Tin Thị trường: Baltic Pipe giúp châu Âu giảm phụ thuộc vào Nga

15:04 | 29/09/2022

1,135 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Xuất khẩu dầu thô từ tất cả các thành viên thuộc OPEC đã giảm trong 25 ngày đầu tiên của tháng 9; đường ống Baltic Pipe sẽ giúp châu Âu giảm phụ thuộc vào Nga...
Tin Thị trường:

Xuất khẩu dầu của OPEC giảm trong tháng 9

Xuất khẩu dầu thô từ tất cả các thành viên thuộc OPEC đã giảm trong 25 ngày đầu tiên của tháng 9 so với cả tháng 8, theo dữ liệu từ Petro-Logistics.

Tính từ ngày 1/9 đến 25/9, xuất khẩu dầu thô của OPEC đạt trung bình 21,648 triệu thùng/ngày, thấp hơn 166.000 thùng/ngày so với mức xuất khẩu trung bình của OPEC trong cả tháng 8.

Theo Petro-Logistics, xuất khẩu dầu thô từ Iran giảm hơn 700.000 thùng/ngày. Xuất khẩu dầu từ nước Cộng hòa Hồi giáo, được miễn trừ khỏi thỏa thuận OPEC+, chỉ đạt trung bình 450.000 thùng/ngày từ ngày 1 đến 25/9.

OPEC+, bao gồm các thành viên OPEC là Iran, Venezuela và Libya được miễn trừ, có mục tiêu sản lượng dầu cao hơn 100.000 thùng/ngày trong tháng 9 so với tháng 8. Mức tăng chỉ kéo dài một tháng, sẽ bị đảo ngược vào tháng 10, nghĩa là các thành viên OPEC+ sẽ còn có sản lượng thấp hơn nữa trên thực tế so với hạn ngạch trong tháng này.

Trong tháng 8, OPEC+ tiếp tục khai thác sản lượng thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu khai thác dầu chung của nhóm, với khoảng cách giữa hạn ngạch và sản lượng thực tế nới rộng lên mức khổng lồ 3,58 triệu thùng mỗi ngày.

Baltic Pipe giúp giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào Nga

Đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Baltic Pipe nối từ Na Uy đến Ba Lan qua Đan Mạch và Biển Baltic mới đây đã được các nhà lãnh đạo của ba quốc gia cắt băng khánh thành.

Đường ống dẫn khí đốt mới được xem là một dự án quan trọng để giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga.

Dự án Baltic Pipe, chạy từ khu vực biển Bắc của Na Uy, đi qua Đan Mạch từ tây sang đông và đổ vào Ba Lan qua Biển Baltic, sẽ vận chuyển khí đốt từ Na Uy - một đồng minh thân thiết của EU và là nhà sản xuất dầu khí lớn nhất Tây Âu - đến Ba Lan, quốc gia trong nhiều năm đã tìm cách từ bỏ năng lượng của Nga.

Ba Lan là một trong những thành viên phản đối quyết liệt dự án Nord Stream 2 - một đường ống dẫn khí đốt khác từ Nga sang Đức.

Công ty điều hành hệ thống truyền tải quốc gia Đan Mạch Energinet cho biết, đường ống Baltic sẽ hoạt động một phần công suất từ ​​ngày 1/10 và có thể đẩy nhanh tiến độ vận hành toàn bộ công suất từ cuối tháng 11 thay vì ngày 1/1/2023 như kế hoạch.

LNG từ Mỹ chỉ giải quyết được một phần vấn đề khí đốt châu Âu

Khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ đã trở thành chiếc phao cứu sinh cho châu Âu đang gặp khó khăn khi Nga cắt giảm mạnh nguồn cung tới lục địa này.

LNG của Mỹ sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong nguồn cung khí đốt cho Châu Âu, song sẽ không đủ để tránh một đợt thiếu hụt lớn trong ba năm tới.

Một nghiên cứu gần đây của Rystad Energy và được tài trợ bởi Viện Dầu khí Mỹ và Hiệp hội Quốc tế của các nhà khai thác Dầu và Khí đốt cho thấy, các công ty Mỹ sẽ vẫn là nhà cung cấp LNG lớn nhất cho các nước châu Âu về lâu dài. Tuy nhiên, trước khi thị trường tái cân bằng, sẽ có khoảng trống nguồn cung kéo dài cho đến khoảng giữa những năm 2023 - 2025.

Khoảng trống này sẽ được thúc đẩy bởi sự cắt giảm giả định của tất cả các nguồn cung khí đốt từ Nga và sự tăng trưởng trong khả năng xuất khẩu LNG của Mỹ. Trong khi đó, năng lực xuất khẩu của Qatar cũng sẽ tăng lên.

Trong 10 năm tới, LNG được dự báo sẽ chiếm tới 75% nhu cầu ở châu Âu, tăng 150% từ năm 2021. Điều mà báo cáo dường như không đề cập đến là chi phí liên quan đến sự phụ thuộc ngày càng lớn vào khí đốt hóa lỏng và ảnh hưởng của chúng đến khả năng cạnh tranh của các ngành công nghiệp châu Âu.

Tin Thị trường: Đức - UAE đạt được thỏa thuận quan trọng về khí đốt Tin Thị trường: Đức - UAE đạt được thỏa thuận quan trọng về khí đốt
Tin Thị trường: Gazprom tạm dừng cung cấp khí đốt cho Trung Quốc Tin Thị trường: Gazprom tạm dừng cung cấp khí đốt cho Trung Quốc

Bình An