Tin Thị trường: Doanh thu từ dầu của Nga phục hồi

19:25 | 17/04/2023

8,660 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Doanh thu từ dầu của Nga phục hồi khi xuất khẩu tăng; Trung Quốc muốn mở rộng nguồn cung khí đốt ổn định...
Trung Quốc tìm cách

Doanh thu từ dầu của Nga phục hồi khi xuất khẩu tăng

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết xuất khẩu dầu thô và sản phẩm tinh chế của Nga đã tăng trong tháng 3 lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2020, do xuất khẩu nhiên liệu tăng vọt.

Theo Báo cáo về thị trường dầu mới nhất của IEA, xuất khẩu dầu thô Nga và các sản phẩm tinh chế trong tháng 3 tăng 600.000 thùng/ngày, đạt 8,1 triệu thùng/ngày, mức xuất khẩu dầu cao nhất từ Nga trong 3 năm.

Sự gia tăng xuất khẩu dầu thành phẩm chiếm phần lớn mức tăng trưởng về khối lượng xuất khẩu, khi lưu lượng sản phẩm phục hồi trở lại mức gần đây nhất trước khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine.

IEA nói rằng, xuất khẩu nhiên liệu của Nga đã tăng 450.000 thùng/ngày lên 3,1 triệu thùng/ngày.

Doanh thu xuất khẩu dầu của Nga ước tính tăng thêm 1 tỷ USD từ mức tháng 2 lên 12,7 tỷ USD trong tháng 3. Tuy nhiên, doanh thu vẫn thấp hơn 43% so với một năm trước do giá thấp hơn và mức chiết khấu lớn mà dầu của Nga được giao dịch so với các chuẩn dầu quốc tế.

Nhà chức trách Nga tuyên bố sẽ giảm sản lượng dầu 500.000 thùng/ngày cho đến cuối năm nay. Tuần trước, Nga thông báo đã cắt giảm sản lượng 700.000 thùng/ngày trong tháng 3.

Các công ty theo dõi tàu chở dầu và các nhà phân tích cho rằng Nga dường như đã xoay sở để chuyển hướng rất nhiều dầu thô và nhiên liệu xuất khẩu của mình sang châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh.

Trung Quốc muốn mở rộng nguồn cung khí đốt ổn định

Kazakhstan gần đây đã đề xuất xây dựng một đường ống dẫn khí đốt quốc tế mới tới Nga chạy qua lãnh thổ quốc gia Trung Á và kết nối với Trung Quốc. Dự án đường ống mới này đã nổi lên như một nhu cầu thiết yếu trong việc cung cấp các nguồn khí đốt tự nhiên cho các khu vực phía đông của Kazakhstan. Quyết định cuối cùng về dự án dự kiến sẽ được đưa ra trước ngày 1 tháng 5.

Nhìn chung, đường ống mới được lên kế hoạch để trở thành con đường nhanh nhất và ngắn nhất vận chuyển khí đốt của Nga đến Trung Quốc thông qua các khu vực phía đông của Kazakhstan, mặc dù các thông tin chi tiết vẫn chưa được công bố.

Trước đó, hồi tháng 5 năm 2022, Bộ Năng lượng Kazakhstan và tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga đã thảo luận về việc khí hóa các khu vực phía đông và phía bắc của Kazakhstan và đồng ý tăng cường nỗ lực giải quyết các khía cạnh hợp tác quan trọng nhất. Cựu Bộ trưởng Năng lượng Kazakhstan Magzum Mirzagaliyev, vào tháng 10 năm 2021, đã đề xuất rằng Nga nên cung cấp khí đốt cho Kazakhstan theo các điều kiện đôi bên cùng có lợi.

Trên thực tế, Moscow đã nhấn mạnh sự dịch chuyển về phía đông của mình đối với các thị trường năng lượng châu Á, do các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Năm 2022, xuất khẩu khí đốt của Nga giảm 25%; song, Trung Quốc đã nhận được lượng khí đốt lớn chưa từng có của Nga thông qua đường ống Power of Siberia.

Trung Quốc là nước tiêu thụ khí đốt tự nhiên lớn thứ ba trên thế giới, sau Mỹ và Nga, trong khi Australia là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn nhất của Trung Quốc trong nhiều năm. Mặc dù vậy, gần đây, Trung Quốc đã bắt đầu tìm kiếm các nguồn cung khí đốt ổn định khác. Về vấn đề này, trữ lượng khí đốt của Nga cực kỳ quan trọng đối với Bắc Kinh. Và vì đã mất một nửa thị trường châu Âu, nên Moscow cực kỳ quan tâm đến việc mở rộng thị phần của mình trên thị trường năng lượng Trung Quốc.

Xuất khẩu dầu của Iraq vẫn bị gián đoạn

Ba tuần trước, Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) đã ra phán quyết rằng Thổ Nhĩ Kỳ phải bồi thường thiệt hại 1,5 tỷ USD cho Iraq vì đã nhận dầu từ khu vực bán tự trị người Kurd (KRG) ở Iraq mà không có sự cho phép của Baghdad từ năm 2014 đến năm 2018.

Việc xuất khẩu 450.000 thùng dầu thô mỗi ngày của Iraq vẫn chưa được khôi phục bất chấp một thỏa thuận tạm thời đã được ký kết giữa Iraq và KRG hơn một tuần trước. Các nguồn tin của Reuters cho rằng Baghdad vẫn chưa đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ mở lại đường ống.

Thổ Nhĩ Kỳ trước đây đã tuyên bố rằng họ muốn đàm phán khoản thanh toán 1,5 tỷ USD và muốn có giải pháp cho một vụ kiện trọng tài khác liên quan đến việc xuất khẩu dầu tương tự sang Thổ Nhĩ Kỳ từ KRG, ngoại trừ vụ kiện này bao gồm các chuyến hàng từ năm 2018 trở đi.

Các nguồn tin của Reuters cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đang chờ các cuộc đàm phán trực tiếp diễn ra.

Hậu quả của việc ngưng xuất khẩu này là rất lớn, khi KRG bị tước hơn nửa tỷ USD doanh thu từ dầu mỏ, 450.000 thùng dầu thô mỗi ngày bị loại khỏi thị trường toàn cầu và Iraq yêu cầu tòa án liên bang Mỹ thi hành phán quyết trọng tài.

Tin Thị trường: Trung Quốc, Ấn Độ giúp châu Á duy trì tăng trưởng nhu cầu dầu Tin Thị trường: Trung Quốc, Ấn Độ giúp châu Á duy trì tăng trưởng nhu cầu dầu
Tin Thị trường: Lo ngại hợp đồng tương lai khí đốt tự nhiên châu Âu Tin Thị trường: Lo ngại hợp đồng tương lai khí đốt tự nhiên châu Âu

Bình An