Tình yêu thương - liệu pháp chữa trị cho trẻ tự kỷ

07:15 | 15/04/2017

1,376 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Xuất hiện khá nhiều ở Việt Nam, hội chứng trẻ tự kỷ đang thực sự là nỗi lo ngại của nhiều bậc phụ huynh. Theo Tiến sĩ Phan Quốc Việt - Giám đốc Trung tâm Phát triển Kỹ năng Con người Tâm Việt, tự kỷ không phải là một căn bệnh, nó chỉ là một hội chứng và có thể chữa trị bằng cách “nhúng” trẻ vào môi trường yêu thương.

Không còn mới lạ, hội chứng tự kỷ xuất hiện từ lâu và có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Đặc biệt là đối với học sinh tiểu học. Nhiều nhà chuyên môn, giáo viên nhận định vấn đề dạy trẻ tự kỷ rất khó khăn, đặc biệt nhiều phụ huynh chưa nhận thức rằng con mình đang mắc hội chứng tự kỷ.

Không tin con bị tự kỷ

Tự kỷ là một dạng rối loạn phát triển, xuất hiện ngay từ những năm đầu đời, thường trước 3 tuổi. Trẻ mắc chứng tự kỷ ít có sự giao tiếp, tương tác xã hội nên các mối quan hệ và các mặt tâm lý và xã hội đều hạn chế.

Cô Nguyệt Hà, giáo viên dạy trẻ tự kỷ (Trường Sfora, Trung tâm hướng nghiệp Beautiful Trần Quang Diệu, Hà Nội) cho biết: Tại Sfora có rất nhiều em mắc hội chứng tự kỷ. Có em thường xuyên chơi một mình một góc, không nói chuyện hay chơi đùa với các bạn xung quanh. Khó khăn lớn nhất trong giáo dục trẻ tự kỷ là gia đình nhận thức chưa đúng đắn về căn bệnh và cho rằng con mình không mắc hội chứng tự kỷ.

tinh yeu thuong lieu phap chua tri cho tre tu ky
Ảnh minh họa

Theo cô Hà, bệnh tự kỷ là một hội chứng làm ăn mòn đi các hoạt động thường nhật của trẻ. “Trong lớp, để làm cho các em có cảm giác hứng thú học tập, chúng tôi thường xuyên thay đổi phương pháp và luôn kiên trì và cần kết hợp nhiều biện pháp tích cực như: tập Yoga, thường xuyên cho trẻ trao đổi ý kiến với nhau... Và theo tôi biện pháp tốt nhất là dành nhiều sự yêu thương và quan tâm hơn đối với từng bé mắc hội chứng” - cô Hà nói.

Theo tìm hiểu, nếu trẻ mắc hội chứng tự kỷ do áp lực hay sốc về tâm lý trong thời gian ngắn thì điều trị tại các trung tâm điều trị tâm lý và có thể nhanh chóng trở lại với xã hội trong vòng 3 tới 4 tháng. Bên cạnh đó, tự kỷ ở trẻ là hội chứng mà người lớn khó có thể phát hiện hoặc khi đã phát hiện thì đã nặng và khó chữa trị. Nên nhiều bậc phụ huynh phủ nhận và bác bỏ khi nhà trường xác định con họ bị mắc hội chứng tự kỷ.

Có thể nói, đây là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng vì thật ra hiện nay không có một chính sách hỗ trợ hay chữa trị nào cho bệnh tự kỷ. Gia đình nào có người mắc bệnh tự kỷ đều phải tự mình, tự lực cánh sinh mà chiến đấu với nó. Thường bệnh tự kỷ ở trẻ có thể chữa trị được nếu điều trị đúng cách và phát hiện sớm nhưng lại rất tốn kém về thời gian và tiền bạc. Một số gia đình vì kinh tế khó khăn mà phải chấp nhận nhìn con bị tự kỷ mà bất lực không biết làm gì.

Vấn đề đáng lo ngại và hậu quả của bệnh là khi số lượng của trẻ mắc hội chứng tự kỷ quá nhiều và không thể kiểm soát được. Đây là đối tượng mà tương lai sẽ là gánh nặng của xã hội khi mà khả năng tự nuôi sống bản thân là không có và sẽ bị một lực lượng lao động khác nuôi trong thời gian dài làm cho nền kinh tế bị giảm sút nghiêm trọng.

Cần “nhúng” trẻ trong môi trường yêu thương

Theo Tiến sĩ Phan Quốc Việt, khi nói đến trẻ tự kỷ trước tiên phải hiểu rằng, đây không phải là căn bệnh như nhiều người lầm tưởng, mà thực chất đây chỉ là một hội chứng ở trẻ em. Hiểu đơn giản, não bộ có ba phần: não bò sát, não cảm xúc và não tư duy. Trẻ bị tự kỷ phát triển não bò sát chỉ có chức năng sinh tồn còn não tư duy lại cực kỳ kém phát triển. Do đó gây ra tình trạng rối loạn thần kinh trung ương. Để đào tạo trẻ tự kỷ mất thời gian khoảng 3 năm, có thể hơn tùy thuộc vào sự tương tác giữa trẻ, người dạy trẻ và gia đình.

tinh yeu thuong lieu phap chua tri cho tre tu ky
Tiến sĩ Phan Quốc Việt

“Muốn khắc phục hội chứng này, cần phải dùng nhiều biện pháp trong đó việc điều khiển ngược hành vi dần dần làm cho não tạo thành nếp nhăn là khá quan trọng. Cần tập nhiều cho thành đường truyền tốt, dùng hành vi tác động lại dây thần kinh. Quá trình này phải mất một thời gian rất lâu, không chỉ đòi hỏi sự kiên trì nhẫn nại mà còn cần phải kiên tâm” – Tiến sĩ Việt nói.

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Việt cũng cho rằng, biện pháp tốt nhất để chữa trị cho trẻ bị tự kỷ là cần “nhúng” các em trong môi trường yêu thương. “Yêu thương ở đây là làm sao cho trẻ tự kỷ có thể thoải mái nói chuyện, trải lòng với người thân, vui vẻ với bạn bè cùng trang lứa, cùng tham gia các hoạt động chung khi đến trường lớp. Tránh tình trạng sợ hãi, nhút nhát trước cuộc sống xung quanh, thu mình và tự ti trong mỗi hoạt động. Để làm được điều này ngoài sự can thiệp của các chuyên gia tâm lý, của các thầy cô giáo thì gia đình chính là chỗ dựa tinh thần tin cậy nhất cho các em” - Tiến sĩ Phan Quốc Việt nhấn mạnh.

Kim Thoa - Văn Bình

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc