Tiền Giang định hướng phát triển năng lượng tái tạo phục vụ nông nghiệp

12:20 | 24/07/2018

589 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tỉnh Tiền Giang có 32km bờ biển, có tốc độ gió bình quân năm khoảng 5 – 5,75m/giây, có số giờ nắng là 2.500 giờ/năm… Đây là lợi thế để nghiêm cứu tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo phục vụ cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.  

Theo Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang, tỉnh đang được cấp nguồn điện chủ yếu từ trạm biến áp 500/220kV Mỹ Tho và 2 trạm biến áp 220/110kV Mỹ Tho 2 và Cai Lậy. Trong những năm qua, để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trên địa bàn, Sở Công Thương và Công ty Điện lực Tiền Giang cùng với các cơ quan, địa phương đã tích cực thực hiện các giải pháp như: tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt phương án ứng phó với trường hợp mất cân đối cung cầu về điện, ban hành các chương trình, quyết định, chỉ thị, văn bản chỉ đạo thực hiện việc sử dụng điện an toàn; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; đẩy mạnh công tác đầu tư xây dựng, cải tạo lưới điện trung, hạ áp;…

Nhờ đó, đã đảm bảo cung cấp đủ nguồn điện an toàn, ổn định, liên tục phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế, đời sống sinh hoạt của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, về lâu về dài, cần thêm các nguồn điện khác, đặc biệt là nguồn năng lượng tái tạo đưa vào hoạt động để góp phần giảm nguồn điện cung cấp từ lưới điện quốc gia.

Tiền Giang có thế mạnh về phát triển nông nghiệp, đặc biệt là cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản. Diện tích trồng thanh long trên địa bàn tỉnh là 6.325 ha, diện tích thả nuôi thủy sản là 15.782 ha. Trong những năm qua, nhu cầu sử dụng điện để phục vụ phát triển nông nghiệp ngày càng tăng, chủ yếu là sử dụng điện để xông cây thanh long ra hoa trái vụ và phục vụ nuôi trồng thủy sản.

Tiền Giang định hướng phát triển năng lượng tái tạo phục vụ nông nghiệp
Nhu cầu điện phục vụ cho việc xông thanh long ra hoa trái vụ tại Tiền Giang rất lớn

Năm 2017, sản lượng điện năng tiêu thụ phục vụ cho việc xông thanh long ra hoa trái vụ khoảng 88,8 triệu kWh (chiếm 3,8% tổng sản lượng điện tiêu thụ toàn tỉnh), phục vụ nuôi trồng thủy sản khoảng 52,4 triệu kWh (chiếm 2,3% tổng sản lượng điện tiêu thụ toàn tỉnh).

Theo quy hoạch của tỉnh Tiền Giang, dự kiến đến năm 2020 diện tích trồng thanh long khoảng 7.000 – 8.300 ha, diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 15.800 ha. Với sự tăng trưởng của các nhóm ngành kinh tế nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng làm cho nhu cầu sử dụng điện trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng.

Trước tình hình chung hiện nay, nguồn nhiên liệu hóa thạch để phát triển điện ngày càng giảm, tỉnh Tiền Giang rất cần đa dạng hóa nguồn năng lượng, nguồn điện dựa trên năng lượng tái tạo như gió, mặt trời để phát triển bền vững và góp phần bảo vệ môi trường.

Tuy có nhiều tiềm năng và lợi thế về phát triển năng lượng tái tạo nhưng hiện nay trên địa bàn tỉnh Tiền Giang chưa có dự án đầu tư phát triển năng lượng tái tạo. Hiện nay, UBND tỉnh Tiền Giang đã có văn bản chấp thuận chủ trương cho một số nhà đầu tư khảo sát, lắp đặt trạm quan trắc (cột đo gió) phục vụ mục đích nghiên cứu để lập các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh.

Với sự tạo điều kiện của địa phương, cũng như các chính sách của Trung ương trong việc phát triển điện gió, điện mặt trời, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang hy vọng sẽ tạo được môi trường thuận lợi để các nhà đầu tư phát triển nguồn năng lượng tái tạo tại địa phương trong thời gian tới.

Mai Phương