Tin thị trường: Mỹ tạm dừng cấm xuất khẩu dầu thô, tung dầu dự trữ chiến lược

10:30 | 13/12/2021

901 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Theo S&P Platts, OPEC+ trong tháng 11 đã tăng tổng cộng 500.000 bpd sản lượng khai thác dầu thô lên mức cao nhất kể từ tháng 05/2020 – 41,71 triệu bpd, nhưng vẫn thấp hơn 4,15 triệu bpd so với trước chiến tranh giá dầu giữa LB Nga và KSA (tháng 04/20), trong đó, khối OPEC tăng 300.000 bpd lên 27,85 triệu bpd, non-OPEC tăng 200.000 bpd lên 13,86 triệu bpd.
Tin thị trường: Mỹ tạm dừng cấm xuất khẩu dầu thô, tung dầu dự trữ chiến lược

Tỷ lệ tuân thủ thỏa thuận OPEC+ giảm nhẹ 0,9% xuống 112,3%, tương đương khối lượng nguồn cung 520.000 bpd không được đưa ra thị trường, chủ yếu bởi 19 thành viên như Angola, Malaysia, Nigeria và Equatorial Guinea không đủ khả năng khai thác hết hạn ngạch. 5 quốc gia bao gồm KSA, LB Nga, Iraq, Kazakhstan và Nigeria đã đảm nhận tới 80% sản lượng tăng trưởng tháng 11 vừa qua.

Chính quyền Mỹ vừa tuyên bố tạm từ bỏ phương án cấm xuất khẩu dầu thô sau khi giá xăng dầu nội địa bắt đầu giảm, lệnh cấm xuất khẩu dầu thô có hiệu lực từ năm 1970 và mới được dỡ bỏ năm 2015. Tổng thống Mỹ có quyền hạn chế xuất khẩu dầu thô tối đa 1 năm, nếu việc này dẫn đến thâm hụt nguồn cung trong nước. Thống kê cho thấy, xuất khẩu dầu thô Mỹ trong tháng 11 vừa qua đạt bình quân 2,8 triệu bpd. Mặt khác, Bộ Năng lượng Mỹ dự định bắt đầu bán lô đầu tiên 18 triệu thùng dầu thô dự trữ chiến lược (SPR) trong tổng số 50 triệu thùng từ ngày 17/12. Ngoài ra, Bộ Năng lượng Mỹ cũng sẽ cho Exxon Mobil vay 4,8 triệu thùng dầu thô.

Xuất khẩu LNG Mỹ tháng 11 đã lần đầu tiên vượt Qatar vươn lên giữ vị trí thứ 2 thế giới. Mặc dù con số vượt hiện này còn khá tượng trưng sau khi khối lượng xuất khẩu nước này giảm 10% từ 6,6 triệu tấn xuống còn xấp xỉ 6 triệu tấn. Trong tương lai gần, Mỹ hoàn toàn có đủ tiềm năng vượt Úc trở thành quốc gia xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới với nhiều dự án đang trong quá trình xây dựng. Chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, các doanh nghiệp Mỹ đã gây dựng thành công ngành công nghiệp xuất khẩu khí hóa lỏng số 1 thế giới, trong khi một thập kỷ trước, ngay tại thị trường nội địa, LNG còn đang thiếu hụt trầm trọng. Trong năm 2022, khi dây chuyền thứ 6 nhà máy Sabine Pass cùng dây chuyền thứ 18 nhà máy Calcasieu Pass đi vào hoạt động, Mỹ sẽ dẫn đầu thế giới về năng lực sản xuất LNG – 118 tỷ m3/năm (tối đa 143 tỷ m3/năm) so với Úc – 118 tỷ m3, Qatar – 108 tỷ m3. Chưa kể 10 dự án đã được bộ Năng lượng nước này phê duyệt tổng công suất 250 tỷ m3/năm, một trong số này là Calcasieu Pass 2 (20 triệu tấn/năm) thuộc công ty American Venture Global vừa ký được 2 hợp đồng dài hạn cung cấp 8 triệu tấn/năm cho Sinopec trong vòng 20 năm.