Thu hút và sử dụng nhân tài

06:30 | 08/02/2019

200 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Chúng ta không thể vì những ngành công nghiệp chậm phát triển mà không bắt tay ngay khởi động CMCN 4.0, từ cơ sở vật chất, nhân sự, trí lực, đào tạo, tiếp thu và vận hành sáng tạo 4.0... để không mang tiếng là lên “chuyến tàu vét” của con tàu tốc hành liên vận toàn cầu.

1.CMCN 4.0 được ví như “một luồng gió mới nhưng với tốc độ của một cơn bão siêu cấp đem đến cho mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng, tổ chức, doanh nghiệp, mỗi con người những cơ hội lớn lao có thể chưa từng có để vươn lên, phát triển, thậm chí hoán đổi vị trí trong bản đồ kinh tế thế giới”.

Cùng với CMCN 4.0 và trí tuệ nhân tạo phát triển, nền công nghiệp thông minh, tự động hóa sẽ tạo ra sự chuyển đổi ghê gớm, kinh tế thế giới sẽ phát triển “thần tốc” với hàm số mũ... Tuy nhiên, đó cũng đồng thời là những thách thức, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển. Nó có thể xóa sổ nhiều ngành nghề truyền thống, việc làm và robot có thể làm thay con người… đẩy hàng triệu lao động lâm vào cảnh thất nghiệp, làm đảo lộn nhiều giá trị văn hóa, tinh thần, gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong mỗi quốc gia, khoảng cách phát triển giữa mỗi quốc gia khác nhau nếu không có sự chuẩn bị tốt quá trình chuyển đổi lực lượng lao động tri thức và lao động chân tay trong tất cả các ngành…

thu hut va su dung nhan tai
Chiêu hiền đãi sĩ sẽ thu hút được những tài năng, trí tuệ cho đại nghiệp quốc gia (Ảnh nguồn: Autodesk.com)

Trước cơ hội và thách thức lớn đó, chúng ta phải chuẩn bị tốt chất lượng nguồn nhân lực, tập hợp tinh hoa trí tuệ, nói cách khác là phải thu hút, tập hợp được nhân tài chung tay với vận nước.

2. Ông cha ta, ngay từ thời Lê Thánh Tông đã coi “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” (lời của Thân Nhân Trung trong văn bia khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442), được dựng vào năm Hồng Đức thứ 15, năm 1484). Đó là một giá trị trường tồn của việc “chiêu hiền đãi sĩ”, đất nước không thể ổn định và phát triển nếu không thu hút được những tài năng, trí tuệ cho đại nghiệp quốc gia.

Trong lịch sử hiện đại, nhờ có sự anh minh, tâm sáng, trân trọng và tài nghệ vận động hiền tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đất nước đã ghi danh nhiều tên tuổi các nhà khoa học, trí thức hàng đầu rời thủ đô đi theo kháng chiến như Tạ Quang Bửu, Đặng Vũ Hỷ… hoặc từ bỏ môi trường sinh sống phồn vinh, hành nghiệp thuận lợi, danh giá ở Pháp, ở Nhật về nước giúp sức cho công cuộc đấu tranh và xây dựng đất nước như: Giáo sư Trần Đại Nghĩa, bác học Lương Định Của, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ Đặng Văn Ngữ, nhà triết học Trần Đình Thảo, các trí thức Ngụy Như Công Tum, Hoàng Xuân Nhị…

Đất nước không hiếm những tài năng, trí tuệ sáng tạo, chỉ cần nhìn vào kết quả các cuộc thi quốc tế về toán học, vật lý, hóa học, tin học… trong thập niên gần đây cũng cho thấy điều đó.

Trong cuộc thi Olympic toán quốc tế năm 2012, PGS.TSKH Vũ Đình Hòa (tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Greifswaid, Cộng hòa Dân chủ Đức) là người đầu tiên giành Huy chương Bạc toán quốc tế năm 1974, cũng là người thầy truyền cảm hứng toán học cho GS Ngô Bảo Châu từ lúc nhỏ, là trưởng đoàn đội tuyển Việt Nam có 6 thí sinh dự thi toán, cả 6 đều đoạt giải, giúp Việt Nam trở lại vị trí thứ 10 thế giới.

Năm 2017, Việt Nam có 5 thí sinh dự thi Olympic vật lý tại Indonesia thì cả 5 em đều đoạt giải (4 huy chương Vàng, 1 huy chương Bạc), đứng thứ 5 thế giới sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Singapore.

thu hut va su dung nhan tai
Trí tuệ nhân tạo có thể phục vụ đắc lực cho việc phục vụ con người (Ảnh nguồn: trackative.co)

Kỳ thi tin học châu Á do Australia đăng cai, với 529 thí sinh của 30 nước và vùng lãnh thổ tham gia, Việt Nam có 6 thí sinh dự thi thì cả 6 đều đoạt giải.

Chỉ nhìn ở khía cạnh các cuộc thi Olympic quốc tế cũng cho thấy tiềm năng khoa học và sáng tạo Việt Nam.

Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có những khó khăn về kinh tế, chế độ đãi ngộ, môi trường và cơ chế làm việc chưa tốt, lại trải qua nhiều thập niên xây dựng bộ máy hành chính, quản lý nặng “chủ nghĩa lý lịch” và dai dẳng căn bệnh “con ông cháu cha”… nên xã hội đã nhiều lần phải bức xúc về sự chảy máu chất xám. Nhiều trí thức được đào tạo ở Đông Âu thập niên 60, 70, 80 không về nước làm việc. Nhiều tài năng đào tạo và phát triển ở các nước tiên tiến châu Âu, châu Mỹ đã thành đạt và làm việc ở đó. Tỷ lệ lớn các sinh viên trẻ, năng động hiện nay ra trường tự tìm đường du học tiếp hoặc làm việc cho các công ty nước ngoài… Đó là thiệt thòi không nhỏ cho đất nước so với nhiều quốc gia khác ngay trong khu vực, cần điểm lại để chúng ta nhìn vào thực tiễn, có những giải pháp kiến tạo động lực mới, như chủ trương xây dựng một “Chính phủ kiến tạo” hiện nay.

3. Trước cơ hội của cuộc CMCN 4.0, Đảng và Nhà nước đã có những quan tâm, chỉ đạo sát sao, làm “nóng” tâm thế, khí thế, chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chuyển đổi mang tính lịch sử.

Ngày 4-5-2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị 16, khẳng định cuộc CMCN 4.0 sẽ tác động mạnh mẽ tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội và chỉ đạo bộ máy của Chính phủ từ nay đến năm 2020 phải tập trung phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp sáng tạo, để tận dụng tối đa lợi thế tham gia cuộc cách mạng công nghiệp thông minh này.

Gần đây, ngày 19-8-2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp mặt hơn 100 chuyên gia, nhà khoa học trẻ người Việt tiêu biểu ở nước ngoài về nước tham dự “Chương trình kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam” nhằm “lắng nghe” nhau, đóng góp thiết thực những cao kiến và tâm huyết cho cuộc CMCN 4.0 ở Tổ quốc. Một lần nữa Thủ tướng nhắc lại những tấm gương cống hiến cả cuộc đời cho đất nước của các nhà khoa học, trí thức lớn từ nước ngoài trở về đã được ghi công và vinh danh: Giáo sư Trần Đại Nghĩa, bác học Lương Định Của, bác sĩ Đặng Văn Ngữ… nhằm khích lệ tình yêu và nhiệt tâm đóng góp trí lực cho sự hưng thịnh của Tổ quốc của những con dân Việt từ mọi vùng trên thế giới.

thu hut va su dung nhan tai
Thầy và trò đoàn Việt Nam đi thi Olympic toán học lần thứ 58 năm 2017 tại Brazil

Tại chương trình, TS Trịnh Toàn (Hoa Kỳ) mong muốn: “Thúc đẩy liên kết giữa các nhà khoa học trong nước và ngoài nước để cùng kết nối tri thức, giải các bài toán phát triển đất nước. Phát triển công nghiệp phải dựa vào dữ liệu nên mong Chính phủ có hệ thống dữ liệu mở, chia sẻ dữ liệu để các nhà khoa học trong và ngoài nước phối hợp tham gia”.

TS Phạm Quang Cường, giảng viên Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) mong được hợp tác trong các dự án, nhà máy công nghiệp tại Việt Nam để phát triển các robot “made in Việt Nam”.

Nhiều phát biểu mong muốn Chính phủ có chính sách thông thoáng, tạo điều kiện để những nhà khoa học ở nước ngoài có cơ hội đóng góp sức mình cho Tổ quốc, như sẵn sàng tham gia đào tạo nhân lực khoa học công nghệ cho đất nước, truyền tải kiến thức, kinh nghiệm làm việc ở các nước phát triển về cố hương; hay “cam kết đồng hành, đóng góp cho Chính phủ trong xây dựng hệ sinh thái 4.0 mà không cần Chính phủ trả thù lao” như bày tỏ của GS Nghiêm Đức Long (Australia)...

4. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của hiền tài với sự hưng thịnh của quốc gia và cam kết Chính phủ luôn lắng nghe ý kiến của mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có tầng lớp trí thức Việt trong nước và ở nước ngoài. Chính phủ sẽ tạo môi trường tốt nhất cho trí thức người Việt ở nước ngoài mang tri thức, kinh nghiệm, tâm huyết về phát triển đất nước, xây dựng tốt mối liên kết trí thức trong và ngoài nước.

Thủ tướng nhấn mạnh: Chủ trương của Chính phủ là tranh thủ tối đa cuộc CMCN 4.0 để nâng cao hiệu quả, hiệu suất của nền kinh tế, qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đưa quy mô nền kinh tế cao hơn nữa… Chính phủ đang xây dựng chiến lược quốc gia về CMCN 4.0 với tinh thần chủ động, quyết liệt để sánh vai với các cường quốc về công nghệ, coi đây là một trong những giải pháp để thúc đẩy việc hình thành trung tâm sáng tạo tại các khu công nghệ, trước hết là khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội). Vì vậy, Chính phủ quan tâm đến hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực với các nhà khoa học, các cơ sở khoa học công nghệ trong nước và tiếp tục xây dựng sáng kiến hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, kể cả khung pháp lý cho mô hình kinh tế số, đặc biệt là giải pháp phát triển trung tâm sáng tạo sắp hình thành tại một số khu công nghệ cao để các bạn có thể đóng góp được tài năng, sức lực, trí tuệ cho đất nước.

Đó có thể coi là cam kết chính trị của Chính phủ cho việc thu hút, trọng dụng nhân tài ở Việt Nam, để đất nước cất cánh, hưng thịnh, giá trị Việt được nâng cao

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của hiền tài với sự hưng thịnh của quốc gia và cam kết Chính phủ luôn lắng nghe ý kiến của mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có tầng lớp trí thức Việt trong nước và ở nước ngoài.

Trần Quang Quý