Tín hiệu vui từ phim Việt xuất ngoại

07:36 | 27/04/2019

335 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Các nhà làm phim Việt vừa đón nhận tin vui khi “Lật mặt 4” tiếp nối “Hai Phượng” thâm nhập hệ thống rạp ở Bắc Mỹ - thị trường điện ảnh lớn trên thế giới.

Từ trước tới nay, đã có rất nhiều bộ phim của Việt Nam được “xuất ngoại”, nhưng việc đưa phim ra nước ngoài mới dừng ở hoạt động chiếu giao lưu, giới thiệu hoặc gửi tham gia dự giải tại các liên hoan phim. Những bộ phim đó không chiếu song song giữa Việt Nam và các quốc gia khác mà thường phải chờ một vài tháng, thậm chí cả năm sau khi đã chiếu tại Việt Nam. Phạm vi chiếu cũng giới hạn, bởi chủ yếu chỉ chiếu để phục vụ Việt kiều tại một số rạp.

tin hieu vui tu phim viet xuat ngoai
“Lật mặt 4: Nhà có khách” quy tụ những gương mặt trẻ

Nhưng kể từ khi “Hai Phượng” xuất hiện, phim Việt đã có cuộc đột phá ngoạn mục khi có mặt tại 12 cụm rạp ở Mỹ chỉ sau 1 tuần so với thời điểm công chiếu ở Việt Nam. “Hai Phượng” liên tiếp gặt hái thành công và nhận được nhiều đánh giá tích cực từ báo chí quốc tế. Điều này khiến nhà phát hành quyết định tăng số rạp chiếu từ 13 lên 28 rạp và tiến sang Canada. Trước nay, chưa phim Việt nào đạt được kỳ tích này.

Tin vui tiếp tục đến khi tháng 5-2019, “Lật mặt 4” sẽ tiếp bước “Hai Phượng” được công chiếu thông qua các cụm rạp AMC, Regal Cinema, Cineplex và CGV, chinh phục những thị trường khó tính như: San Francisco, Houston, Garden Grove, Orange Country, Dallas của Mỹ, mang đến cho người yêu điện ảnh Việt những hy vọng mới.

Được biết, theo kế hoạch ban đầu, phim “Lật mặt 4” sẽ ra rạp tại Mỹ ngày 19-4-2019, 1 tuần sau khi chiếu tại Việt Nam, nhưng nhận thấy sự ăn khách ở thị trường trong nước, đối tác phát hành phim tại Mỹ đã quyết định tăng địa điểm chiếu, do đó lịch phát hành phim bị lùi lại. Với tín hiệu này, nhiều hy vọng “Lật mặt 4” sẽ tiếp nối “Hai Phượng” chinh phục thị trường nước ngoài.

Dĩ nhiên, không khó để thấy hai bộ phim Việt được công chiếu ở Mỹ này vẫn phục vụ đối tượng khán giả người Việt là chủ yếu, nhưng chí ít, nó đã tạo ra bước ngoặt mới khi phim Việt được chiếu thương mại đồng loạt tại Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Không phải tự nhiên hai bộ phim Việt lại tự tin vươn ra “biển lớn”. Được biết, để lọt vào “mắt xanh” của các tổ chức phát hành phim quốc tế, nhất là lọt vào thị trường khó tính như Bắc Mỹ thì “Hai Phượng” hay “Lật mặt 4” đều phải đáp ứng những yêu cầu vô cùng khắt khe.

Nhà sản xuất Minh Hà từng chia sẻ, phải mất khá nhiều thời gian đầu tư tìm hiểu yêu cầu về nội dung, công nghệ cũng như thị hiếu của người dân bản địa, bên cạnh đó việc tiếp thị cũng gặp không ít khó khăn bởi các nhà sản xuất phim Việt chưa phải là những tên tuổi lớn. Để tiếp cận với các nhà phát hành phim lớn trên thế giới, nhà sản xuất phim Việt phải liên tục tham gia các liên hoan phim quốc tế, vừa giới thiệu sản phẩm, vừa tìm hiểu thị hiếu khách hàng. Thế nên, dù 3 phần phim trước đã khá thành công nhưng phải đến “Lật mặt” phần 4, nhà sản xuất mới mạnh dạn giới thiệu dự án phim đến các đối tác nước ngoài.

Nhà sản xuất Lý Hải rút ra một điều: Nếu mang nhà chọc trời, xe sang vào bối cảnh thì chắc chắn không đọ lại được với phim Mỹ, do đó “Lật mặt 4” chú trọng đến phong vị Việt. Lý Hải tiết lộ, phim tập trung vào những đại cảnh như lễ hội, thả hoa đăng, phiên chợ vùng cao… để đặc tả phong cảnh, văn hóa Việt, dù việc dàn dựng vô cùng tốn kém.

Đó cũng là đường hướng mà trước đó “Hai Phượng” đã làm. Không cần một kịch bản phức tạp để “hack” não khán giả, “Hai Phượng” chỉ đơn giản là hành trình của một người mẹ đi cứu đứa con gái bị bắt cóc, qua đó triệt phá được đường dây buôn bán trẻ em xuyên quốc gia. Nhưng thông điệp gửi đến lại giàu tính nhân văn khi đề cao tình mẫu tử và nỗ lực chiến thắng nỗi sợ hãi của con người. “Hai Phượng” cũng không tạo kịch tính từ những màn đọ súng, đua xe, cháy nổ... mà để nhân vật đánh nhau bằng những đạo cụ rất Việt như: Dao, rìu, thậm chí là bất cứ thứ gì trong tầm với của nhân vật như trái sầu riêng, cờ-lê, tua-vít… Cách chọn đạo cụ này cho thấy được sự tinh tế và thông minh của ê-kíp làm phim và đã thành công.

Có thể nói, phim Việt xuất ngoại thành công không phải là quá trình hòa tan, trộn lẫn mà là quá trình hội nhập với bản sắc văn hóa riêng Việt Nam. Hy vọng, việc liên tiếp những bộ phim được trình chiếu thương mại thông qua các cụm rạp ở nước ngoài sẽ là tín hiệu tốt để ngày càng có nhiều phim Việt lọt vào tầm ngắm của các “ông lớn” phát hành phim trên thế giới.

Huy An