khang Củng cho đó là chuyện tất nhiên, lập tức mặc triều phục vào cung, vênh vang, tưởng như sẽ làm Tể tướng ngay rồi.

Ai cũng thấy buồn cười.

2. Thời Đường Thế Tông, Thông Châu cấp báo có giặc xâm phạm. Hoàng đế tức giận xử phạt nặng quan Đại Tư mã Đinh Nhữ Quỳ. Các quan trong triều an ủi, Đại Tư mã than:

- Hoạn đồ trắc trở như thế này thì thật chẳng còn lòng nào mà mang đai đội mũ nữa.

Trong đồng liêu, có người đùa:

- Nếu bắt quan Binh bộ Thượng thư mỗi ngày giết một người thì quả nên từ chức thật. Nhưng chỉ đòi mỗi tháng giết một người thì cũng còn có thể làm được.

3. Thân phụ Vương Bác là Vương Tộ về hưu, cho gọi một thầy bói mù tới để hỏi thọ mệnh ra sao. Từ tám mươi, rồi chín mươi, lên hẳn một trăm, lão thầy mù đều kính cẩn:

- Chưa đâu, chưa đâu. Thọ tinh mệnh của cụ lớn phải một trăm ba, một trăm tư.

Vương Tộ mừng lắm. Lại hỏi trong khoảng thời gian ấy có tai ách gì cần phải lưu tâm không?

Thầy bói tính từ tuổi hiện tại của Vương Tộ cho mãi tới năm một trăm hai mươi tuổi mới phán rằng:

- Lúc này lưu tinh có khuyết hãm, không có lợi cho thọ mệnh lắm.

Vương Tộ sợ hãi, thầy mù trấn an:

- Nhưng không nguy hiểm gì lắm, chỉ đau bụng chút thôi, xin cụ lớn yên tâm. Chẳng bao lâu thì lại yên ổn cả thôi.

Vương Tộ quay lại nói với lũ cháu con đương đứng xếp hàng ở sau lưng:

- Chúng mày nhớ cho kỹ. Đến năm ấy, nhớ đừng cho tao ăn canh nguội.

4. Ở miếu sứ giả Cửu Thiền trên Lư Sơn có một đạo sĩ, không rõ họ tên, thân hình lực lưỡng, sức ăn hơn cả mấy người. Cuối đời lại uống đơn sa, mong có ngày thành tiên đắc đạo để bay lên trời.

Quan Thứ sử của bản hạt có nuôi hạc, gặp gió, bay lạc, hạ xuống nghỉ trước đạo quán. Hạc cất tiếng kêu, vẫy cánh nhởn nhơ như mới trên thiên đình hạ xuống. Đạo sĩ vừa kinh ngạc vừa vui sướng, lệnh cho hương, bốc thẻ xem mệnh trời dậy ra sao. Quẻ cho biết đạo sĩ được thiên cung cho gọi. Liền ra lệnh tiểu đồng giữ lấy con hạc cho trưởng lão cưỡi lên. Con hạc gầy yếu, làm sao chịu nổi thân hình trưởng lão? Hạc gẫy cánh, máu rỉ ra, đêm ấy, hạc qua đời.

Ngày hôm sau, người nuôi hạc cho Thứ sử biết chuyện, trình lên, may mà Thứ sử lượng tình, không bắt tội.

Xử sĩ Trần Trầm biết chuyện, làm thơ chê trách:

“Rượu thịt nhiều, muốn lên trời

Nát tan mây tím, tả tơi mây vàng

Lưng rồng, cánh hạc tan hoang

Lại xin mượn tạm đại bàng Ma Cô”.

1. Gần đây, ở vùng Triết Giang có một sĩ phu theo học đạo tiên, tu luyện mãi, phát cuồng. Nghĩ rằng đã có thể siêu thoát, mới sai đạo đồng, kê chồng mấy chiếc bàn lên nhau ở vườn sau, đạo sĩ trèo lên, vẫy vẫy tay để bay.

Nhưng lại rơi xuống gãy cả hai tay, chữa trị mấy tháng mới tạm lành.

2. Ngôi Tể tướng là tôn kính, nhưng ngay cả kẻ tầm thường nhất vẫn cứ vọng tưởng. Giết người, là một thảm họa, nhưng vì ngôi Binh Bộ Thượng thư thật hấp dẫn, nên một tháng phải giết một người vẫn chịu khó làm. Phú quý làm hư con người ta đến thế.

Phú quý đã không được thì tính đến chuyện sống lâu vậy. Nên có chuyện tu tiên. Ngu mà tham, chuyện càng ngớ ngẩn.

Có người nằm mộng, thấy khách đến trả tiền, tỉnh lại, tìm người này, đòi tiền. Người này cãi:

- Anh nằm mơ sao?

Kẻ nằm mộng cũng cãi:

- Thì đúng thế. Anh chính là người trong giấc mơ trả tiền cho tôi. Không được chối!

Thật là vừa ngu vừa tham. Tần Thủy Hoàng, Hán Vũ Đế lấy bao nhiêu của, tiền thiên hạ để cầu tiên? Lương Vũ Đế ba lần đem thân làm sư chùa Đồng Thái, đến nỗi quần thần ba lần xuất tiền ra chuộc mạng vua. Thật vừa tham vừa ngu vậy.

Chuyện 35 - Anh họ thẩm dở hơi

Họ Thẩm hơi dở người. Một hôm lên chợ, thấy người ta kể chuyện Dương Văn Quảng bị vây ở Liễu Thành, trong thì lương thảo hết, ngoài thì không quân cứu viện. Họ Thẩm buồn rầu rũ rượi, ngày đêm không nguôi. Lúc nào cũng lẩm nhẩm một mình: “Dương Văn Quảng bị vây khốn như vậy, làm thế nào để giải vây đây?”. Người nhà khuyên đi chơi cho khuây khỏa.

Anh ta nghe theo, ra đường, thấy người vác bó tre đi chợ, họ Thẩm lại nghĩ: “Đầu bó tre nhọn thế kia, thế nào rồi người trên đường cũng có kẻ bị nó đâm phải mất thôi”. Trở về với hai nỗi lo, bệnh tình càng nặng hơn.

Người nhà đành mời thầy phù thủy đến nhà, chữa bằng mẹo. Thầy phù thủy dọa:

- Những bệnh như của anh, ta đã tra sổ dưới âm phủ rồi, chết phải đầu thai thành đàn bà, gả cho một kẻ thuộc tộc Ma Cáp Hồi, mặt mũi rất xấu xí.

Bệnh tình càng nguy kịch hơn, bạn bè đến thăm, an ủi:

- Cứ giữ cho thư thái, đừng lo nghĩ gì, bệnh sẽ tự khỏi.

Họ Thẩm trả lời:

- Muốn thư thái được thì Dương Văn Quảng phải được giải vây, người vác tre phải đem tre ngay về nhà, bọn đàn ông Ma Cáp Hồi phải dâng thư nguyện không lấy vợ nữa.

(Còn tiếp)

Theo "Cổ kim tiểu sử của Phùng Mộng Long"

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.