Tin thị trường: ADNOC trao hợp đồng tỷ USD cho mỏ dầu Umm Shaif

12:14 | 07/01/2022

158 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ả Rập Xê-út hạ giá bán chính thức cho các khách hàng tại châu Á; nhu cầu khí đốt tại Nam Á gia tăng làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng khí đốt toàn cầu.
Tin thị trường:

Ả Rập Xê-út giảm giá cho các khách hàng châu Á

Ả Rập Xê-út đã quyết định giảm giá tất cả các loại dầu thô mà họ sẽ bán tới châu Á vào tháng 2 xuống mức chênh lệch thấp nhất so với các chuẩn dầu của khu vực trong ba tháng, trong bối cảnh Omicron lây lan nhanh và nguồn cung OPEC+ đưa ra thị trường nhiều hơn.

Theo đó, nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, đã giảm 1,1 USD giá loại dầu thô hàng đầu Arab Light cho thị trường châu Á xuống còn cao hơn 2,2 USD/thùng so với chuẩn Oman/Dubai, chuẩn dầu mà các loại dầu xuất khẩu của Trung Đông sang Châu Á đang dựa vào để tính giá. Chênh lệch giá này so với chuẩn Oman/Dubai là mức thấp nhất đối với loại dầu Arab Light trong ba tháng, Reuters lưu ý.

Tất cả các loại dầu của Ả Rập Xê Út được bán ở châu Á trong tháng 2 sẽ có giá bán chính thức (OSP) giảm từ 1 đến 1,3 USD/thùng.

Các quan chức trong ngành đã dự kiến việc giảm giá của Ả Rập Xê-út đối với thị trường châu Á trong tháng 2, sau động thái tăng mạnh OSP vào tháng trước cho giá tháng 1.

Mỹ là nước xuất khẩu LNG số 1 thế giới

Theo các số liệu của Bloomberg, Mỹ đã truất ngôi Qatar để trở thành nhà xuất khẩu LNG hàng đầu trên thế giới sau một bước nhảy vọt đáng kể về sản lượng LNG từ nhà máy Cheniere Energy’s Sabine Pass.

Trước đó, Mỹ cũng được xem là nước giữ vị trí hàng đầu về xuất khẩu LNG trong năm nay. Tuy nhiên, trong trung hạn, Qatar có thể lấy lại vị trí này vì quốc gia Trung Đông đã tiến hành nâng công suất khai thác LNG từ 77 triệu tấn hàng năm lên hơn 100 triệu tấn.

Muqsit Ashraf, giám đốc điều hành cấp cao về năng lượng toàn cầu tại Công ty cung cấp dịch vụ và tư vấn công nghệ Accenture cho biết: "Qatar và Mỹ sẽ cạnh tranh để trở thành nhà khai thác LNG lớn nhất trên thế giới trong thập kỷ tới".

Nhờ ngày càng có nhiều dự án xuất khẩu LNG của Mỹ đi vào hoạt động, đến cuối năm 2022, công suất danh nghĩa của Mỹ sẽ tăng lên 11,4 tỷ feet khối mỗi ngày (Bcf/d) và công suất cao nhất lên 13,9 Bcf/ngày trên 7 cơ sở xuất khẩu LNG và 44 tàu chuyên chở khí hóa lỏng, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết vào tháng 12 vừa qua.

Nhu cầu khí đốt từ Nam Á gia tăng

Các nền kinh tế mới nổi ở Nam và Đông Nam Á đang quay trở lại thị trường khí đốt tự nhiên hóa lỏng giao ngay (LNG) trong những ngày này, bất chấp giá hàng hóa tăng cao, tạo ra nhu cầu khí đốt bổ sung trên toàn cầu trong bối cảnh nguồn cung suy giảm khiến giá khí đốt châu Âu đạt mức cao kỷ lục trong những tuần gần đây .

Các nhà giao dịch nói với Bloomberg hôm 6/1 rằng, Bangladesh, Pakistan và Ấn Độ đang quay trở lại mua hàng hóa LNG giao ngay, mặc dù họ nhạy cảm với giá cao. Các quốc gia này và những quốc gia khác ở Nam Á buộc phải mua LNG giá cao để tránh mất điện và duy trì hoạt động của các ngành công nghiệp.

Pakistan hiện đang trải qua tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên và xuất khẩu hàng dệt may quan trọng của nước này giảm 20%, tương đương 250 triệu USD trong tháng 12, do các nhà máy buộc phải đóng cửa trong hai tuần do thiếu khí đốt.

Tuy nhiên, vào mùa đông năm nay, Trung Quốc có vẻ được cung cấp nhiều khí đốt và LNG và có thể hạn chế đà tăng của giá LNG giao ngay ở châu Á, các nhà giao dịch nói với Bloomberg.

Ngay trước Giáng sinh, giá khí đốt ở châu Âu đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại sau khi khí đốt tự nhiên trên một đường ống quan trọng từ Nga đến Đức đảo ngược dòng chảy về phía đông và nhiều nơi ở châu Âu chìm trong băng giá.

ADNOC trao hợp đồng 1 tỷ USD để phát triển mỏ Umm Shaif

Công ty Dầu khí Quốc gia Abu Dhabi (ADNOC) đã trao một hợp đồng khổng lồ cho Công ty Xây dựng Dầu khí Quốc gia (NPCC) có trụ sở tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất để phát triển lâu dài mỏ dầu ngoài khơi Umm Shaif của họ.

Người khổng lồ thuộc sở hữu nhà nước đã xác nhận điều này vào hôm 5/1, nói thêm rằng hợp đồng kỹ thuật, mua sắm và xây dựng "Kế hoạch phát triển dài hạn – Giai đoạn 1" (LTDP-1) đã được ADNOC Offshore trao cho NPCC sau một quá trình đấu thầu cạnh tranh.

Phạm vi của hợp đồng bao gồm các hoạt động kỹ thuật, mua sắm, chế tạo, lắp đặt và vận hành cần thiết để duy trì năng lực khai thác ở mức 275.000 thùng mỗi ngày tại mỏ Umm Shaif.

ADNOC cho biết, hợp đồng EPC tại mỏ Umm Shaif, dự kiến ​​sẽ hoàn thành vào năm 2025, bao gồm hai gói thầu mở rộng mạng lưới và các giàn đầu giếng mới.

Bình An