TP HCM: Đầu tư gần 11.000 tỉ đồng cho nhà ga T3

18:40 | 10/03/2021

210 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dự kiến tháng 10/2021, nhà ga T3 thuộc sân bay Tân Sơn Nhất, sẽ được khởi công đầu tư khoảng 10.990 tỉ đồng bằng nguồn vốn hợp pháp của ACV.

Đầu tư nhà ga T3…

Theo thông tin từ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), hiện Bộ Quốc phòng đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, cho phép Bộ Quốc phòng được thực hiện trước việc bàn giao mặt bằng khu đất 16,5 ha do Quân chủng Phòng không - Không quân đang quản lý (thuộc phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM) với hình thức chuyển giao cho địa phương quản lý để xây dựng nhà ga T3. Và hiện Văn phòng Chính phủ đã nhận được văn bản của Bộ Quốc phòng, đang xin ý kiến của các Bộ, ngành liên quan để trình Thủ tướng phê duyệt.

Dự kiến tháng 10/2021, nhà ga T3 thuộc sân bay Tân Sơn Nhất, sẽ được khởi công đầu tư khoảng 10.990 tỉ đồng bằng nguồn vốn hợp pháp của ACV
Dự kiến tháng 10/2021, nhà ga T3 thuộc sân bay Tân Sơn Nhất, sẽ được khởi công đầu tư khoảng 10.990 tỉ đồng bằng nguồn vốn hợp pháp của ACV

Cũng theo đại diện ACV, sau khi có ý kiến của các bộ ngành và được Thủ tướng phê duyệt, ACV sẽ triển khai công tác chuẩn bị đầu tư dự án. Hiện các thủ tục đấu thầu, thiết kế, kỹ thuật đã chuẩn bị sẵn sàng, chỉ chờ Thủ tướng đồng ý và cho phép Bộ Quốc phòng giao đất là dự án có thể khởi công ngay vào tháng 10 tới, hoàn tất sau 24 tháng.

ACV cho biết thêm, theo Quyết định 657 của Thủ tướng Chính phủ, Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất công suất 20 triệu hành khách/năm có tổng vốn đầu tư khoảng 10.990 tỉ đồng bằng nguồn vốn hợp pháp của ACV. Quy mô nhà ga và các công trình phụ trợ đồng bộ, phục vụ khai thác nội địa tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đáp ứng yêu cầu khai thác, phù hợp với quy hoạch và phân chia sản lượng khai thác giữa sân bay Long Thành và sân bay Tân Sơn Nhất, giảm tải cho nhà ga T1 hiện đang quá tải, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.

… và giữ nguyên nhà ga T1 và T2

Trước đó, Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng và UBND TP.HCM phối hợp điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất từ đất quốc phòng sang đất giao thông trình Chính phủ phê duyệt.

Về phía Bộ Quốc phòng, mặc dù đơn vị này đã đồng ý về mặt chủ trương nhưng nếu chờ thông qua điều chỉnh quy hoạch sẽ mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện dự án. Do đó, ACV đã đề xuất Bộ Quốc phòng trình Chính phủ cho phép tách riêng và thực hiện ngay việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đối với khu đất trên. Việc tách riêng từng dự án được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và đã từng có tiền lệ đối với một số dự án công trước đây liên quan đến đất quốc phòng.

Về quy hoạch chi tiết của Bộ GTVT đối với Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn 2021 - 2030. Và theo phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất, sẽ xây dựng hệ thống radar thời tiết công nghệ Doppler phía đông bắc cảng hàng không, tiếp giáp với khu xử lý nước thải và thu gom chất thải rắn, diện tích khoảng 1.600 m2.

Với khu phục vụ mặt đất, hệ thống sân đỗ ô tô sẽ được ghiên cứu bố trí hợp khối tổ hợp sân đỗ ô tô và nhà xe nhiều tầng với nhà ga hành khách T3, quy hoạch các luồng ra, vào phù hợp với diện tích đất mở rộng.

định hướng đến 2030, nhà ga hành khách T1 và T2 vẫn giữ nguyên và được cải tạo, mở rộng để nâng công suất phục vụ đạt khoảng 30 triệu người/năm, bổ sung nhà ga T3 ở phía Nam với công suất đáp ứng 20 triệu khách
Theo quy hoạch và định hướng đến 2030, nhà ga hành khách T1 và T2 vẫn giữ nguyên và được cải tạo, mở rộng để nâng công suất phục vụ đạt khoảng 30 triệu người/năm, bổ sung nhà ga T3 ở phía Nam với công suất đáp ứng 20 triệu khách

Ngoài ra, quy hoạch cũng bổ sung đồn công an, bố trí tại khu vực bãi đỗ xe ô tô phía đông nhà ga hành khách T2, diện tích khoảng 300 m2. Điều chỉnh công năng nhà xe ngoại trường phục vụ trực tiếp nhà ga T3 thành bãi tập kết trang thiết bị mặt đất; điều chỉnh vị trí từ phía đông nhà ga T3 sang phía tây nhà ga hành khách T3.

Cục Hàng không được giao tiếp tục rà soát, tính toán, cập nhật vị trí, quy mô, phạm vi, công nghệ,.. các hạng mục của quy hoạch (nếu cần thiết), đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật; đảm bảo sự kết nối, thống nhất với các công trình hạ tầng kỹ thuật có liên quan trong khu vực…

Theo đó, định hướng đến 2030, nhà ga hành khách T1 và T2 vẫn giữ nguyên và được cải tạo, mở rộng để nâng công suất phục vụ đạt khoảng 30 triệu người/năm, bổ sung nhà ga T3 ở phía Nam với công suất đáp ứng 20 triệu khách. Bổ sung 3 đường lăn song song và bổ sung 5 đường lăn thoát nhanh, các đường lăn nối. Sân đỗ máy bay trước ga T3, sân phía Tây Nam sẽ được bổ sung 56 vị trí, nâng tổng vị trí đỗ của sân bay lên 106.

Tổng diện tích đất quy hoạch là 791 ha, gồm 545 ha đất cảng hàng không Tân Sơn Nhất hiện hữu, 19 ha đất quốc phòng đã tạm bàn giao làm sân đỗ, 18 ha đất quốc phòng liên danh với hàng không dân dụng, 35 ha đất quy hoạch bổ sung phía nam và 171 ha đất quy hoạch bổ sung phía Bắc.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp