Thu ngân sách 2 tháng đầu năm ước đạt trên 399 nghìn tỷ đồng

14:49 | 07/03/2024

250 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Thu ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 2 ước đạt 132,7 nghìn tỷ đồng; lũy kế thu 2 tháng đầu năm ước đạt 399,4 nghìn tỷ đồng, bằng 23,5% dự toán.

Thu ngân sách đạt 23,5% dự toán

Bộ Tài chính vừa có báo cáo số liệu nhằm đánh giá tình hình thực hiện chương trình công tác tháng 2/2024, theo đó, lũy kế thu 2 tháng ước đạt đạt 132,7 nghìn tỷ đồng; lũy kế thu 2 tháng đầu năm ước đạt 399,4 nghìn tỷ đồng, bằng 23,5% dự toán và tăng 14,6% so cùng kỳ năm 2023. Thu từ dầu thô thực hiện tháng 2 ước đạt 4,8 nghìn tỷ đồng; luỹ kế thu 2 tháng ước đạt 9,7 nghìn tỷ đồng, bằng 21,2% dự toán, giảm 2,6% so cùng kỳ năm 2023.

Thu ngân sách 2 tháng đầu năm ước đạt trên 399 nghìn tỷ đồng
Lũy kế thu 2 tháng đầu năm ước đạt 399,4 nghìn tỷ đồng, bằng 23,5% dự toán

Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu thực hiện tháng 2 ước đạt 14,3 nghìn tỷ đồng; lũy kế thu 2 tháng ước đạt 33,8 nghìn tỷ đồng, bằng 16,6% dự toán. Tổng số thu thuế ước đạt 56,6 nghìn tỷ đồng, bằng 15,1% dự toán, giảm 2,1% so cùng kỳ năm 2023; hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ khoảng 22,8 nghìn tỷ đồng, bằng 13,3% dự toán.

Luỹ kế chi 02 tháng ước đạt 270,7 nghìn tỷ đồng, bằng 12,3% dự toán, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt gần 60 nghìn tỷ đồng, bằng 8,9% dự toán Quốc hội quyết định, tỷ lệ giải ngân đạt 9,13% kế hoạch vốn đầu tư phát triển Thủ tướng Chính phủ giao; chi trả nợ lãi ước đạt 23% dự toán; chi thường xuyên ước đạt 13,9% dự toán.

Các nhiệm vụ chi ngân sách được thực hiện theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí phòng, chống dịch, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ ngân sách nhà nước.

Riêng triển khai kế hoạch vốn chi đầu tư phát triển, tổng số kế hoạch vốn năm 2024 Thủ tướng Chính phủ đã giao 657,3 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, tổng hợp đến thời điểm báo cáo, các địa phương đã giao kế hoạch vốn đầu tư của địa phương tăng thêm (từ các nguồn tăng thu, kết dư ngân sách địa phương…) khoảng 32,4 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã phân bổ chi tiết kế hoạch vốn là 664,5 nghìn tỷ đồng, đạt 101,09% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (không kể số kế hoạch vốn các địa phương giao tăng thêm, thì đạt 96,15%). Tính đến ngày 24/02/2024, vẫn còn 25,3 nghìn tỷ đồng chưa phân bổ chi tiết của 20 bộ, cơ quan trung ương và 38 địa phương, chiếm 3,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Ổn định thị trường tiêu dùng và thị trường chứng khoán

Nhìn chung, trong 02 tháng đầu năm, giá cả thị trường trong nước cơ bản ổn định, diễn biến theo đúng với kịch bản điều hành giá của Ban Chỉ đạo điều hành giá đã đề ra. Trong đó, chỉ số giá tiêu dùng tháng 01/2024 tăng 0,31% so với cuối năm 2023, chủ yếu do một số địa phương thực hiện tăng giá dịch vụ y tế theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT và Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân 02 lần trong năm 2023.

Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá xăng, dầu thế giới để điều hành giá xăng, dầu trong nước phù hợp với tình hình thị trường. Trên cơ sở đó, sau 08 kì điều hành giá kinh doanh xăng, dầu trong nước từ đầu năm đến nay, giá các mặt hàng xăng, dầu đều có 03 lần giảm, 05 lần tăng; riêng mặt hàng dầu mazut 3,5 S (FO) có 04 lần gảm, 04 lần tăng.

Trong tháng 2, diễn biến thị trường chứng khoán có các phiên tăng, giảm đan xen, nhưng vẫn theo xu hướng tăng. Tính đến ngày 27/02/2024, VN-Index đạt 1.237,46 điểm, tăng 6,3% so với cuối tháng trước và tăng 9,5% so với cuối năm 2023; quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 6.360 nghìn tỷ đồng, tăng 7,1% so với cuối năm 2023, tương đương 62,2% GDP ước tính năm 2023.

Hiện có 739 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 Sở giao dịch chứng khoán, 868 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM và gần 7,4 triệu tài khoản đầu tư chứng khoán; giá trị giao dịch bình quân tháng 02 là 22,4 nghìn tỷ đồng/phiên, tăng 19,6% so với tháng trước; bình quân 02 tháng đầu năm là 20 nghìn tỷ đồng, tăng 14% so với bình quân năm 2023.

Về thị trường trái phiếu, có 465 mã niêm yết; quy mô giao dịch bình quân tháng 02 đạt 9,2 nghìn tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước; bình quân 02 tháng đạt 9,2 nghìn tỷ đồng, tăng 40,9% so với năm 2023. Đến ngày 23/02/2024, có 11 doanh nghiệp phát hành với khối lượng 7,25 nghìn tỷ đồng (gấp 8,2 lần so với cùng kỳ năm 2023), trong đó, doanh nghiệp bất động sản chiếm 52% (3,75 nghìn tỷ đồng) và xây dựng chiếm 24% (1,7 nghìn tỷ đồng); lãi suất phát hành bình quân 10,26%/năm và kỳ hạn phát hành bình quân 5,5 năm; 52,4% trái phiếu phát hành có tài sản đảm bảo. Khối lượng mua lại trước hạn là 9,1 nghìn tỷ đồng (giảm 41,2% so với cùng kỳ năm 2023). Cơ cấu nhà đầu tư mua TPDN chủ yếu là tổ chức (trong nước chiếm 80,6%; nước ngoài chiếm 6,2%); nhà đầu tư cá nhân mua 13%.

Số mã trái phiếu đăng ký giao dịch trên hệ thống đã công bố trên Chuyên trang thông tin về TPDN của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội là 936 mã trái phiếu của 266 doanh nghiệp với giá trị đăng ký giao dịch đạt 652,9 nghìn tỷ đồng. Trong đó, đã có phát sinh giao dịch của 264 mã trái phiếu thuộc 110 tổ chức phát hành; tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 333,3 nghìn tỷ đồng, giá trị giao dịch bình quân đạt 2,2 nghìn tỷ đồng/phiên. Tổng doanh thu phí bảo hiểm 02 tháng đầu năm 2024 ước đạt 33,9 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Đến hết tháng 02/2024, tổng tài sản ước đạt 934,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11%; đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 780,7 nghìn tỷ đồng, tăng 12,7%.

Thanh tra thu nộp NSNN khoảng 1,4 nghìn tỷ đồng

Trong tháng 02 năm 2024, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ đã triển khai thực hiện tổng số 10.922 cuộc thanh tra, kiểm tra; kiến nghị xử lý tài chính 3.288 tỷ đồng (trong đó: kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước 1.008 nghìn tỷ đồng; kiến nghị xử lý tài chính khác 2.133 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính 146 tỷ đồng); số tiền đã thu nộp NSNN trong kỳ 391 tỷ đồng.

Tính đến ngày 16/02/2024, cơ quan Thuế đã thực hiện 3,8 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra; kiểm tra 8,6 nghìn hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp; qua đó kiến nghị xử lý tài chính 3,7 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nộp NSNN khoảng 1,4 nghìn tỷ đồng (đã nộp vào ngân sách khoảng 0,5 nghìn tỷ đồng), giảm khấu trừ và giảm lỗ gần 2,3 nghìn tỷ đồng; tập trung đôn đốc thu hồi và xử lý nợ đọng thuế ước đến hết tháng 2 đạt khoảng 21 nghìn tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã tăng cường quản lý thu, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thông quan hàng hóa, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu.

Minh Châu

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps