Tin Thị trường: Nga và loạt nước OPEC+ tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu

18:29 | 03/04/2023

1,962 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nga và loạt nước OPEC+ tuyên bố tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu; Nhu cầu tàu chở nhiên liệu tăng vọt...
Tin Thị trường: Nga và loạt nước OPEC+ tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu

Nga và loạt nước OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak mới đây tuyên bố, nước này sẽ gia hạn chính sách cắt giảm sản lượng khai thác dầu cho đến hết năm 2023.

Tuyên bố trên được đưa trong bối cảnh Ả Rập Xê-út, Kuwait, Oman, Iraq, Algeria và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đồng loạt đưa ra những động thái tương tự.

Nga hiện là một thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các quốc gia đối tác (OPEC+).

Phó Thủ tướng Novak nêu rõ: "Với vai trò là một bên tham gia có trách nhiệm trên thị trường cũng như là một biện pháp phòng ngừa nguy cơ thị trường trở nên bất ổn hơn, Liên bang Nga sẽ thực thi quyết định cắt giảm 500.000 thùng mỗi ngày cho tới cuối năm 2023".

Trước đó, UAE, Ả Rập Xê-út, Kuwait, Iraq, Oman và Algeria lần lượt tuyên bố tự nguyện cắt giảm 144.000 thùng/ngày, 500.000 thùng/ngày, 128.000 thùng/ngày, 211.000 thùng/ngày, 40.000 thùng/ngày và 48.000 thùng/ngày kể từ tháng 5 đến hết năm 2023.

Giá LNG thấp không phải là tin tốt với châu Âu

Châu Âu đã tránh được cuộc khủng hoảng thiếu khí đốt trong mùa đông này nhờ nhập khẩu LNG tăng cao, nhu cầu giảm và thời tiết ôn hòa hơn. Do đó, giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu đã giảm xuống mức hồi tháng 1/2022, ngay trước thời điểm xảy ra xung đột Nga - Ukraine.

Tuần trước, hợp đồng tương lai tại trung tâm TTF của châu Âu, dao động quanh mức 47 USD (43 euro) mỗi megawatt giờ (MWh), giảm từ hơn 142 USD (130 euro) vào đầu mùa sưởi ấm năm 2022/2023 và từ mức cao kỷ lục 350 USD (320 euro) mỗi MWh vào tháng 8 năm 2022.

Thời tiết mùa đông ấm hơn và nhu cầu LNG giảm từ châu Á đã giúp châu Âu lấp đầy các kho chứa ở mức thích hợp trước mùa sưởi ấm và kết thúc với lượng tồn kho cao hơn nhiều so với mức trung bình trong lịch sử.

Giới phân tích cho rằng, khi lo ngại về một cuộc khủng hoảng khí đốt lắng xuống trong mùa đông này, kéo giá khí đốt tự nhiên của châu Âu xuống, châu Âu không nên mong đợi một mùa đông ấm hơn bình thường nữa và ít cạnh tranh hơn từ châu Á khi bắt đầu chuẩn bị cho mùa đông 2023/2024.

Năm ngoái, châu Á, bao gồm Trung Quốc đã chứng kiến nhập khẩu LNG giảm trong bối cảnh giá giao ngay cao và nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc. Tuy nhiên, với việc Trung Quốc mở cửa trở lại, nhu cầu về khí đốt và LNG sẽ tăng trở lại, làm gia tăng sự cạnh tranh giữa châu Á và châu Âu về nguồn cung giao ngay.

Nhu cầu tàu chở nhiên liệu tăng vọt

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang bị đảo lộn bởi các lệnh trừng phạt Nga trong khi châu Á và Trung Đông bổ sung công suất lọc dầu gây bất lợi cho Mỹ và châu Âu, các đơn đặt hàng cho tàu chở nhiên liệu đã tăng vọt trong năm nay.

Cho tới năm 2023, tổng cộng 38 tàu chở nhiên liệu tầm trung đã được đặt hàng, con số cao nhất kể từ năm 2013, theo dữ liệu từ công ty môi giới tàu biển Braemar.

Trên thực tế, trật tự thương mại toàn cầu mới sau lệnh cấm vận của phương Tây và việc áp trần giá đối với các sản phẩm dầu của Nga, cũng như sự gia tăng công suất lọc dầu ở châu Á và Trung Đông trong khi các cơ sở đóng cửa ở Mỹ và châu Âu, đã tạo ra sự chênh lệch lớn hơn về mặt địa lý giữa công suất lọc dầu mới và các trung tâm tiêu thụ lớn.

Trước lệnh cấm của EU đối với các sản phẩm xăng dầu của Nga, Nga bắt đầu chuyển hướng vận chuyển các sản phẩm dầu mỏ của mình sang thị trường Bắc Phi và châu Á. Ngoài ra, châu Âu đã bắt đầu mua thêm dầu diesel và các loại nhiên liệu khác từ Trung Đông, châu Á và Bắc Mỹ để thay thế các thùng dầu Nga.

Bằng phương thức chuyển đổi tàu (STS), Nga đang rút ngắn lộ trình cho các tàu chở dầu đến châu Phi và châu Á.

Bình An