Phát triển năng lượng tái tạo ở châu Phi

Thuận lợi và thách thức

14:33 | 08/03/2019

241 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Những thuận lợi và khó khăn trong việc đầu tư và phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại lục địa đen được phân tích dưới góc nhìn của bà Carole Arribes - chuyên gia tư vấn của Tổ chức Hội thảo phát triển Pháp (DWF).  

Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB) mới đây đã phê duyệt khoản tài trợ trị giá 1 tỉ euro trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại châu Phi. Gói tài chính này sẽ được phân bổ cho một số dự án năng lượng tại lục địa đen bao gồm 2 dự án nhà máy điện mặt trời 500MW ở Morocco, 1 nhà máy thủy điện 420MW ở Cameroon, 1 dự án kết nối điện giữa Mali và Guinea...

PV: Những quốc gia châu Phi nào hội tụ những điều kiện thuận lợi để phát triển các dự án năng lượng tái tạo?

Bà Carole Arribes: Châu Phi là vùng đất lý tưởng của mọi nguồn năng lượng tái tạo. Tại các quốc gia cận sa mạc Sahara như Senegal, Ghana và Bờ Biển Ngà, phát triển ngành công nghiệp này là một hướng đi cần thiết trong công cuộc điện khí hóa đất nước để giải quyết những hạn chế trong việc sản xuất điện và vấn đề bùng nổ dân số. Đây là điều kiện tiên quyết dẫn đến những dự án kinh tế khác trong tương lai.

Ở Bắc Phi, nhà vua Morocco đã có quyết tâm cao trong việc bảo đảm nền an ninh năng lượng trong những năm tới. Sau khi đã có những bước đi đúng đắn với năng lượng mặt trời, quốc gia Bắc Phi này đang tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư đấu thầu các dự án điện gió. Những chính sách đúng đắn đã nâng tỷ lệ người dân được sử dụng điện tại Morocco lên đến gần 100%.

Trái với những thuận lợi trong việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo của Morocco, Tunisia đã phải hoãn việc đấu thầu lại đến 2 lần vào năm 2018. Algeria là một trường hợp đặc biệt. Dù quốc gia này rất quan tâm đến xu hướng phát triển năng lượng xanh, nhất là năng lượng mặt trời, nhưng việc sở hữu trữ lượng dầu khí khổng lồ đôi khi khiến họ quên đi những vấn đề khác. Tương tự Morocco, Ai Cập cũng điều hành một mạng lưới năng lượng tái tạo hiệu quả và tạo ra sức hấp dẫn cho các dự án khác trong tương lai.

PV: Những thách thức nào trong quá trình thực hiện các dự án năng lượng sạch tại châu Phi?

Bà Carole Arribes: Các chủ dự án thường phải đối mặt với việc thiếu vốn dù kế hoạch của họ mang tính khả thi cao. Ở chiều ngược lại, các nhà đầu tư lại nói rằng, họ khó tìm ra được những dự án sinh lời. Vì sao vậy?

Thông thường, một dự án năng lượng tái tạo cần phải trải qua 3 giai đoạn: Phát triển dự án, khởi công xây dựng và cuối cùng là đi vào vận hành. Những thách thức nằm trong giai đoạn đầu và cuối.

Việc đầu tiên phải làm trong quy trình này là tìm được một quốc gia đã có khung pháp lý cho các dự án năng lượng tái tạo. Không phải quốc gia châu Phi nào cũng có sẵn mọi thứ như thế. Có thể thấy, năng lượng tái tạo đã thích ứng với châu Phi nhưng châu Phi vẫn chưa hoàn toàn chuyển mình để thích nghi với năng lượng tái tạo. Một thách thức khác là phải bảo đảm hiệu quả truyền tải điện năng ở mức cao thông qua một cơ sở hạ tầng vững chắc.

PV: Làm thế nào để bảo đảm với các nhà đầu tư rằng, tiền của họ sẽ không biến mất và có khả năng sinh lời?

Bà Carole Arribes: Các quốc gia trên thế giới không có sự đồng nhất về khung pháp lý, tính ổn định của hệ thống pháp luật và biểu thuế. Đó là còn chưa đề cập đến sự ổn định thể chế và quyền hành pháp khác nhau của mỗi chính phủ.

thuan loi va thach thuc
Điện mặt trời ở châu Phi

Vì các dự án năng lượng đều là những khoản đầu tư dài hạn, các nhà đầu tư cần một chính quyền có tổ chức tốt. Họ cần một hướng phát triển hiệu quả và quyền đàm phán với các tập đoàn điện lực quốc gia - những người sẽ mua lại điện của họ. Đừng quên rằng, giá mua điện hợp lý chí ít cũng phải bao gồm tất cả các chi phí liên quan.

Tất cả những điều đó là một sự bảo đảm cần thiết để các nhà đầu tư móc hầu bao cho việc khởi công một dự án tài chính.

PV: Ở những khu vực hẻo lánh, liệu hệ thống điện độc lập có đủ khả năng tổ chức mạng lưới phân phối điện không?

Bà Carole Arribes: Không thể, bấy nhiêu là chưa đủ. Theo tôi, lưới điện thông minh, các nhà máy năng lượng phi tập trung và những chính sách phát triển hợp lý của từng khu vực là 3 yếu tố cần thiết cho sự phát triển và ổn định của lưới điện, giúp cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng. Mục tiêu của ngành công nghiệp này không chỉ là sản xuất năng lượng tái tạo mà trên hết phải là phân phối và tiêu thụ một cách thông minh và hiệu quả.

Các dự án năng lượng đều là những khoản đầu tư dài hạn, các nhà đầu tư cần một chính quyền có tổ chức tốt. Họ cần một hướng phát triển hiệu quả và quyền đàm phán với các tập đoàn điện lực quốc gia - những người sẽ mua lại điện của họ.

S.Phương