'Train to Busan': Chuyến tàu mang tên nhân tính

22:30 | 16/08/2016

1,199 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Sau tiếng vang của "Time Renegades", "The Wailing và Handmaiden"…"Train to Busan" tiếp tục là một bộ phim thành công khác của điện ảnh Hàn Quốc trong năm 2016.

1. Khi trailer đầy kịch tính về bộ phim được mệnh danh là tác phẩm về “xác sống” đầu tiên của điện ảnh Hàn Quốc ra mắt, rất nhiều người đã kỳ vọng cũng như chờ đợi siêu phẩm kinh dị, hình sự bom tấn này ra mắt. Và quả thật, Train to Busan đã không làm khán giả thất vọng khi chính thức công chiếu toàn thế giới vào đầu tháng 8.

tin nhap 20160816220412
Sau chuyến tàu xung đột giai cấp trong Snowpiercer (2013), Hàn Quốc lại tiếp tục thành công với một con tàu đầy xung đột nhân tính khác.

Thây ma – những xác sống, người vô hồn chỉ biết điên loạn săn đuổi, cắn giết những kẻ may mắn còn tỉnh táo vốn là đề tài đã quá quen thuộc với công chúng. Mỗi năm, Hollywood lại cho ra mắt rất nhiều phim về thể loại này. Trong đó, có hai tác phẩm lớn, ghi dấu ấn đặc biệt trên màn ảnh trong nhiều năm trở lại đây chính là The World of War Z của Brad Pitt và siêu phẩm truyền hình The Walking Dead.

Làm phim về thây ma thì đầu tiên là yêu cầu rất cao về độ hoành tráng, ghê rợn, đáng sợ và phải cực kỳ chân thật về hình ảnh; “tập đoàn” thây ma thì càng khổng lồ, đông đúc càng tốt. Không những vậy, thể loại phim này còn đòi hỏi phải biết cách tạo ra những tình tiết căng thẳng, mâu thuẫn lẫn kịch tính trong nhóm người còn sống bị đặt vào hoàn cảnh hiểm nghèo.

Và điện ảnh Hàn Quốc đã chứng tỏ, họ có thể làm được và làm rất tốt câu chuyện về những thây ma này.

Nội dung phim Train to Busan xoay quanh con tàu cao tốc chỉ rộng 3m với vận tốc hơn 300k/h. Trong không gian chật hẹp, dài ngoằng của nhiều toa tàu, con người và thây ma bị nhốt chung cùng nhau. Không thể chạy trốn, không thể rời tàu, tất cả những gì mà các nhân vật “người” phải làm là đương đầu và chiến đấu. Từ đó, hành trình thảm khốc của đoàn tàu cao tốc với mục tiêu tiến về thành phố Busan “an toàn” là chuỗi những kinh hoàng, mất mát mà hẳn là tất cả những hành khách của nó sẽ không bao giờ quên được.

Quá trình sinh tồn trên tàu cũng là quá trình mà khán giả được chứng kiến bản chất của từng nhân vật, từng cá nhân đại diện cho nhiều thành phần trong xã hội được bộc lộ rõ nét nhất.

tin nhap 20160816220412
"Thây ma” theo kiểu Hàn: tinh nhanh, thính tai nhưng lại bị mù lòa…

Khi chiếc áo sơ mi mà nhân vật chính Seok-woo mặc mang một màu trắng tinh tươm sạch sẽ ở đầu phim, thì suy nghĩ của gã đàn ông làm công việc đầu tư tài chính là chỉ nghĩ tới bản thân mình. Anh ta vô tâm với vợ, với mẹ và với cả cô con gái duy nhất của mình – Su-an. Nhưng khi chiếc áo ấy thấm đầy máu của người khác – của bầy xác sống và những con người xa lạ ở giữa và cuối phim- thì tâm hồn Soek-woo đã thấu hiểu hơn về tình người, tình đồng loại và tình cảm sâu nặng giữa cha và con.

Tiếc rằng, có những thứ đã quá muộn để nhận ra và bù đắp cho nhau. Tình cảm cha con giữa Seok-woo và Su-an là trọng tâm của cả phim, được nhấn mạnh và xây dựng sâu sắc nhất. Bên cạnh đó, còn có những mối quan hệ khác trong cuộc sống được phản ánh như tình vợ chồng, tình bạn bè. Và trên hết, là tình thương giữa con người với con người.

Thây ma trong phim chỉ là bối cảnh được đặt ra để cuộc chiến giằng co tâm lý của con người được khắc họa một cách rõ nét nhất. Và với Train to Busan, khía cạnh tâm lý ấy được thể hiện qua cái cách con người đối xử với nhau.

tin nhap 20160816220412
Ba mối quan hệ chủ đạo và được xây dựng rõ nét nhất trong phim

Điện ảnh Hàn Quốc vốn rất có “thế mạnh” trong việc xây dựng và phát triển các yếu tố tình cảm (melo drama), tạo ra sự đồng cảm cũng như thu hút sự quan tâm của khán giả với số phận từng nhân vật trong phim. Và lần này, điểm mạnh ấy đã được phát huy rất tốt.

Tuy nhiên, thay vì chọn cách thể hiện “vật vã, sầu thảm, khóc lóc ồn ào” như các phim Hàn khác, đạo diễn Yeon Sang-Ho đã biết cách tiết chế, lồng ghép những mất mát, đau thương ấy thông qua những cảnh phim không lời, chỉ có nước mắt rơi dài trên nền nhạc du dương. Và sự bi ai nhờ thế mà lại càng trở nên đau tới thắt lòng.

Kịch bản phim dồn dập với nhiều tình tiết gay cấn, hiểm nguy liên tục được đặt ra, thử thách nhân vật cũng như tạo căng thẳng cho khán giả. Tuy làm phim về thây ma, nhưng tông màu trong phim lại mang nhiều sắc màu đa dạng, thay vì chỉ dùng một tông trầm tối u ám như nhiều phim Hollywood. Khi là màu vàng nồng ấm của tình người, sự sắc lạnh đen tối của tính ích kỷ, tông xanh đen của nỗi sợ và cuối cùng là ánh sáng rạng rỡ vẫn chiếu rọi trong hoàn cảnh hoang tàn, đổ nát.

Train to Busan có lẽ là một trong những phim về thây ma có tông màu phim đẹp và rực rỡ nhất!

tin nhap 20160816220412
Bộ phim Seoul Station cũng của đạo diễn Yeon Sang-Ho được cho là tiền truyền của Train to Busan; phim cũng là live-action đầu tay của vị đạo diễn chuyên làm phim hoạt hình này

2. Diễn xuất của các diễn viên cũng là một điểm cộng đáng khen. Phim có rất nhiều nhân vật với cá tính, màu sắc khác nhau. Và mỗi diễn viên đều hoàn thành khá vừa vặn hình tượng nhân vật mà họ đảm nhận. Trong đó, nổi bật nhất chính là cô bé Kim Soo An với ánh mắt “biết nói” đầy ám ảnh.

"Train to Busan" là một câu chuyện kinh dị đậm tính nhân văn được diễn đạt theo cách vừa xúc động xen lẫn cả… hài hước. Trong nhịp độ căng thẳng, kịch tính của cuộc chay đua sinh tồn, thỉnh thoảng biên kịch còn khéo léo đan cài vài tình huống gây cười để “giải tỏa” tâm trạng cho người xem. Tổng thể, phim đã cân bằng khá tốt yếu tố giải trí lẫn chiều sâu, đủ sức để lại dư âm cho khán giả sau khi phim kết thúc.

tin nhap 20160816220412
Cap: Cô bé Kim Soo An với diễn xuất tự nhiên đã lấy đi nước mắt của rât nhiều khán giả

Tuy nhiên, vì quá chăm chút cho những tình tiết “nhân văn” nên đôi khi mạch phim hơi bị thừa thãi nhiều chi tiết “cảm động” quá đà. Quá nhiều cảnh bịn rịn chia tay quen thuộc được lặp đi lặp lại tới vài lần trong phân đoạn từ nửa sau của phim. Với việc quá sa đà vào chuyện khắc họa tình cảm nhân văn giữa các nhân vật, thì vô tình khiến cho sự “khốc liệt” của phim chưa được khai thác đúng mức.

Sự vô tình, lạnh lùng và xấu xa của con người trong những phút cao trào vẫn chưa được đẩy tới tận cùng. Thậm chí, ngay cả nhân vật được cho là “phản diện” của phim vẫn được biện hộ với động cơ có thể cảm thông. Nếu dám “mạnh tay” thêm chút nữa, chắc chắn Train to Busan sẽ khiến những khán giả “chai sạn”, “lạnh lùng” nhất cũng phải “khuất phục”. Còn với những ai “mềm mỏng” hơn, thì hẳn đa phần trong số họ đều đã không thể kìm được nước mắt.

Bỏ qua những thiếu sót, Train to Busan vẫn là một bộ phim tâm lý, hồi hộp và kinh dị xứng đáng được khán giả trải nghiệm tại các rạp chiếu.

Sau khi nhận được phản hồi tích cực khi ra mắt tại Cannes 2016, Train to Busan đã càn quét phòng vé Hàn quốc sau ngày công chiếu đầu tiên với 5.8 triệu USD, sau 19 ngày đã có 10 triệu lượt khán giả xem phim. Vượt qua cả bom tấn lịch sử Hàn Quốc Đại thủy chiến và bom tấn Captain America: Civil War trong năm nay.

Và bộ phim thây ma đầu tiên của Hàn này dự kiến sẽ lại được cái nôi của dòng phim zombie là Hollywood mua bản quyền chuyển thể.

Trịnh Hiếu

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...